Bóng đá Hàn Quốc khủng hoảng bởi nguyên nhân nào, ai chịu trách nhiệm?

16/02/2024 08:59 GMT+7

Đội tuyển Hàn Quốc sử dụng nhiều HLV ngoại trong 20 năm qua, nhưng phần lớn trong số này không gặt hái thành công như mong đợi.

Khủng hoảng tại đội tuyển Hàn Quốc đang lan rộng sau thất bại ở Asian Cup 2023 cũng như vụ ẩu đả giữa Son Heung-min và Lee Kang-in bị phanh phui. Sau cuộc họp của Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc, nhiều quan chức đã đồng thuận về việc cần sa thải HLV Jurgen Klinsmann.

Chiến lược gia người Đức không để lại dấu ấn chiến thuật, đồng thời không kiểm soát được nội bộ đội tuyển. Theo Chosun, đội tuyển Hàn Quốc từ lâu đã bị chia rẽ thành nhiều nhóm, nhưng thay vì củng cố tinh thần đoàn kết, ông Klinsmann lại để cầu thủ tự sắp xếp, hòa giải nếu có xung đột. Báo chí Hàn Quốc cũng cho rằng HLV Klinsmann không quan tâm đến đội tuyển, thường xuyên ở Mỹ trừ khi có giải chính thức.

Highlight Jordan 2 - 0 Hàn Quốc: Địa chấn nối địa chấn, Son Heung-min nhạt nhòa

Dù Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) Chung Mong-gyu vẫn giữ im lặng, nhưng giới chuyên môn Hàn Quốc tin rằng việc sa thải HLV Klinsmann chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bóng đá Hàn Quốc khủng hoảng bởi nguyên nhân nào, ai chịu trách nhiệm?- Ảnh 1.

HLV Klinsmann sắp bị sa thải

AFP

Nếu cựu HLV Bayern Munich mất việc, đội tuyển Hàn Quốc sẽ khép lại thêm một nhiệm kỳ thất bại với HLV ngoại. Theo thống kê từ sau giai đoạn thành công rực rỡ cùng "Phù thủy" Guus Hiddink với vị trí thứ tư tại World Cup 2002, bóng đá Hàn Quốc đã bén duyên với 7 HLV nước ngoài, bao gồm Humberto Coelho (2003 - 2004), Jo Bonfrere (2004 - 2005), Dick Advocaat (2005 - 2006), Pim Verbeek (2006 - 2007), Uli Stielike (2014 - 2017), Paulo Bento (2018 - 2022) và Klinsmann (2023 - nay).

Tuy nhiên, trong số những thành tích mà dàn HLV này mang về, đáng kể nhất chỉ có chức vô địch giải Đông Á (EAFF Championship) vào các năm 2003, 2015, 2019 cùng ngôi á quân Asian Cup 2015.

Cả hai mục tiêu quan trọng bậc nhất mà đội tuyển Hàn Quốc hướng tới là vô địch Asian Cup và tiến xa ở World Cup, các HLV ngoại đều không làm được. Từ năm 2003 đến nay, đội bóng có biệt danh "Những chiến binh Taeguk" trắng tay tại sân chơi châu Á, đồng thời chưa thể vượt qua vòng 16 đội World Cup. Thậm chí ở World Cup 2014 và 2018, Hàn Quốc còn bị loại ở vòng bảng.

Bóng đá Hàn Quốc khủng hoảng bởi nguyên nhân nào, ai chịu trách nhiệm?- Ảnh 2.

Đội tuyển Hàn Quốc (áo đen) trải qua 64 năm không vô địch Asian Cup

AFP

Thành tích bết bát nói trên gắn liền với một thập kỷ bóng đá Hàn Quốc "sính ngoại", chỉ ưu tiên HLV đến từ châu Âu, thay vì trọng dụng HLV nội. Shin Tae-yong (2017 - 2018) là HLV nội duy nhất ngồi ghế nóng ở đội tuyển Hàn Quốc, nhưng cũng nhanh chóng rời vị trí sau thất bại ở World Cup 2018.

Điểm chung của các HLV ngoại ở Hàn Quốc là thời gian tại vị ngắn ngủi. Ngoại trừ Stielike và Bento, những ông thầy ngoại quốc còn lại đều không huấn luyện quá 2 năm.

Theo báo chí Hàn Quốc, KFA cần đứng ra chịu trách nhiệm và có lời giải thích rõ ràng với người hâm mộ. Được bổ nhiệm ngồi ghế huấn luyện từ tháng 2.2023, nhưng ông Klinsmann chưa giúp đội tuyển Hàn Quốc có bước chuyển mình đáng kể. Tỷ lệ thắng của HLV người Đức rất thấp, với vỏn vẹn 47,8%.

Lối chơi của "Những chiến binh Taeguk" cũng bị đặt dấu hỏi, khi dù chơi bóng ngắn, ban bật ở các trận giao hữu, nhưng Hàn Quốc lại chuyển về bóng dài, triển khai lối đá lật cánh đánh đầu bế tắc tại Asian Cup 2023.

Theo tiết lộ của truyền thông Hàn Quốc, 5 cái tên được cân nhắc dẫn dắt đội tuyển nếu HLV Klinsmann bị sa thải bao gồm Hong Myung-bo, Hwang Sun-hong, Choi Yong-soo, Kim Ki-dong và Park Hang-seo. Sau nhiều năm loay hoay với thầy ngoại, đội tuyển Hàn Quốc có lẽ sẽ trở về với HLV trong nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.