Bóng đá cộng đồng dành sân chơi cho trẻ HIV

25/12/2013 12:48 GMT+7

Được thành lập từ 2007 bởi sự khởi xướng, tài trợ của Liên đoàn Bóng đá Na Uy (NFF), 9 câu lạc bộ (CLB) trong dự án Bóng đá cộng đồng (FFAV) tại quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các em nhỏ, trong đó có cả các em lây nhiễm HIV/AIDS.

 CLB bóng đá cộng đồng
Trẻ em không phân biệt độ tuổi, tình trạng sức khỏe... đều được tham gia CLB bóng đá cộng đồng - Ảnh: Thúy Hằng

Một sáng thứ 7, sân vận động (SVĐ) phường Hợp Đức đông nghẹt học sinh. Tại đây người ta không chỉ thấy các bé trai, bé gái hào hứng đưa bóng vào khung thành trong tiếng vỗ tay reo hò của các bạn mà còn thấy các cháu chơi những trò chơi lạ với trái bóng: hai em nhỏ cùng dùng bụng đưa một trái bóng đến đích, cùng lúc phải chọn tờ giấy dưới đất sao cho đủ ghép thành một cụm từ “tránh xa ma túy”, “không kì thị người mắc HIV/AIDS”. Thay vì đánh số, áo các cầu thủ nhí mặc có thêm những dòng chữ “phòng tránh hiểm họa bom mìn”, “mặc áo phao khi qua sông”…

“Cháu thích đá bóng ở đây vì không ai bảo cháu là sai rồi, không được đá như thế. Nếu cháu phạm lỗi, các chú trọng tài tuýt còi và bảo, nên đá thế này, ném thế kia. Lúc hết giờ, nếu có phần thưởng thì cả hai đội đều được như nhau, không tuyên bố ai thắng, ai thua”, Hồng, học sinh lớp 7, trường THCS Minh Đức, tham gia CLB Minh Đức từ năm 2012, nói.

Lần đầu tiên đi xem con trai 9 tuổi (bị nhiễm HIV) đá bóng cùng các bạn, chị V.T.M, một phụ nữ nhiễm HIV ở phường Hợp Đức đã bật khóc khi thấy cháu bị bỏ mặc ở góc sân, các bạn khác chỉ trỏ rồi lảng tránh. Sợ con lại tổn thương, chị kiên quyết không đồng ý khi đứa bé năn nỉ mẹ tiếp tục cho đến sân bóng. Cho đến 1 tháng sau, tình cờ đi qua sân trường, nhìn thấy con trai được các bạn nhào đến ôm vai bá cổ sau khi cậu bé ghi bàn, chị đã thay đổi quyết định.

“Nếu như ngày trước, H. chỉ lấy chiếc ti vi làm bạn thì nhờ được đá bóng, con đã biết kể với mẹ nghe đủ chuyện học hành, bạn bè, chuyện con đang được bầu làm đội trưởng”, chị M. hào hứng chia sẻ.

Ông Vũ Văn Tấn, cán bộ Trung tâm Văn hóa - thông tin (VHTT) quận Đồ Sơn, người trực tiếp quản lý việc huấn luyện các cháu nhỏ tại 9 CLB bóng đá cộng đồng, cho hay: Ngoài kinh phí Liên đoàn bóng đá Na Uy tài trợ mua bóng, đồng phục, giày, tất… và thường xuyên có nhân viên huấn luyện bóng đá xuống hướng dẫn các cháu, các chi phí còn lại về sân bãi, quà tặng để khích lệ các cháu phụ thuộc nguồn lực xã hội hóa.

Theo ông Tấn, 7 năm qua, các trọng tài, huấn luyện viên cho các đội bóng đều là các tình nguyện viên không lương, chỉ có một chút ít tiền bồi dưỡng từ các cơ quan, tổ chức của quận. Sân bóng nhiều khi thiếu thốn, các cháu phải đá ở sân trường, hoặc nhờ cha mẹ dọn một bãi đất bỏ không, cắm cọc tre làm khung thành...

Bóng đá có thể thay đổi tương lai một đứa trẻ hay không, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hợp Đức, thì hoàn toàn có thể.

“Với một đứa trẻ bình thường, nó sẽ học được ở bóng đá sự bình đẳng, công bằng, nhường nhịn. Còn một đứa trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS sẽ thấy mình không phải người thừa của xã hội. Tất nhiên, các cháu sẽ được học kỹ năng phòng tránh, lây nhiễm HIV ngay trong các trò chơi với trái bóng”, bà Hồng chia sẻ.

Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho hay, FFAV đã tạo cho trẻ em nơi đây một trường học ngoài sân bãi. Năm ngoái, 90 cháu nhỏ, trong đó nhiều cháu mắc bệnh hiểm nghèo, hân hoan vô cùng khi được sang Thái Lan, Lào, Campuchia đá bóng giao lưu cùng các bạn.

“Sắp tới, quận sẽ huy động thêm các tổ chức xã hội cùng tham gia dự án, ngoài các phòng GD-ĐT, VHTT và Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã đồng hành cùng hoạt động này suốt 6 năm qua”, ông Hiếu cho biết. 

Nguyễn Thúy Hằng

>> Để trẻ không lây nhiễm HIV từ mẹ
>> Xuất hiện biến thể HIV phát bệnh nhanh
>> Tự tiêm HIV để hưởng trợ cấp
>> Protein trong sữa mẹ có thể ngừa HIV
>> Chẩn đoán nhầm HIV, một sản phụ suýt tự tử
>> Điều trị HIV từ đậu nành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.