Cần khống chế giá trần xăng dầu

26/08/2012 03:30 GMT+7

Dù vừa tăng giá ngày 13.8 nhưng các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu vẫn đang tiếp tục đề nghị một đợt tăng giá mới.

Dù vừa tăng giá ngày 13.8 nhưng các doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu vẫn đang tiếp tục đề nghị một đợt tăng giá mới.

>> Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu lỗ
>> Thị trường xăng dầu lại méo mó
>> Doanh nghiệp lại đề xuất tăng giá xăng dầu

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định cần xem xét lại cơ chế điều chỉnh giá để hạn chế các tác động xấu của giá xăng dầu trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

 đề nghị tăng giá xăng dầu
Túi tiền của người dân ngày càng nhẹ đi trước đà tăng giá xăng dầu hiện nay - Ảnh: Diệp Đức Minh

Bỏ lợi nhuận định mức 300 đồng/lít

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, quy định tính giá xăng dầu bình quân theo 30 ngày và được phép điều chỉnh 10 ngày/lần của Bộ Tài chính thoạt nhìn có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, kiểu thị trường nửa vời của xăng dầu hiện nay, cộng thêm việc khó kiểm soát chi phí kinh doanh của các DN đầu mối đã khiến cơ chế điều chỉnh này đang có “tác dụng ngược”. Việc xé nhỏ biên độ thành 3 mức (dưới 7% DN được chủ động tăng) càng khiến việc tăng giá được thuận lợi hơn. Minh chứng là các mức điều chỉnh của DN tính từ thời điểm được trao quyền chủ động giá đến nay đều hợp lệ (dưới 7%) và cơ quan quản lý không có lý do gì để từ chối.

 

Giá xăng có thể được điều chỉnh nếu giá thế giới lên. Vấn đề ở đây phải xác định và kiểm soát được chi phí giá thành của DN

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

“Chi phí kinh doanh của DN như thế nào, đã hợp lý chưa? Việc tính giá bình quân 30 ngày dựa trên giá Flatt từ thị trường Singapore có vẻ minh bạch, nhưng giá nhập thực sự của DN là bao nhiêu, bởi DN có thể nhập về nhiều khi giá thấp nhưng lại nhập nhỏ giọt khi giá cao. Thực tế đã có lần khi giá thế giới giảm sâu, yêu cầu giảm giá xăng dầu được đặt ra, nhưng DN nói lý do hàng tồn kho cao nên không thể giảm giá”, ông Long nêu vấn đề. Theo chuyên gia này, kiểm soát hàng tồn kho của DN rất khó và cũng chỉ được cơ quan quản lý quan tâm khi thị trường có dấu hiệu rối loạn.

Nhìn lại chu kỳ 30 ngày của giá thế giới, từ 23.7 tới ngày 6.8, giá xăng nhập đứng ở mức dưới 120 USD/thùng, đà tăng của giá xăng chỉ bắt đầu từ 6.8 tới 13.8 và từ đó tới nay cũng rập rình lên xuống. “Giá xăng có thể được điều chỉnh nếu giá thế giới lên. Vấn đề ở đây phải xác định và kiểm soát được chi phí giá thành của DN. Với nhạy cảm kinh doanh, các đầu mối xăng dầu sẽ chọn thời điểm giá thấp hơn để nhập khẩu. Tuy nhiên, mức lãi từ việc nhập giá thấp tính giá cao này lại không hề được thể hiện qua báo cáo”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định.

Mặt khác, theo ông Ngô Trí Long, việc cố định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít cho các DN đầu mối đang tỏ ra rất bất hợp lý. Vì nếu đã thả giá xăng dầu về dần với thị trường, hoạt động kinh doanh xăng dầu phải chấp nhận rủi ro lãi lỗ, tại sao nhà nước vẫn cho DN được cộng 300 đồng/lít lợi nhuận vào giá xăng? Ông Long cho rằng cần phải giảm, hoặc bỏ mức lợi nhuận này. Nhìn từ đề xuất tăng giá hôm qua 23.8 của các DN có thể thấy rõ, DN nêu con số lỗ 1.100 - 1.200 đồng/lít và đề xuất tăng mức tương đương. Tuy nhiên, mức lỗ này đáng lẽ phải trừ đi 300 đồng/lít lợi nhuận đã được tính gộp vào giá xăng.

Cũng theo ông Ngô Trí Long, việc điều tiết bằng 2 công cụ quỹ bình ổn và thuế nhập khẩu cần được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh giá thế giới vẫn đứng ở mức cao. Theo tính toán, nếu giảm thuế nhập khẩu xăng (12%) xuống 5 - 7%, tương đương giảm xấp xỉ 750 - 1.000 đồng/lít, hạ nhiệt đà tăng của giá xăng.

Thay đổi cách thức điều hành

Việc sớm sửa lại cơ chế định giá hiện nay là bài toán cấp thiết. Bởi nếu tiếp tục duy trì, các chuyên gia đều cho rằng, nguy cơ lặp lại tình trạng găm hàng, ngưng bán, gây sức ép như đợt tăng giá trước đây là khó tránh khỏi. Trên thực tế, khi giá thế giới tăng, các đầu mối ngay lập tức tiết giảm chi phí chiết khấu hoa hồng cho tổng đại lý, tổng đại lý cũng tiết giảm hoa hồng cho đại lý.

