Phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Việt Thành: Thắng "tài dậu" đầu thú, sẽ rõ thêm những gì?

29/11/2007 23:48 GMT+7

* Thắng "tài dậu" đề nghị được bảo vệ đặc biệt Hôm qua, 29.11, trung tướng Nguyễn Việt Thành - nguyên Trưởng ban chuyên án điều tra vụ "Năm Cam và đồng bọn" (nay là Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng) đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên xung quanh sự kiện Thắng "tài dậu" vừa ra đầu thú. Ông nói:

- Tôi cho rằng, việc Thắng "tài dậu" ra đầu thú là sự lựa chọn duy nhất và đúng đắn nhất cho y, thể hiện thái độ muốn hưởng khoan hồng. Trong ban chuyên án của chúng tôi, hiện nay có nhiều người đã chuyển công tác, có người đã nghỉ hưu, cũng có người còn đang làm việc ở Bộ Công an nhưng tôi tin là ai cũng mong muốn với việc đầu thú của Thắng, chuyên án sẽ được kết thúc một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận ý thức về việc đầu thú của Thắng. Ba lần trước đây, trong đó có 2 lần gia đình Thắng liên hệ và một lần Thắng trực tiếp hẹn tôi, ngày, giờ ra đầu thú nhưng không thành, thể hiện sự thiếu quyết tâm của Thắng. Ở đây cũng phải ghi nhận trách nhiệm và thiện chí của gia đình Thắng trong việc thuyết phục y ra đầu thú.

* Thưa trung tướng, vai trò của Thắng "tài dậu" trong băng nhóm tội phạm Năm Cam như thế nào và với việc Thắng ra đầu thú, cơ quan điều tra có thể làm rõ thêm những vấn đề gì? 

- Thắng "tài dậu" có một vai trò rất lớn trong 3 hoạt động. Thứ nhất là việc tổ chức đánh bạc. Thứ hai là trong các hoạt động liên quan đến các đối tượng đã ở trong tù và ra tù; như việc tổ chức thăm nuôi Năm Cam trong thời gian Năm Cam trong tù, đưa tiền cho Hiệp "phò mã" lo cho Năm Cam ra tù trước thời hạn. Và thứ ba là hoạt động băng nhóm, xã hội đen. 

Khi mâu thuẫn giữa băng nhóm của Năm Cam với nhóm Dung "hà" xảy ra gay gắt, Thắng đã tổ chức họp rồi đưa 20 tay chân thân tín vào hỗ trợ Năm Cam và đàn em của Năm Cam là Hải "bánh" để dàn xếp. Vụ dàn xếp này thành công nhưng sau đó giữa Năm Cam và Dung "hà" xảy ra mâu thuẫn khác thì Năm Cam đã ra lệnh Hải "bánh" giết Dung "hà". 

Việc y ra đầu thú có thể mở ra những hướng điều tra mới nhưng cần phải có bước đi, giải pháp tốt để làm rõ những hành vi phạm tội trên cơ sở lời khai của Thắng. Tôi nhắc lại là nếu không có giải pháp căn cơ thì việc bắt giữ Thắng "tài dậu", xét xử  y sau khi y ra đầu thú sẽ chỉ có tính chất thủ tục. Tất nhiên là Thắng "tài dậu" có quyền được hưởng khoan hồng nhưng khoan hồng đến đâu thì chính là ở Thắng vì anh gây ra tội, anh biết hơn ai hết và cần phải khai báo.

* Trong các hoạt động mà Thắng "tài dậu" thực hiện liên quan đến cá độ bóng đá, dàn xếp tỷ số, Thắng có tác động tới giới quan chức thể thao, trọng tài hay không? Liệu việc bắt giữ, khai thác lời khai của Thắng "tài dậu" trong đợt này có thể giúp làm rõ hành vi nhận hối lộ, tham nhũng của quan chức nào không?

- Trong việc tổ chức đánh bạc hay cá độ bóng đá, vai trò của Thắng "tài dậu" rất rõ. Cần phải hệ thống lại, phân tích vai trò của Thắng "tài dậu" trong từng vụ việc cụ thể với những trận đấu, giải đấu lớn trong nước. Khi điều tra vụ án Năm Cam, Ban chuyên án đã gửi 2 công văn trong đó một cái tôi ký gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, cảnh báo về chuyện tiêu cực. Sau đó cũng có việc cử vài cảnh sát hình sự đi theo đoàn ra nước ngoài nhưng việc đó không có tác dụng gì, chỉ mang tính hù dọa. Đại tá Dương trước phụ trách đội bóng đá Công an TP.HCM đi thi đấu cũng rất bực về chuyện này mà làm không được.  

* Thưa trung tướng, dường như trong mấy năm qua, Thắng "tài dậu" cũng không thực sự bị truy bắt gắt gao lắm mà việc hắn ra đầu thú thực sự có tính chất tự nguyện? Có ý kiến cho rằng vì Thắng tự hiểu là số năm tù theo khung hình phạt áp dụng cho các tội danh của hắn không nhiều, cộng thêm quyền hưởng khoan hồng nữa nên Thắng quyết tâm ra đầu thú ? 

