Bẫy lao động trẻ - Kỳ 2: Những chiêu thức tinh vi

16/08/2013 11:05 GMT+7

Nắm bắt nhu cầu bức thiết về việc làm, một số người tuyển dụng hoặc môi giới tìm mọi cách để lôi kéo người lao động.

Không đóng phí nhưng phải mua "tài liệu"

Ngày 23.7, lần theo địa chỉ tuyển dụng rất hấp dẫn về thu nhập được đăng trên internet, chúng tôi tìm đến Công ty Mai Hoàn Vũ trên đường An Hội, P.13, Q.Gò Vấp để “xin việc”. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ tên Kim có giọng nói ngọt ngào, tự xưng là quản lý của công ty này. Bà Kim nói: “Ở đây có hai cách làm việc. Một là ngồi ở công ty, mỗi tháng được 2,5 triệu đồng/tháng nhưng trong tháng đó phải tuyển được 50 người. Tức là, cứ tuyển một người là được 50.000 đồng. Thử việc trong 2 tháng, nếu đạt yêu cầu thì từ tháng thứ 3 trở đi mới nhận được 3.750.000 đồng. Cách thứ hai là ra ngoài bán sản phẩm ăn theo doanh số. Nếu em bán sản phẩm được 1 triệu đồng thì sẽ được 250.000 đồng”.

Đề cập đến vấn đề thu phí, người quản lý này giải thích: “Đóng phí thì không nhưng tài liệu mua tham khảo phải có; 100.000 đồng/người, gồm một túi xách, một cuốn catalogue, một cuốn cẩm nang. Đây là hành trang để mình đi làm việc. Muốn đi làm thì phải đóng 100.000 đồng mới có bộ tài liệu này và công ty sẽ làm thẻ thành viên. Mình phải đăng ký, đóng tiền trước thì trong 2 ngày sẽ có thẻ tạm thời. Trong vòng 10 ngày sau mới có thẻ chính thức”. Chúng tôi hỏi: “Nếu không bán nữa, công ty có trả lại tiền làm thẻ không?”. “Không. Nếu người đăng ký thẻ trong một năm không sử dụng gì cả thì công ty sẽ tự khóa thẻ. Cái thẻ này có lợi khi mua hàng vì được giảm giá trực tiếp 25% trên catalogue”, người quản lý tiết lộ.

 
Người lao động đăng ký tìm việc miễn phí tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM - Ảnh: Thanh Lịch

Chúng tôi thắc mắc: “Làm sao tuyển được đủ số lượng 50 người mỗi tháng?”, người quản lý mách nước: “Đăng lên internet miễn phí và dán tường. Nhưng các bạn đứng dán tường cũng rất mệt. Các bạn phải biết chỗ dán. Thứ nhất là khu nhà trọ, thứ hai ở trường, thứ ba là khu công nghiệp, thứ tư bến xe, thứ năm là các siêu thị. Không cần phải photo cả đống để đi dán từng cột điện, làm như thế vệ sinh môi trường còn phạt thêm”. “Những nội dung đó mình lấy ở đâu?”, chúng tôi hỏi. “Nó có thông tin hết. Mình chỉ ghi địa chỉ, số điện thoại, tên công ty và tên của mấy em để cho người ta liên hệ tìm việc. Nội dung đó ở công ty có, chị sẽ đưa cho tụi em. Chị ví dụ: Tuyển nhân viên nam, nữ bán hàng tại công ty. Giờ làm việc 8 giờ 30 đến 6 giờ (chiều), từ thứ hai đến thứ sáu. Thứ bảy, chủ nhật nghỉ. Lương 3.750.000 đồng/tháng. Liên hệ... Thế thôi”. Chị ta hồ hởi: “Chị đăng online miễn phí nhưng người ta vẫn gọi ầm ầm”. Sau cùng, người quản lý này đúc kết “tuyệt chiêu” trong tuyển dụng là: “Mình phải bỏ cái công của mình ra và đầu tư vào đăng báo mới có nhiều người đến”.

Giới thiệu rồi... rủ đi

Không chỉ người xin việc, ngay cả một số chủ sử dụng lao động đôi khi cũng dở khóc dở cười trước sự “săn đón” của những trung tâm, dịch vụ giới thiệu việc làm bát nháo.

Bà Thu Trang, chủ một quán cà phê trên đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, than thở: “Hồi mới mở quán, tôi có đăng báo tuyển hai nhân viên phục vụ. Đến giờ kinh tế khó khăn, quán tôi muốn đóng cửa nhưng không hiểu sao thỉnh thoảng lại có người đến xin việc. Khi thì nói trung tâm này, lúc thì bảo dịch vụ kia giới thiệu. Để những người tìm việc không bị mất phí oan ức, tôi đành viết xác nhận là đã tuyển đủ người. Thật mất thời gian và cũng rất bực bội”.

