Bão ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Bình Thuận

03/12/2006 19:45 GMT+7

* Một tàu đánh cá bị chìm, 3 người chết và mất tích * Có nhiều khả năng gây lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất * TP.HCM: Từ ngày 3 - 9/12, xuất hiện đợt triều cường mới Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 3h30 ngày 4/12, đêm hôm qua (3/12), bão số 9 đã suy yếu đi một ít.

Bản tin bão lúc 3h30 ngày 4/12: Bão ảnh hưởng trực tiếp từ Bình Định đến Bình Thuận

Theo bản tin bão khẩn cấp (cơn bão số 9) của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương phát lúc 3h30 ngày 4/12, đêm hôm qua (3/12), bão số 9 đã suy yếu đi một ít. Hồi 1 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,2 độ vĩ bắc; 112,1 độ kinh đông; cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận khoảng 360km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km một giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km. Như vậy, từ sáng nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận. Khoảng tối nay, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Đến 1 giờ ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,6 độ vĩ bắc; 108,7 độ kinh đông, trên địa phận tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và tiếp tục suy yếu thêm. Đến 1 giờ ngày 6/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,0 độ vĩ bắc; 105,0 độ kinh đông, trên vùng biên giới Việt Nam - Cămpuchia.

Do ảnh hưởng của bão, ngày hôm nay vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió bão mạnh cấp 9 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, sóng biển cao từ 8 đến 10 mét. Biển động dữ dội.

Từ trưa chiều nay, các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Bình Thuận gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12. Từ đêm nay, các tỉnh phía nam Tây Nguyên và Miền đông Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh Bình Định đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão cần khẩn trương chằng chống nhà cửa, bảo vệ các công trình kiến trúc, đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

M.G

Quảng Ngãi: Cứu hộ thành công một tàu đánh cá bị nạn

Vào lúc 21h ngày 3/12, tàu Hải quân 957 (thuộc Vùng 3 Hải quân) đã cứu hộ thành công tàu QNg 96179 bị nạn cập cảng an toàn tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mặc dù sóng to gió lớn, trời tối đen như mực, nhưng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, cơ quan quân sự và lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn cùng với ngư dân địa phương đã tổ chức đón tiếp chu đáo chiếc tàu bị nạn và thủy thủ đoàn.

Trước đó, vào ngày 2.12, tàu QNg 96179 với 16 thuyền viên do ông Bùi Thông - một ngư dân của huyện đảo Lý Sơn - trên đường chạy vào đất liền tránh bão thì bị hỏng máy (tại toạ độ 15độ 40 phút đến 111độ 49 phút kinh Đông) trong lúc bão số 9 đang hoành hành. Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sỹ tàu Hải quân 957 đã nhanh chóng lên đường tiếp cứu và đưa tàu bị nạn về đất liền an toàn

Thái Anh- Hiển Cừ
                                                                           

Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN T.Ư Cao Đức Phát: Đảm bảo tuyệt đối tính mạng, lương thực cho dân vùng nguy hiểm

Chiều 3/12, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát đã về tỉnh Phú Yên để kiểm tra công tác phòng chống bão số 9. Làm việc với Ban chỉ huy tiền phương PCLB-TKCN Phú Yên, Bộ trưởng đánh giá cao những biện pháp triển khai phòng tránh bão cho dân ở tỉnh, phần lớn sản xuất nông nghiệp, làm biển và nhà cửa chưa được kiên cố nhiều; có nguy cơ thiệt hại nặng khi bão hoành hành.

Bộ trưởng kiên quyết: “Dứt khoát không để người dân nào trên thuyền và các lồng bè nuôi thuỷ sản; vận động hiệu quả nhất người dân vùng nguy hiểm, ở trong những ngôi nhà yếu, nhà tạm đến nơi trú tránh an toàn. Ngay cả người dân vùng núi cũng phải di dời vì dự báo bão sau khi đổ bộ vào đất liền vẫn còn rất mạnh. Tỉnh phải có kế hoạch chủ động đưa lương thực đến các vùng có thể bị cô lập do lũ lụt sau bão...”.  Về một số vùng liên tục bị lút sụt, đứt mạch giao thông trên quốc lộ 1A trong các đợt mưa lũ tại đèo Cả (huyện Đông Hoà) và An Dân (huyện Tuy An), Bộ trưởng nói ông sẽ điện thoại ngay cho những người có trách nhiệm ở T.Ư để xử lý rốt ráo.

