Có lợi, xin hãy làm ngay !

16/04/2013 03:00 GMT+7

Đó không chỉ là ý kiến của các chuyên gia, mà còn là những tâm tư, nguyện vọng của bạn đọc cả nước về việc cần sớm giảm thuế suất, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp vào ngày 1.7.2013 chứ không đợi đến đầu năm 2014.

Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao và các cơ quan báo chí vốn phải gánh cả nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị được giao.

Điều đầu tiên có thể khẳng định là mức thuế suất 25% của Việt Nam áp dụng trong 5 năm qua đã quá sức chịu đựng của DN nói chung và các cơ quan báo chí nói riêng. Thậm chí, mức này quá cao so với các nước trong khu vực, khi thuế suất các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Indonesia… chỉ dao động từ 17 - 20%. Thuế cao, kéo dài, lại thêm nền kinh tế suy giảm, khiến đại bộ phận DN làm ăn trầy trật. Trong vòng xoáy này, nếu hàng chục nghìn DN sản xuất kinh doanh phải giải thể, dừng hoạt động, thì các DN trong lĩnh vực báo chí, giáo dục, y tế được xã hội hóa càng khó khăn, bi đát hơn.

Bộ Tài chính khi đề xuất giảm thuế suất xuống 10% cũng thừa nhận, hoạt động của các cơ quan báo in hiện nay đang vô cùng khó khăn, nhiều tờ báo rơi vào thua lỗ, không có lãi, phải điều chỉnh giảm số kỳ, giảm số lượng phát hành. Tuy nhiên, thời điểm đề xuất được ưu đãi thuế vào 1.1.2014 lại chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của nhiều tờ báo, cũng như nguyện vọng của độc giả. Bởi báo chí không đơn thuần là một DN kinh doanh, sản xuất mà phải thực thi nhiệm vụ chính trị tuyên truyền chính sách. Sản phẩm báo chí là món ăn tinh thần của người dân hằng ngày.

Thực tế, nhiều tòa báo đang bấm bụng chịu lỗ, vì giá giấy, mực in, nhân công, điện… tăng liên tục trong suốt thời gian qua. Ngoài sứ mệnh chuyển tải thông tin tới độc giả, các tờ báo còn mang lại miếng cơm, manh áo cho hàng nghìn người lao động ở các nhà in, những em nhỏ, cụ già bán báo.

Có thể, những người làm chính sách chưa cảm nhận được điều đó, vì họ lo ngại việc giảm thuế sẽ làm giảm ngân sách của nhà nước, nhưng trong trường hợp này lại càng cần phải có cái nhìn thấu đáo, kỹ lưỡng hơn. Bởi trên thực tế, doanh thu quảng cáo báo in năm 2012 chỉ đạt hơn 2.000 tỉ đồng, chiếm thị phần rất nhỏ trong doanh số trên thị trường quảng cáo và gần như giảm thuế không làm ảnh hưởng tới cân đối, thu chi ngân sách. Số tiền thuế tuy ít so với tổng thu ngân sách hàng trăm nghìn tỉ đồng mỗi năm, nhưng với các cơ quan báo in đó lại là một sự động viên, khích lệ chia sẻ khó khăn vô cùng lớn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã khi trao đổi với Thanh Niên, cho biết bản thân ông hoàn toàn ủng hộ việc phải giảm thuế cho các cơ quan báo chí về mức 10%, chứ không thấy có vấn đề khó khăn gì cho ngân sách cả. Cái gì có lợi cho người dân mà không gây ảnh hưởng đến ngân sách thì nên làm sớm, áp dụng ngay chứ đừng chần chừ. Thời điểm áp dụng nên ngay từ ngày 1.7.2013.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.