Ông Đàm Quang Dũng, Phó giám đốc Công ty xăng dầu Hà Sơn Bình, cho biết từ 21.7-30.7, hoa hồng là 300 đồng/lít xăng, 390 đồng/lít dầu. Từ 31.7 đến 7.8, chiết khấu giảm tiếp xuống 200 đồng/lít cho xăng, dầu là 280 đồng/lít. Từ 8.8-13.8, hoa hồng xăng 140 đồng/lít, dầu 220 đồng/lít. Từ sau 13.8 đến nay, chiết khấu lại tăng lên là 200 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu. Mỗi đợt giá xăng rục rịch tăng, tổng đại lý và đại lý vẫn thường xuyên “đổ tội” găm hàng cho nhau. Đại lý nói do tổng đại lý không rót hàng, còn tổng đại lý lại cho rằng do đại lý găm hàng không chịu bán. Tuy nhiên, gốc của câu chuyện tăng giảm hoa hồng bắt nguồn từ đầu mối. Và hoa hồng trở thành “van điều tiết” mỗi khi đầu mối muốn tăng giá xăng dầu.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tăng giá bao nhiêu, khi nào, nhà nước giảm thuế… vẫn chỉ là câu chuyện nhỏ lẻ. Vấn đề căn bản cần thay đổi là cách thức điều hành thị trường xăng dầu và quản lý giá xăng dầu hiện nay. Ông Ánh cho biết đã nhiều lần kiến nghị: Chỉ khi nào có thị trường thực sự mới để DN tự định giá. Với tình trạng độc quyền hiện nay của thị trường, không thể thả giá cho DN, cần phải thiết lập cơ chế giá trần với xăng dầu. Mặt khác, nhà nước xóa bỏ dần độc quyền của 3 “ông lớn” xăng dầu hiện nay, để tạo sự cạnh tranh thực sự giữa các DN. Chỉ khi đó giá xăng dầu mới tăng, giảm hợp lý và có lợi cho người tiêu dùng, như thị trường viễn thông đã và đang làm được.

Sử dụng công cụ bình ổn

 Phạm Chi Lan
Ảnh: Hoàng Long

Cái lợi của cơ chế tăng giá xăng dầu 10 ngày là giá được điều chỉnh theo sát với giá thị trường, buộc phải có tăng và có giảm. Nhưng đối với Việt Nam, cơ chế này chưa thực sự phù hợp. Nếu trong vài ngày tới mà xăng dầu tăng giá thêm nữa sẽ trở thành chuyện lớn đối với xã hội. Cho nên, nhà nước cần phải sử dụng các công cụ đã có để ổn định giá xăng dầu.

Thứ nhất, phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu xuống. Điều này chúng ta đã từng làm để tránh phải điều chỉnh giá xăng dầu tăng hồi đầu năm. Thứ hai, xem xét đưa Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào áp dụng, đừng để người tiêu dùng bị ép quá mức như vậy. Cho tới nay tôi vẫn chưa tính được bài toán cụ thể của lỗ lãi xăng dầu, nhưng nguyên tắc là nhà nước có hai công cụ bình ổn kể trên thì phải đưa vào sử dụng ngay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Phải có sự ổn định

 Tiến sĩ Trần Đình Thiên
Ảnh: D.Đ.Minh

Nhà nước có nhiều công cụ để giá xăng dầu giữ được bình ổn. Nhưng muốn sử dụng các công cụ này, nhà nước phải có năng lực phản ứng đúng thời điểm theo diễn biến của thị trường (trong trường hợp giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường). Nếu có mà tung ra không đúng lúc cũng sẽ hỏng.

Ví dụ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu phải được tung ra kịp thời để thị trường bớt căng thẳng và tránh việc tăng giá liên tục, gây ra các bất ổn. Các công cụ này nên được sử dụng nhiều hơn. Điều hành giá xăng dầu không phải thế giới điều chỉnh là ngay lập tức chúng ta điều chỉnh tương ứng. Thị trường cần giữ được độ dài thời gian về giá để tạo sự ổn định. Qua đó nền kinh tế cũng sẽ phát triển ổn định hơn.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Vì lợi ích của nền kinh tế

 Huỳnh Bửu Sơn
Ảnh: D.Đ.Minh

Lý do xin tăng giá của các DN xăng dầu là do giá xăng dầu thế giới tăng, DN lỗ. Đó là tăng vì lợi ích của DN xăng dầu, chứ không phải vì lợi ích của nền kinh tế.

Việc tăng giá xăng dầu chắc chắn sẽ làm chậm đi đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị của DN xăng dầu để tiết kiệm chi phí, tránh DN bị lỗ, chúng ta có thể thành lập quỹ bình ổn từ chênh lệch của xuất nhập khẩu xăng dầu. Cụ thể, giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng tăng, từ đó có chính sách cân đối năng lượng để thành lập quỹ nhằm giữ giá xăng dầu trong nước được ổn định.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Sòng phẳng

 Huỳnh Văn Minh
Ảnh: D.Đ.Minh 

Việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo nhiều hàng hóa tăng giá. DN chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao nhà nước lại để giá xăng dầu tăng nhiều lần liên tiếp ở thời điểm này.

Vận hành theo cơ chế thị trường thì tăng giảm giá là điều bình thường. Tuy nhiên thực tế đang bất thường ở chỗ giá xăng dầu Việt Nam tăng thì rất nhanh mà giảm thì rất chậm và không tương xứng. Đó là không sòng phẳng.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

N.T.Tâm (ghi)

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.