Bộ trưởng Tài chính nói về việc hiệp thương 'nâng khống' giá kit test Việt Á

Lê Hiệp
Lê Hiệp
11/11/2022 21:05 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết giá hiệp thương chỉ là giá tạm tính để mua 200.000 kit test của Việt Á nhưng sau đó Bộ Y tế đã lấy giá này để giới thiệu cho các địa phương mua.

Cơ quan chủ trì không can thiệp hiệp thương giá

Chiều 11.11, tiếp tục kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về luật Giá sửa đổi.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh)

gia hân

Liên quan tới hiệp thương giá, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định về trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá quyết định giá hiệp thương. Trong thời gian đó, các bên có thể thực hiện theo mức giá tạm thời do cơ quan hiệp thương giá quyết định.

Theo bà Thúy, lý do là trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá là hàng hóa, dịch vụ có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán, mà bên mua và bên bán phụ thuộc vào nhau, khó có thể thay thế được, nhưng lại không đạt được thương lượng về giá sẽ gây ảnh hưởng và khó khăn cho quá trình cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó vào thị trường do các bên chưa thể thực hiện được.

Đại biểu đoàn Tây Ninh cũng đề nghị bỏ nội dung quy định về thẩm quyền quyết định giá hiệp thương của cơ quan hiệp thương giá trong trường hợp bên mua và bên bán không thương lượng được mức giá.

“Việc ban hành quyết định giá hiệp thương được thực hiện như việc ban hành quyết định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá là chưa phù hợp với quy định cơ quan hiệp thương giá có vai trò trung gian, không được can thiệp vào mức giá thương lượng”, bà Thúy nêu.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói về vụ nâng khống giá của Việt Á: "Đó chỉ là giá để mua 200.000 kit tets thôi"

Giá tạm tính nhưng Bộ Y tế giới thiệu giá bán

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, luật Giá hiện hành không xác định phạm vi hiệp thương giá mà để doanh nghiệp cả nhà nước lẫn tư nhân cùng hiệp thương giá với cơ quan nhà nước.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp

gia hân

Doanh nghiệp thì mục tiêu là lợi nhuận tối đa còn nhà nước thì mang tính đại diện, do đó để đưa đến một mức giá công bằng cũng không được chính xác lắm.

Theo ông Phớc, luật sửa đổi quy định hiệp thương giá chỉ có doanh nghiệp với doanh nghiệp, còn cơ quan nhà nước là trọng tài.

Dẫn việc hiệp thương giá kit test Việt Á, ông Phớc nói trong dịch bệnh Covid-19 thì giá hiệp thương đó là giá tạm thời. Sau đó sẽ kiểm tra lại việc hình thành giá thông qua nguyên vật liệu.

“Sau quá trình thẩm tra Bộ Tài chính đã có thông báo ý kiến và giá hiệp thương đó là giá chỉ để mua 200.000 kit test thôi chứ không phải giá để mua toàn bộ kit test. Nhưng sau này Bộ Y tế đã lấy giá này để đưa vào công khai, giới thiệu cho các địa phương mua”, ông Phớc cho hay.

Tuy vậy, về phía Bộ Tài chính, ông Phớc thừa nhận “cũng có sai sót” là khi mua xong và không mua nữa thì phải có thông báo (về giá).

“Nếu có cái thông báo này thì cán bộ Bộ Tài chính đã không bị kỷ luật. Nhưng vì không có thông báo là hủy giá tạm tính để mua 200.000 kit test nên nên vẫn có trách nhiệm, vẫn bị xử lý kỷ luật”, ông Phớc nói thêm.

Sai phạm trong hiệp thương kit test Việt Á

Liên quan tới việc hiệp thương giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, theo Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính đã tổ chức hiệp thương giá với nhiều nội dung trái quy định của pháp luật như không làm rõ nhiều vấn đề quan trọng làm cơ sở xác định giá hiệp thương; thống nhất giá hiệp thương chỉ dựa vào bản phô tô Báo giá và bảng thuyết minh cơ cấu tính giá hàng hóa, dịch vụ đăng ký giá do Công ty Việt Á lập, gửi Bộ Y tế.

Kit test Việt Á được cơ quan chức năng xác định có sự thông đồng của nhiều cá nhân để nâng khống giá lên nhiều lần để trục lợi bất chính

TTXVN

Sau hội nghị hiệp thương, Cục trưởng Cục Quản lý giá là ông Nguyễn Anh Tuấn đã ký các tờ trình Bộ Tài chính phê duyệt về việc cho áp dụng mức giá tạm tính không có trong quy định của pháp luật; trình mức giá hiệp thương 470.000 đồng/test thiếu căn cứ xác định giá.

Tiếp đó, ông Tuấn thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã trực tiếp ký Thông báo 266 ngày 27.3.2020 về kết quả hiệp thương với giá 470.000 đồng/test.

Sau khi thông báo giá hiệp thương, các bên có liên quan không thể thực hiện theo kết quả thông báo nhưng Cục Quản lý giá không có giải pháp khắc phục, không hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc.

Khi biết rõ quá trình chủ trì tổ chức hiệp thương giá đã có những sai phạm, nhưng Cục Quản lý giá đã thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục vi phạm, không tham mưu Bộ Tài chính có biện pháp tạm dừng hoặc thu hồi Thông báo số 266; để Bộ Y tế, Công ty Việt Á và nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch bệnh nâng khống giá bán kit xét nghiệm Covid-19, thu lợi bất chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Do những sai phạm nêu trên, vào đầu tháng 8 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2025 của ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý giá.

Ngoài ra, các ông Đặng Công Khôi, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng; Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Cục Quản lý giá, cũng bị kỷ luật cảnh cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.