Bóng đá nữ châu Á thuộc về phía đông

10/07/2023 02:45 GMT+7

Bóng đá nam và nữ thật tương phản. Một mặt, châu Á không được đánh giá cao về bóng đá nam nhưng khá mạnh về nữ. Mặt khác, trong phạm vi châu lục thì trọng tâm của bóng đá nữ châu Á dồn hẳn về khu vực phía đông.

Truyền thống của bóng đá nữ châu Á

Trong bảng xếp hạng bóng đá nam hiện thời của FIFA, Nhật Bản là đội tuyển châu Á có vị thứ cao nhất (20). Còn trong bảng xếp hạng bóng đá nữ, có đến 4 đại diện châu Á trong top 20 là Úc (10), Nhật Bản (11), Trung Quốc (14), Hàn Quốc (17). Đội tuyển nữ VN đứng thứ 32 trong bảng xếp hạng mới nhất của FIFA (tháng 6), chỉ thua 4 cường quốc vừa nêu ở phạm vi châu lục. Có 29 đội tuyển châu Âu, 7 đội Nam Mỹ và toàn bộ các đội châu Phi đứng dưới VN trong bảng xếp hạng này.

FIFA khen ngợi đội tuyển nữ Việt Nam trên trang chủ trước thềm World Cup

Ra đời vào năm 1975, giải Vô địch bóng đá nữ châu Á (tên chính thức hiện nay là AFC Women's Asian Cup) là giải bóng đá nữ quốc tế tầm châu lục trở lên lâu đời nhất thế giới. Mãi đến năm 1984, châu Âu mới có giải EURO nữ lần đầu tiên. Châu Đại dương tổ chức giải lần đầu tiên năm 1983. Các giải tương tự của châu Phi, CONCACAF, Nam Mỹ đều chỉ ra đời vào năm 1991, cũng là năm mà FIFA giới thiệu kỳ World Cup nữ đầu tiên. Năm 1996 là lần đầu tiên môn bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic.

Bóng đá nữ châu Á thuộc về phía đông - Ảnh 2.

Đội nữ Việt Nam lần đầu đến World Cup

Bóng đá nữ châu Á thuộc về phía đông  - Ảnh 1.

Cuộc đối đầu giữa đội tuyển nữ Nhật Bản (trái) và VN tại vòng bảng Asian Cup 2022

REUTERS

Đấy có thể là chi tiết quan trọng nói lên truyền thống của bóng đá nữ châu Á, phần nào giải thích vì sao bóng đá nữ châu Á cất lên được tiếng nói quan trọng ở đẳng cấp thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà kỳ World Cup nữ đầu tiên của FIFA lại được tổ chức ở châu Á (Trung Quốc, năm 1991). Trước đó, Nhật Bản đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới có giải VĐQG bán chuyên nghiệp về bóng đá nữ (năm 1989). World Cup nữ vào tháng 7 năm nay là kỳ World Cup nữ lần thứ 9 của FIFA. Đội tuyển Nhật Bản góp mặt ở cả 9 giải, với 1 lần lên ngôi vô địch (năm 2011). Trung Quốc và Úc cũng sẽ dự giải lần thứ 8, với Trung Quốc từng đạt thành tích á quân vào năm 1999 (chỉ thua đội chủ nhà Mỹ sau loạt sút luân lưu 11 m). Nhật và Trung Quốc đều đã nhiều lần lọt vào bán kết ở đấu trường World Cup nữ.

Top 10 ngôi sao đáng xem nhất World Cup nữ 2023

Đông Á lấn lướt hoàn toàn

Nói về bóng đá nữ châu Á thì gần như là chỉ nói về khu vực Đông Á. Toàn bộ 9 đội châu Á đã hoặc sẽ tham dự World Cup nữ đều là các đội phía đông (Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Philippines, VN). Còn ở khu vực Tây Á, mạnh nhất là Jordan, với kỷ lục 5 lần đăng quang ở giải Vô địch bóng đá nữ Tây Á. Giải này đã được LĐBĐ Tây Á tổ chức 7 lần, từ năm 2005 đến năm 2022. Hai chức vô địch còn lại thuộc về UAE. Do các vấn đề liên quan đến đạo Hồi, bóng đá nữ trước đây không phát triển (hoặc đơn giản là… không có) ở Ả Rập Xê Út, Oman, Qatar… Mãi đến năm 2020, tình trạng này mới bắt đầu thay đổi. Nổi bật ở Đông Nam Á là VN và Thái Lan - đội từng vô địch châu Á năm 1983 và 2 lần dự World Cup nữ.

Sau nhiều nỗ lực phát triển bóng đá nam nhưng thất bại trong thập kỷ trước, bây giờ Trung Quốc đang có chính sách phát triển bóng đá nữ như một môn thể thao mũi nhọn của nước này. Đã có những kế hoạch lớn, dài hạn và tốn rất nhiều tiền, để Trung Quốc trở thành đội bóng hàng đầu thế giới về bóng đá nữ, với danh hiệu cụ thể là vô địch World Cup. Khán giả Trung Quốc cũng đã chuyển sang ủng hộ đội nữ của họ nhiều hơn đội nam trong vài năm nay. Lạ thay, Trung Quốc thống trị giải bóng đá nữ châu Á với 9 lần vô địch (trong 20 lần giải), trong đó từng có giai đoạn 7 lần vô địch liên tiếp (1986 đến 1999), trong khi Nhật Bản chỉ mới 2 lần vô địch châu Á nhưng lại là đội châu Á đầu tiên vô địch thế giới. Sau khi vô địch World Cup 2011 thì đội nữ Nhật Bản lại vào chung kết Olympic 2012 và World Cup 2015, cho thấy đó không phải là thành công nhất thời. Đây là một đề tài hay dành cho giới nghiên cứu bóng đá nữ: thành công ở đẳng cấp cao nhất và thống trị một cách ổn định ở tầm châu lục là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi những chiến lược phát triển khác nhau?

Việt kiều nhí tại New Zealand đến sân tập cổ vũ đội tuyển nữ Việt Nam

Chi tiết ít biết về bóng đá nữ châu Á: thật ra trong các thập niên 1970, 1980, phụ nữ châu Á chơi bóng theo một… luật riêng. Từ năm 1975 đến năm 1981, các trận đấu tại giải vô địch bóng đá nữ châu Á chỉ kéo dài 60 phút. Ở Nhật Bản, trận đấu thậm chí chỉ kéo dài 50 phút, sân nhỏ hơn, quả bóng là loại "bóng dùng cho nữ". Cầu thủ có quyền dùng tay chơi bóng, nếu đấy là tình huống bảo vệ ngực. Bóng đá nữ châu Á khi ấy chịu sự quản lý của ALFC (Asian Ladies Football Confederation - Liên đoàn Bóng đá nữ châu Á). Vốn là một tổ chức độc lập, ALFC sáp nhập AFC năm 1986. Cho nên, bóng đá nữ châu Á thật ra chỉ mạnh về truyền thống, đã quen thuộc với khán giả qua nhiều thập kỷ. Về kỹ thuật thì bóng đá châu Á cũng chỉ mới phát triển gần đây.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.