- Không phải thế. Nếu tội của y không nặng thì chạy làm gì? Y trốn biệt tăm đến 5-6 năm trời vì điều gì? Ở đâu, làm gì thì còn phải điều tra làm rõ chứ nếu y ở tù thì cũng ra lâu rồi. Tôi biết là từ đó đến nay, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm trật tự xã hội đã truy lùng ráo riết nhưng chưa tìm được. Cũng có tin nói rằng Thắng đã bỏ trốn sang Trung Quốc rồi sang Nga... Nhưng tất cả các thông tin này bây giờ mới có điều kiện kiểm chứng lại trên cơ sở lời khai của Thắng.

* Thưa trung tướng, từ việc bắt giữ, khai thác lời khai của Thắng, việc tiếp tục mở rộng điều tra chuyên án này có điểm thuận lợi gì và có cần thiết lập một chuyên án mới hay không? Nếu như Thắng khai ra các hành vi phạm tội khác của một số bị can hiện đã mãn hạn tù thì xử lý thế nào?

- Theo tôi cũng không cần lập chuyên án mới nhưng cũng có thể coi đây là một vụ án độc lập và có thể khởi tố. Phần lớn những người phạm tội trước đây đã được xử lý, nhiều người đã mãn hạn tù. Nhưng nếu cần thiết, vẫn có thể triệu tập để làm rõ thêm. Theo tôi, còn có thể làm rõ nhiều vấn đề. Trong các hồ sơ, tài liệu còn cho thấy có thể khai thác, làm rõ hành vi tội phạm của Thắng trong quan hệ với các băng nhóm tội phạm khá dữ dằn tại Nam Định, Hải Phòng... Vụ này phải làm thật rõ để người dân biết tin ở chỗ nào, tin ai, khi cần thiết biết được ở đâu và ai để họ có thể tố giác tội phạm.

Có nhiều yếu tố thuận lợi để kết thúc vụ này. "Thắng" hay "thua" là ở cơ quan điều tra; nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng việc cơ quan điều tra sẽ đưa được kết luận cuối cùng về vụ Thắng "tài dậu". Tôi thấy các anh bên Bộ Công an cũng rất quyết tâm. 

* Bây giờ, tuy không còn làm việc ở Bộ Công an nữa nhưng với kinh nghiệm, thông tin mà ông còn nắm giữ khi là Trưởng ban chuyên án vụ Năm Cam, trung tướng có hợp tác với cơ quan điều tra để giúp đỡ làm rõ những vấn đề "hậu" Năm Cam với mắt xích cuối cùng là Thắng "tài dậu"?

- Không, theo luật thì tôi không thể tham gia chỉ đạo điều tra nữa. Nhưng nếu các anh ấy cần hỏi gì thì tôi giúp đỡ thôi.

* Xin cám ơn trung tướng.

Thắng "tài dậu" đề nghị được bảo vệ đặc biệt


Thắng "tài dậu" - ảnh: Thu Hòa

Ngày 29.11, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã nghe lãnh đạo Cục C14 (CQĐT) báo cáo bước đầu về vụ Nguyễn Văn Thắng (tức Thắng "tài dậu"), sinh năm 1956, trú ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội (là tội phạm bị truy nã cuối cùng trong vụ án băng nhóm xã hội đen Năm Cam) ra đầu thú. Theo thiếu tướng Ngọ, việc CQĐT vận động được Thắng "tài dậu" ra đầu thú có ý nghĩa rất quan trọng và cần đấu tranh, khai thác làm rõ những vấn đề liên quan. 

Có khả năng, ngoài C14, một CQĐT khác của Bộ Công an cũng sẽ phối hợp điều tra chuyên án đặc biệt quan trọng này. Việc huy động thêm một số cục nghiệp vụ Bộ Công an cùng vào cuộc lúc này là cần thiết để phục hồi điều tra những nghi án liên quan.  

Được biết, khi ra đầu thú tại Cục C14, Thắng "tài dậu" đã đề nghị được bảo vệ nghiêm ngặt vì lo sợ bị thủ tiêu. Thắng đã được ở riêng một mình trong một buồng biệt giam tại trại tạm giam của Bộ Công an để cách ly với các đối tượng tội phạm khác. Hiện đang có nhiều nghi vấn về địa chỉ lẩn trốn của Thắng "tài dậu" trong hơn 5 năm qua. Có nguồn tin cho rằng y đã sống ở nước ngoài, thậm chí sang Trung Quốc tiếp tục nhúng tay vào cờ bạc, cá độ. Lại có nguồn tin Thắng vào phía Nam, sống di chuyển qua nhiều tỉnh. 

Cũng có nguồn tin cho rằng trong hơn 5 năm trốn lệnh truy nã, Thắng "tài dậu" có tới 3 năm lẩn trốn ở Ma Cao, sau đó, vì mâu thuẫn với giới giang hồ cờ bạc ở đây nên Thắng "tài dậu" đã phải bán xới về lẩn trốn ở Móng Cái, Quảng Ninh để tránh bị truy sát. Trong thời gian lẩn trốn ở Quảng Ninh, Thắng sống với một cô bồ trẻ và đã có một số lần bắn tin tới CQĐT xin ra đầu thú. Đáng chú ý, trước đây tại khu vực Quảng Ninh, có một số sòng bạc nằm trong tầm điều hành của giới xã hội đen thành phố Hải Phòng mà trùm cờ bạc Oanh “hà” (em ruột Dung “hà” - bị Năm Cam ra lệnh sát hại) đã từng thao túng. 

Nhóm PV Điều tra

Mạnh Quân (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.