Bộ trưởng Bộ Nội vụ: 'Cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã đầy đủ'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
30/05/2023 21:42 GMT+7

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã đầy đủ và có thể cho TP.HCM thí điểm trong 5 năm tới.

Chiều 30.5, phát biểu tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong dự thảo nghị quyết lần này sẽ phân cấp, phân quyền cho TP.HCM một số nội dung, trong đó có việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Bộ trưởng Nội vụ: 'Cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã đầy đủ' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

GIA HÂN

Theo bà Trà, về cơ sở chính trị, căn cứ vào Chỉ thị 17 năm 2022, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết luật An toàn thực phẩm và nghiên cứu kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối. 

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM mới đây cũng cho phép phân cấp, phân quyền cho thành phố một số lĩnh vực, trong đó có tổ chức bộ máy. "Về mặt pháp lý, các luật có liên quan như luật An toàn thực phẩm cũng đã có quy định", lời bà Trà.

Về mặt thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, Chính phủ đã cho thí điểm ban quản lý an toàn thực phẩm từ năm 2017 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh. Quá trình tổng kết đánh giá thì TP.HCM thí điểm hiệu quả nhất.

"Như vậy, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã có đầy đủ, có thể thí điểm trong 5 năm, sau đó đánh giá hiệu quả hoạt động", bà Trà nói.

Bà Trà cũng cho biết thêm, tới đây Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về căn cứ yêu cầu, điều kiện cụ thể để địa phương thành lập tổ chức hành chính là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho phù hợp.

"Nếu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động hiệu quả và hợp lý, khi cần thiết, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu nghiên cứu lập sở an toàn thực phẩm ở các đô thị lớn", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Bà Trà cũng khẳng định dù lập thêm cơ quan đầu mối nhưng tổng số lượng cơ cấu tổ chức không thay đổi, nhằm thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư là chỉ có một đầu mối thống nhất quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm.

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chính sách đặc thù vô nghĩa nếu TP.HCM không được chủ động trong bộ máy, nhân sự

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng bày tỏ tán thành với việc cho TP.HCM thí điểm lập sở an toàn thực phẩm của thành phố.

"Việc thành lập sở an toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn của UBND TP.HCM đến thời điểm này tôi cho rằng đã chín muồi, sau hơn 6 năm thí điểm. Việc thành lập này cũng không làm tăng biên chế, với biên chế hiện tại của ban quản lý an toàn thực phẩm và chuyển một số chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế TP.HCM, Sở NN-PTNT TP.HCM và Sở Công thương TP.HCM", đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) nói.

Trong số 44 chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất cho TP.HCM trong dự thảo nghị quyết mới có đề nghị TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn từ các sở liên quan cho Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Ban An toàn thực phẩm TP.HCM được thí điểm từ năm 2017 tới nay, hiện do bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, làm trưởng ban.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận: TP.HCM - "Hòn ngọc Viễn Đông" đã bớt chói sáng rồi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.