Hùng Phiên

TP.HCM: Khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, chống bão

Chiều ngày 3/12, UBND TP.HCM đã có cuộc họp khẩn với các thành viên Ban Chỉ huy PCLB thành phố và các sở, ngành, công an, bộ đội biên phòng, các quận – huyện để triển khai ngay các phương án, biện pháp phòng, chống cơn bão số 9 (bão Durian).

Sau khi nghe các sở, ngành, huyện Cần Giờ báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín, đã yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Công an, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và huyện Cần Giờ triển khai thực hiện phương án số 68/PA-PCLB ngày 12/9/2006 về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố; quản lý chặt các khu cửa sông, cửa biển, không cho tàu thuyền ra khơi, bố trí các điểm neo đậu an toàn cho tàu thuyền; không cho ngư dân ngủ lại trong chòi canh thủy sản và trong tàu thuyền sau khi đã neo đậu. Khẩn trương liên lạc, hướng dẫn vào nơi trú bão cho những tàu thuyền còn hoạt động ở vùng biển. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch các quận - huyện phải trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB tại đơn vị và địa phương; tổ chức trực 24/24 giờ và theo dõi chặt chẽ diễn biến, hướng đi của bão; khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do ảnh hưởng của bão, mưa to, thủy triều dâng cao và xả lũ để ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, qua theo dõi diễn biến của cơn bão số 9, cho thấy cơn bão đang mạnh dần lên và bán kính bão ảnh hưởng rất lớn; do đó các sở, ngành, cán bộ công chức cho đến người dân thành phố không được chủ quan, khẩn trương triển khai ngay các phương án, biện pháp phòng, chống cơn bão số 9 trước, trong và sau bão. Đối với huyện biển Cần Giờ, phải nhanh chóng xác định khu vực, rà soát phương tiện, lực lượng chuẩn bị sẵn sàng cho việc di dời trong tình huống xấu nhất; đồng thời chuẩn bị nhiên liệu, vật tư cho công tác PCLB, kể cả lương thực thực phẩm cho xã đảo Thạnh An. Các quận, huyện nằm ven sông, kênh, rạch như: Củ Chi, Hóc Môn, quận Thủ Đức, 12... phải tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi, bờ bao, nhà cấp 4 và có biện pháp gia cố nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Ban Chỉ huy PCLB thành phố liên hệ chặt chẽ với các hồ Dầu Tiếng về việc xả tràn để tránh ảnh hưởng đến các xã ven sông Sài Gòn.

TTXVN

Cảnh báo lũ trên các sông Trung và Nam Trung Bộ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với bão số 9, đêm nay, ngày mai, mực nước các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Bình Định đến Khánh Hoà và khu vực Nam Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động (BĐ) III, có nơi trên BĐIII, các sông ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận có khả năng lên mức BĐII, có nơi trên BĐII.

Đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt sâu vùng đồng bằng các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hoà và khu vực Nam Tây Nguyên.

Cần chú ý theo dõi các bản tin thuỷ văn tiếp theo.

