Điện Bàn trong Tam giác đô thị năng động

15/03/2014 09:00 GMT+7

Hôm nay, 15.3.2014, hội thảo khoa học có chủ đề “Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học, các nhà quản lý từ trung ương, tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Hội An được tổ chức tại H.Điện Bàn.

Điện Bàn trong Tam giác đô thị năng động

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND H.Điện Bàn - Ảnh: T.Đ.T

Điện Bàn nằm phía đông bắc tỉnh Quảng Nam, giữa TP.Đà Nẵng và TP.Hội An, diện tích trên 21 ngàn km2, dân số hơn 220.000 người. Vị trí địa lý của Điện Bàn có một thuận lợi là nằm ở trung tâm trục đô thị quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện: “Bên cạnh các chuyển biến về văn hoá, xã hội, môi trường và cơ sở hạ tầng của huyện trong vòng 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trong 3 năm qua cũng đạt mức 19%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 23,70 triệu đồng/người…”. Trước thềm hội thảo, ông Lê Trí Thanh đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi sau đây.

* Từ một huyện nông nghiệp sát nách Đà Nẵng và Hội An, nay Điện Bàn được  nâng thành đô thị loại 4, liệu đã có sự chuẩn bị gì trước đó? Có cập rập lắm không?

- Không có gì là cập rập cả! Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội H.Điện Bàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 cũng như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ H.Điện Bàn lần thứ XXI nhiệm kỳ 2010 - 2015 chúng tôi đã đặt ra mục tiêu này và đã tiến hành xây dựng đề án với sự giúp đỡ của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm... Cách đây 2 tháng, Hội đồng thẩm định liên ngành đã thống nhất cao và thông qua Đề án đô thị Điện Bàn đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4. Đầu tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất bổ sung đô thị Điện Bàn vào danh mục nâng loại đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-BXD công nhận đô thị Điện Bàn đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4. Kết quả này khẳng định ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà trên con đường đi lên thị xã vào năm 2015.

* Qua các đánh giá tổng quan về thực trạng phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ, môi trường của huyện…có thế thấy để trở thành một đô thị là hết sức khó khăn!

- Đúng vậy, tuy niềm vui là rất lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Diện mạo đô thị của Điện Bàn đến nay tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, chương trình xây dựng nông thôn mới đang làm chuyển mình những vùng quê nhưng còn chưa sâu rộng và mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng tuy có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu tăng trưởng của đô thị và công nghiệp. Phát triển công nghiệp còn manh mún, sử dụng đất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp. Dịch vụ du lịch chưa được khơi dậy tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nông nghiệp còn bị động vào thời tiết, chưa có nhiều đột phá để sản xuất ổn định và gia tăng giá trị canh tác…

Để thị xã Điện Bàn phát triển bền vững, có chiều sâu, trước hết ngoài sự nỗ lực vươn lên của chính mình, thì Điện Bàn cần phải có tầm nhìn xa hơn, lấy hợp tác liên vùng làm động lực phấn đấu, vừa khai thác, vừa bổ sung cho nhau để cộng hưởng cùng phát triển. “Đô thị mới Điện Bàn” có lợi thế nằm giữa đô thị cổ-di sản văn hoá Hội An và TP.Đà Nẵng với mục tiêu xây dựng “thành phố đáng sống”. Chính vị trí địa lý, nền tảng kinh tế cùng với sự đồng nhất về văn hóa và con người của vùng đất này sẽ tất yếu tạo cơ hội không chỉ cho Điện Bàn mà còn cả Đà Nẵng và Hội An có điều kiện để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, phân bố lại nguồn lực hợp lý trên cơ sở liên kết đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, phát triển hài hòa về đô thị và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác, qua đó sẽ hình thành một trung tâm tăng trưởng mạnh mẽ, xứng tầm đóng vai trò động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây nguyên, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu chung cho một khu vực đô thị năng động, sinh thái, văn hóa mang tầm cỡ Đông Nam Á.

*Tôi có cảm giác như các ý tưởng xây dựng những “Đô thị tam giác” ở Vĩnh Phúc hay Bình Phước gần đây đã có tác động đến định hướng liên kết giữa Đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An?

- Những “Tam giác đô thị” mà anh vừa nhắc tuy mục tiêu có thể giống nhau nhưng chỉ trong quy mô nhỏ. Mối liên kết giữa Điện Bàn, Đà Nẵng và Hội An ở một quy mô khác. Hội thảo lần này chính là sự khởi động cho mục tiêu mà tôi vừa nêu trên. Kết quả của hội thảo sẽ là định hướng cho sự phát triển của đô thị Điện Bàn trong hiện tại và tương lai, giảm thiểu những thiệt hại không đáng có trong quá trình phát triển do tính chủ quan, duy ý chí hay tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng lạc hậu, khép kín, cục bộ địa phương. Qua hội thảo, chúng tôi mong muốn được các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, cùng tất cả những người con của quê hương Điện Bàn sẵn sàng hợp tác, tạo dựng, tận dụng và chia sẻ mọi cơ hội vì lợi ích và sự phát triển chung.

Có thể minh định rằng Điện Bàn chọn lựa sự phát triển gắn liền với bảo tồn những giá trị đặc thù vốn có của mình. Đó là nguyên tắc. Với điều kiện lịch sử, văn hóa và tự nhiên của vùng đất này, bên cạnh một “thành phố di sản” Hội An và “thành phố đáng sống” Đà Nẵng, liệu có nên chăng sẽ xuất hiện thêm một “thành phố sinh thái” Điện Bàn để tạo ra một “Tam giác đô thị năng động”? Điều này muốn trở thành hiện thực cần có sự chung sức, chung lòng của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả người dân…

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.