Cách đây một tháng, chị Lê Thủy (ngụ ở Q.10) thuê mặt bằng trên đường Đồng Đen, P.14, Q.Tân Bình để bán phở. Chị cũng đăng báo tuyển tạp vụ và nhân viên chạy bàn. Chị Thủy cho biết, báo vừa phát hành là điện thoại gọi đến tới tấp. Một số người còn nói họ ở dưới quê lên đang cần việc làm. Thế nhưng, khi đưa người đến, họ mới lộ ra là môi giới lao động và yêu cầu chị Thủy phải trả phí môi giới từ 400.000 - 500.000 đồng/người.

Theo chị Lê Thủy, điều chị cảm thấy bức xúc nhất chính là một số người môi giới có ý định trở mặt, canh me vừa hết thời hạn đổi người là rủ rê những lao động mà họ giới thiệu trước đó cho chị bỏ đi nơi khác làm, nhằm tiếp tục thu phí ở những nơi khác. “Do tôi đối xử tốt, nên chính những người lao động đã kể cho tôi sự thật đó”, chị Thủy nói.

Chuyên viên tuyển dụng của một tập đoàn lớn về vật liệu xây dựng tại TP.HCM phản ánh: Qua tiếp xúc với những ứng viên tìm việc, anh biết được có những người từng phải chung chi đến 5 triệu đồng/người cho môi giới lao động, để được lót đường chạy chỗ. Nếu ứng viên may mắn được tuyển dụng, họ vênh váo chứng minh “cái uy” của mình. Ngược lại, nếu ứng viên bị đánh rớt, họ biện minh rằng kỳ này tuyển dụng quá gắt gao. “Ở trường hợp này, người lao động bị mất tiền vô ích, còn đơn vị tuyển dụng bị hàm oan vì không hề nhận số tiền như vậy. Trong khi đó, môi giới chỉ cần nắm thông tin công ty này đang tuyển lao động đồng thời biết được người lao động đang tìm việc là đã có thể trục lợi. Điều này cũng có nguyên nhân từ sự cả tin của người lao động”, chuyên viên tuyển dụng nhìn nhận.

Một số địa chỉ tìm việc miễn phí hoặc thu phí thấp

- Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM, số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, Trung tâm đào tạo cung ứng lao động Votec, số TT 17 Tam Đảo, P.15, Q.10. Miễn phí cho người tìm việc.

- Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên, số 1A Nguyễn Văn Lượng, P.6, Q.Gò Vấp và 4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1 và 4 văn phòng giới thiệu việc làm tại bốn bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga. Chỉ thu phí thẻ tìm việc là 20.000 đồng (chi phí điện thoại, giới thiệu việc làm trong vòng 1 tháng, tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, đưa thông tin lên website tuyển dụng) 

Ý kiến

Tâm lý muốn tìm việc nhanh

Nhiều người ở nông thôn đến thành phố kiếm việc có tâm lý muốn tìm việc làm nhanh. Họ hiếm khi tìm hiểu thông tin tuyển dụng, nên dễ nghe theo lời giới thiệu hấp dẫn của những người môi giới lao động. Ngay cả một số nghề rất hút lao động, dễ kiếm việc như thợ hồ cũng phải đóng tiền cho môi giới đến 500.000 đồng/người thì thật là vô lý!

Nguyễn Văn Sang
(Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên)

Phải tìm hiểu thật kỹ

Bản thân tôi và một số người khi rơi vào tình cảnh thất nghiệp, do muốn có việc làm ngay nên mất tỉnh táo, dễ mắc bẫy của những dịch vụ giới thiệu việc làm bát nháo. Trước khi đến xin việc thì phải tìm hiểu thông tin thật kỹ từ nhiều nguồn khác nhau.

Trịnh Linh Tú
(quê ở Đắk Lắk, đang tìm việc tại TP.HCM)

Như Lịch - Lê Thanh

>> Bẫy lao động trẻ
>> Hơn 1.500 bạn trẻ chen chân tìm việc làm
>> Kinh nghiệm tìm việc làm trong thời khủng hoảng
>> Đầu năm, tìm việc làm cho người lao động
>> Hàn Quốc hỗ trợ cô dâu nước ngoài tìm việc làm
>> Tìm việc làm cho 3.000 người
>> Giỏi ngoại ngữ, dễ tìm việc làm tốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.