M.G

Khánh Hòa: Một số người còn rất chủ quan

* Ngày 3/12, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn các giải pháp phòng chống cơn bão số 9.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã liên lạc trực tiếp với toàn bộ số tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ, phần lớn đã tìm nơi trú ẩn. Hiện chỉ còn 3 thuyền đánh cá của tỉnh vào trú bão tại vùng biển Trường Sa; 31 tàu, thuyền khác đang trên đường vào bờ. Về công tác di dời nhân dân ở các khu vực nguy hiểm, tỉnh có kế hoạch di dời trên 24.300 người đến nơi an toàn khi cần thiết và 5.200 lồng bè nuôi tôm cá cần được di chuyển. TP Nha Trang đã có chỉ đạo từ ngày mai 4/12, toàn bộ học sinh của thành phố nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân tại một số địa phương của tỉnh vẫn tỏ ra chủ quan trong phòng chống bão số 9, nhất là đến 17 giờ ngày 3/12, hàng trăm hộ dân dọc cửa sông Cái (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) vẫn chưa chủ động phòng chống bão số 9, mặc dù không ít nhà tại đây được xây dựng tạm, nằm sát biển. Do hơn 60 năm nay chưa có cơn bão nào đổ bộ trực diện vào Nha Trang nên nhiều người dân chưa lường hết sự nguy hiểm của bão nên rất chủ quan, chưa tổ chức di dời tài sản và người vào sâu trong đất liền. Nhiều nơi vẫn chưa có sự chuẩn bị đáng kể cho công tác di dời dân, dự trữ lương thực, thực phẩm và lực lượng giúp dân di dời còn mỏng...

 TTXVN

** Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) TP.HCM, từ ngày 3 - 9/12/2006, trên địa bàn thành phố xuất hiện đợt triều cường mới. Mực triều cường lúc 2giờ 30 ngày 3/12 đo được là 1,31m. Dự báo sẽ tiếp tục tăng vào các ngày tiếp theo. Do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn thành phố có thể có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do triều cường, mưa bão gây ra, Ban chỉ huy PCLB thành phố đề nghị UBND các quận, huyện thông báo khẩn cho các phường, xã, đơn vị trực thuộc và nhân dân biết để chủ động phòng tránh kịp thời; đồng thời rà soát, kiểm tra các hạng mục bờ bao, kênh rạch và xử lý ngay các điểm bờ bao bị tràn bờ, có nguy cơ bể bờ. Đối với các địa phương có bờ bao xung yếu như quận 12, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, cần có phương án đề phòng triều cường kết hợp với mưa to do ảnh hưởng của bão số 9 và xả lũ của các hồ chứa thượng lưu gây vỡ bờ bao ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân trong vùng...

* Tại Bình Định: Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bình Định, xã đảo Nhơn Châu là nơi sẽ chịu trực tiếp ảnh hưởng của bão số 9. Đến 16 giờ chiều 3/12, nhân dân xã Nhơn Châu đã tích cực triển khai công tác phòng chống bão; 100 % tàu thuyền của xã đã đến nơi neo đậu trú bão an toàn; di dời tài sản và người dân sống ở khu vực ven biển đến các trường học kiên cố vừa được hoàn thành. Trước đó, xã đã dự trữ 10 tấn gạo, hàng hóa, thực phẩm... để đảm bảo đời sống cho nhân dân trong điều kiện bị cô lập hoàn toàn trong khoảng 15- 20 ngày.

Đại tá Nguyễn Viết Châu, Phó chỉ huy trưởng BCH Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết: đến thời điểm này, tỉnh đã gọi 4.695 vào nơi trú bão an toàn. Tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp di dời dân; huy động mọi lực lượng, phương tiện thiết bị kỷ thuật, thuốc men, nhu yếu phẩm khác... để chủ động phòng chống bão số 9 đạt kết quả tốt.

* Bình Thuận: Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Bình Thuận cho biết: ngày mai, 4/12 Bình Thuận sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9 với diễn biến phức tạp, mưa nhiều và to trên diện rộng. Ban chỉ huy PCBL và TKCN tỉnh đã chỉ đạo, tiến hành một số nhiệm vụ cấp bách để phòng chống bão số 9 có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ“. Đến thời điểm này, việc di dời dân ở vùng xung yếu, xâm thực, lũ quét, lở đất, triều cường, ven biển... đã được triển khai. Trên 7.300 tàu thuyền đánh bắt cá trên biển đã được sắp xếp chỗ neo đậu an toàn. 131 tàu khác cũng đang trên đường tìm nơi trú bão; 12 tàu đánh bắt xa bờ đã vào trú bão tại Indonesia. Các huyện Bắc Bình, Tánh Linh và Hàm Thuận Nam huy động mọi lực lượng tham gia cùng nông dân khẩn trương thu hoạch hơn 12.000 ha lúa mùa và hè thu.

