Trầm hương vùng Bảy Núi

14/01/2013 10:11 GMT+7

Trồng ở độ cao trên 700 m, cây gió bầu núi Cấm (An Giang) hứng sương mù quanh năm nên cho hương trầm phảng phất.

Trầm hương vùng Bảy Núi
Một miếng trầm hương đã được đẽo hoàn chỉnh

Lên núi “săn” trầm

 

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, toàn vùng Bảy Núi hiện có khoảng 425 hộ trồng cây gió bầu, tập trung chủ yếu ở núi Cấm (H.Tịnh Biên), núi Dài, ô Sìn, Ba Chúc (Tri Tôn), với diện tích hàng trăm ha. 

Trầm hương (gió bầu, tóc) là loại cây được trồng khá nhiều ở vùng Bảy Núi. Tuy nhiên, chỉ có ở núi Cấm, cây gió bầu mới cho lượng trầm thơm hơn các ngọn núi khác trong dãy Thất Sơn. Nhóm tìm trầm ở tỉnh Khánh Hòa do ông Quảng Trọng Khoa (52 tuổi) làm trưởng đoàn, hễ nghe “vệ tinh” cho hay nơi nào có trầm hương là mọi người đến tận nơi thu mua. Trước khi đến vùng Bảy Núi “săn” trầm hương, nhóm của ông Khoa đã xin phép ngành Kiểm lâm để vào rừng tìm mua những cây trầm lâu năm trên núi. Ông Khoa cho biết mỗi chuyến đi mua trầm kéo dài 6 tháng ròng nên các thành viên trong đoàn phải đem đồ dùng theo, khi nào thu hoạch hết trầm mới trở về với gia đình.

Ông Trần Văn Thuận, người có trên 20 năm lấy trầm, nói: “Tất cả các khâu bóc tách trầm hương đều làm bằng thủ công. Thường, nếu một cây gió bầu cho trầm hương phải trồng ít nhất 10 năm. Sau đó, muốn tạo trầm phải khoan sâu vào thân cây gió bầu nhiều lỗ, rồi nhét thuốc vào, khoảng 2 năm, cây gió bầu sẽ cho trầm. Lúc này mới tiến hành lấy trầm. Nếu để sau 2 năm mà không khai thác thì trầm hương sẽ tự hủy”.

Nói về cây trầm núi Cấm, ông Thuận quả quyết: “Trầm hương núi Cấm đạt chất lượng cao hơn cây trầm ở Ba Chúc, ô Sìn, ô Tà Sóc, núi Tô (Tri Tôn)… Thậm chí, cả cây trầm ở Ba Hòn, Phú Quốc (Kiên Giang) chất lượng cũng không sao sánh bằng trầm hương ở đây. Ông Thuận nói thêm, trên núi hiện còn khoảng vài trăm cây gió bầu cổ thụ có bề hoành từ 100 - 200 cm, nhưng chủ vườn chưa chịu bán. Thường những cây tự nhiên như vậy cho giá trị trầm rất cao.

Trầm hương vùng Bảy Núi 2
Nhóm tìm trầm đang miệt mài đẽo cây tóc lấy trầm

Dễ trồng, lợi nhuận cao

Quan sát nhóm lấy trầm hương của ông Khoa, chúng tôi thật sự khâm phục trước đôi bàn tay khéo léo của họ. Từng đường đục, đẽo rất chính xác. Ông Phạm Trọng là một trong những “nghệ nhân” giỏi về kỹ thuật lấy trầm trong đoàn. Giơ miếng trầm vừa mới xủi xong, ông Trọng giải thích: “Một cây gió bầu cho trầm tốt phải là cây có bọng bên trong. Công đoạn đầu tiên là vạt bỏ những thớ bên ngoài. Khi đến gần phần bọng cây phải dùng chiếc đục trúm xủi tiếp, nhưng phải hết sức cẩn thận. Trong quá trình xủi, cây đục phải mài cho bén như dao lam thì lấy trầm mới hiệu quả. Một cây trầm trông bề ngoài to nhưng khi đẽo sâu vào trong chỉ lấy được khoảng vài miếng trầm hương nho nhỏ”. Công đoạn tiếp theo là sơ chế thành bột làm nhang, nấu tinh dầu hoặc bán sang các nước Thái Lan, Trung Quốc…

Cũng theo nhóm tìm trầm hương, mỗi kg trầm hương hiện có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Với giá này, nhiều người dân trên núi Cấm có thu nhập khá cao từ việc trồng cây gió bầu. Một trong những hộ khá nhờ cây gió bầu phải kể đến gia đình ông ba Lưới. Ông Quảng Trọng Khoa cho biết: “Cây trầm rất dễ trồng, lại chịu được khí hậu khắc nghiệt, không cần tốn công chăm sóc. Nếu người dân trên núi Cấm biết phát huy lợi thế này thì sẽ có cơ hội làm giàu”.

Trường An 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.