Bình Phước: Hơn 1.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn

Hoàng Giáp
Hoàng Giáp
20/12/2023 14:21 GMT+7

Trong năm 2023, Bình Phước đã ghi nhận 7 người tử vong do bệnh dại và hơn 1.000 người phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại bị chó, mèo cắn.

Ngày 20.12, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước (thuộc Sở NN-PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay địa phương này đã ghi nhận 7 người tử vong do bệnh dại và hơn 1.000 người phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn.

Cụ thể, Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Bình Phước đã công bố 5 ổ dịch bệnh dại trên chó tại TP.Đồng Xoài, TX.Chơn Thành, TX.Bình Long, H.Lộc Ninh và H.Bù Gia Mập, tiêu hủy 11 con chó. Trong đó, ghi nhận 7 người bị tử vong do bệnh dại và hơn 1.000 người phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn.

Bình Phước: Hơn 1.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn - Ảnh 1.

Lực lượng thú y tiêm phòng vắc xin cho chó tại TP.Đồng Xoài

HG

Ngay sau khi phát hiện ổ bệnh dại, UBND cấp huyện đã thực hiện công bố dịch đối với bệnh dại trên động vật, đồng thời tổ chức tiêm phòng vắc xin dại; bao vây, khống chế ổ dịch tại xã có dịch và các xã xung quanh; rà soát, khuyến cáo người bị chó cắn nghi mắc bệnh dại đi điều trị dự phòng; tiêu hủy động vật nghi nhiễm, mắc bệnh…

Lực lượng thú y, y tế và chính quyền địa phương cũng đã rà soát, thống kê đàn chó, mèo và tổ chức tiêm phòng; đồng thời rà soát người bị chó nghi dại cắn đưa đi điều trị dự phòng.

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Phước, hiện nay tình trạng nuôi chó thả rông, không nhốt, xích vẫn còn khá phổ biến, nhất là khu vực nông thôn.

Cùng với đó, một số địa phương chưa triển khai công tác phòng, chống bệnh dại, nhất là công tác quản lý đàn chó, mèo hiệu quả; chủ nuôi chó, mèo cũng chưa chủ động đến đăng ký, khai báo nuôi với chính quyền cấp xã; công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo nên một số địa phương còn rất thấp.

Bình Phước: Hơn 1.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng P.Tân Xuân (TP.Đồng Xoài) ra quân bắt chó thả rông

HG

Qua điều tra, những trường hợp tử vong do mắc bệnh dại, có tiền sử bị chó cắn cũng chủ quan, không đi điều trị dự phòng và không khai báo, thời gian từ khi bị chó cắn đến khi phát bệnh khoảng từ 1-3 tháng nên rất khó để xác định chó mắc bệnh dại và triển khai kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Mới đây (ngày 19.12), UBND P.Tân Xuân (TP.Đồng Xoài) là địa phương hiếm hoi tại Bình Phước đã tổ chức ra quân bắt chó thả rông với sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể, lực lượng công an, dân quân tự vệ…

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phương Nam, Chủ tịch UBND P.Tân Xuân, cho biết ngày đầu tiên ra quân, các lực lượng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở người dân về việc chấp hành việc nuôi nhốt chó đúng quy định, tiêm phòng vắc xin đầy đủ, khi đưa chó ra đường phải rọ mõm, đeo xích…

Bình Phước: Hơn 1.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn - Ảnh 3.

Chó thả rông không rọ mõm sẽ bị bắt nhốt và xử lý theo quy định

HG

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức ra quân đột xuất cũng như cố định mỗi tuần 1 lần để bắt chó thả rông tại cộng đồng. Sau khi bắt về, địa phương sẽ nuôi nhốt trong 48 tiếng và thông báo tìm chủ chó để xử phạt theo quy định và yêu cầu phải tiêm phòng đầy đủ. Nếu không có chủ chó đến nhận, chúng tôi sẽ thực hiện tiêu hủy", ông Nam cho biết thêm.

Bình Phước: Hơn 1.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại do chó, mèo cắn - Ảnh 4.

Sở Y tế công khai các điểm tiêm phòng bệnh dại trên người

HG

Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng đã có thông báo danh sách 45 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bình Phước có thực hiện tiêm phòng bệnh dại trên người. Đồng thời yêu cầu các địa phương truyền hướng dẫn người bị chó, mèo cắn, cào... đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.