* Ninh Thuận: Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Ninh Thuận, đến 16 giờ 30 chiều 3/12, 100% tàu đánh thuyền đánh cá xa bờ của tỉnh Ninh Thuận đã vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 1.935 chiếc đã neo đậu tại các tại các cảng của địa phương, 19 chiếc trú ẩn tại Bình Thuận và 3 chiếc trú ở tại Quảng Ngãi.

Từ đêm 2/12, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã xuống các địa bàn trọng yếu kiểm tra phương án phòng chống cơn bão số 9; cấp phát thêm 4.000 bao cát giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, chống xói lở bờ biển tại thôn Mỹ Tân (huyện Ninh Hải). Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đang tổ chức di dời trên 2.500 hộ dân ở các vùng thường xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông, lũ quét đến nơi an toàn. Các lực lượng tham gia cứu hộ cũng đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

* Sóc Trăng: Dù vùng biển Sóc Trăng chưa nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9 nhưng tỉnh vẫn kêu gọi các tàu đánh cá của địa phương theo dõi thông tin, tránh di chuyển đến vùng biển bị ảnh hưởng của bão; đề phòng bão đổi hướng... Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng đã đưa tàu đánh cá mang số hiệu BĐ0856 với 7 thuyền viên đang bị trôi dạt do gãy chân vịt vào bờ an toàn. Hiện nay, Ban chỉ đạo PCLB tỉnh trực 24/24, nắm thông tin kịp thời để đề phòng khi có diễn biến xấu về cơn bão...

TTXVN

Bình Định và Phú Yên trước giờ bão đến: Một tàu đánh cá bị chìm, 3 người chết và mất tích

17h chiều nay 3/12, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, tàu đánh cá BD-5020 của ông Bùi Thuấn (55 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) với 3 lao động đang trên đường vào cửa biển Lễ Thịnh, huyện Tuy An (Phú Yên) để tránh bão thì bị sóng đánh chìm.

Trong số 3 lao động, 2 người bị mất tích là anh Bùi Thuấn (55 tuổi) và một người không rõ tên tuổi; người sống sót là Đinh Văn An (19 tuổi). Từ ngày 1 - 3/12, toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn; trong đó 227 tàu thuyền với hơn 2.100 lao động hoạt động ở vùng biển nguy hiểm vào trú ẩn ở vùng biển giáp với Malaysia; tất cả đã liên lạc được với gia đình. Cũng trong ngày hôm nay 3/12, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã cử lực lượng xuống các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh do bão nhằm kết hợp với chính quyền địa phương triển khai phương án ứng phó với bão.


Tàu thuyền đã vào bến cá Đông Tác (Phú Yên) neo đậu an toàn


Dùng bao cát để chèn mái nhà chống bão ở Phú Yên

Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên, liên tiếp trong các ngày qua, UBND tỉnh đã hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho việc phòng chống cơn bão số 9. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương nghiêm cấm tuyệt đối các phương tiện tàu thuyền ra khơi, buộc đưa vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn chỉ đạo một số trường học cho học sinh nghỉ học vào ngày thứ hai (4/12). Tính đến trưa 3/12, Phú Yên đã có 1 người chết, đó là trường hợp ông Nguyễn Kháng (51 tuổi) ở xã Xuân Hải (Sông Cầu) trên đường đưa thuyền ra trú bão ở tỉnh Bình Định, dùng thúng chai bơi vào bãi rạng khiến thúng bị lật úp. Theo kế hoạch, trước đêm 3/12, tỉnh Phú Yên huy động các lực lượng chức năng phối hợp cùng chính quyền các địa phương khẩn cấp di dời dân ở các vùng nguy hiểm đến những nơi an toàn.

Cao Nguyên - Đức Huy - Hùng Phiên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.