Một nhà tình báo vĩ đại chưa được công nhận

17/12/2006 21:58 GMT+7

Đệ nhất phu nhân nước Anh, bà Cherie Booth Blair, với tư cách là một luật sư được ủy quyền, đang đấu tranh đòi cơ quan tình báo nước này (MI6) giải mật hồ sơ một điệp viên vĩ đại đã cung cấp cho phe Đồng minh nhiều thông tin về chương trình chế tạo vũ khí của Đức Quốc xã.

Paul Rosbaud được đánh giá là một trong những nhà tình báo quan trọng nhất thời Thế chiến II. Căm ghét chế độ phát xít, nhà khoa học Đức này đã cung cấp cho nước Anh những tin tức về các loại máy bay phản lực, radar, bom bay và kể cả quả bom hạt nhân mà nước Đức nghiên cứu, chế tạo.

Khi chiến tranh kết thúc, Rosbaud được cải trang thành một sĩ quan người Anh, bí mật đưa về London, và sống ở đó cho đến khi qua đời năm 1963. Trong nhiều năm, MI6 liên tục từ chối mọi yêu cầu công khai hồ sơ Rosbaud, với lý do an ninh quốc gia. Trong đơn gửi tòa án, luật sư Cherie Booth lập luận rằng quy định trên không còn hiệu lực đối với trường hợp Rosbaud nữa. Bà viết: "Không có căn cứ để tiếp tục giữ bí mật lai lịch Rosbaud, và không có căn cứ hợp lý để nói rằng việc giải mật hồ sơ Rosbaud sẽ gây hại đến quốc phòng, quan hệ quốc tế, an ninh quốc gia hay lợi ích kinh tế của Vương quốc Anh".

Tuy nhiên, một tòa án đặc biệt chuyên xem xét hoạt động của các cơ quan mật vụ Anh mới đây đã một lần nữa quyết định không xem xét yêu cầu của nguyên đơn. Vincent Frank-Steiner, một người cháu của Rosbaud, tin rằng sự từ chối của MI6 có thể là "một hành động tự vệ, vì họ có sai lầm gì đó" trong cách đối xử với Rosbaud. Tiến sĩ Frank-Steiner thậm chí khẳng định: "Có lẽ Rosbaud đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ cá nhân nào vào sự thất bại của nước Đức Hitler".

Paul Wenzel Rosbaud sinh tại thành phố Graz thuộc nước Áo năm 1896, theo học ngành vật lý và luyện kim. Khi còn là một anh lính trẻ tham gia Thế chiến I, Rosbaud bị quân Anh bắt làm tù binh - một trải nghiệm rốt cục dẫn ông đến chỗ yêu mến nước Anh. Sau này, ông viết lại: "Hai ngày đầu tiên làm tù binh của tôi là nguồn gốc cho việc yêu nước Anh. Họ không đối xử với tôi như kẻ thù, mà như một kẻ thua trận không may mắn".

Là một người trí thức có tư tưởng tự do, ông kết hôn với một phụ nữ Do Thái, họ cùng chứng kiến Hitler lên nắm quyền tại Đức. Cùng thời gian đó, sự nghiệp khoa học của ông cũng thành đạt: ông trở thành chủ bút Tạp chí khoa học Metallwirtschaft, và cộng tác với Nhà xuất bản Đức Springer Verlag. Bề ngoài, ông là một phần của giới thượng lưu khoa học Đức. Bên trong, ông âm thầm chống đối chế độ phát xít.


Frank Foley, người đưa Rosbaud vào nghề tình báo

Năm 1938, Rosbaud đưa vợ và con gái sang London với sự giúp đỡ của Frank Foley, trưởng đại diện MI6 tại Berlin. Foley là người làm nhiệm vụ cấp hộ chiếu ở sứ quán, cũng đã giúp hàng ngàn người Do Thái khác chạy thoát khỏi nước Đức. Foley chính là người tuyển mộ Rosbaud dưới mật danh Der Greif (quái vật sư tử đầu chim). Mật danh này có ý nghĩa khá hài hước: Der Greif là tên một con chó đốm của Hitler. Rosbaud được mời ở lại luôn nước Anh, nhưng ông vẫn quay về Đức để tham gia cuộc chiến đấu bí mật.

Một trong những chiến tích quan trọng nhất của Rosbaud là vào tháng 1.1939, khi ông nhận được một bài viết khoa học của Otto Hahn, cha đẻ của ngành hóa học hạt nhân, trong đó Hahn miêu tả bằng cách nào ông làm phân rã được nguyên tử. Nhận thức được tiềm năng phá hủy to lớn của quá trình phân rã uranium, Rosbaud rút một bài báo đã lên khuôn của Tạp chí Naturwissenschaften, thay bằng phát hiện của Hahn, qua đó báo tin cho các nhà khoa học trên toàn thế giới và mở đầu cuộc chạy đua chế tạo bom hạt nhân. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, việc Rosbaud vội vã công bố phát hiện của Hahn chứng tỏ rằng ông ý thức được nếu không làm như vậy, tổ chức Gestapo của Đức Quốc xã có thể sẽ hiểu ra tầm quan trọng của phát kiến và đưa nó vào diện bảo mật, nhờ vậy Đức Quốc xã không thể chiếm ưu thế trong cuộc đua hạt nhân. Ngoài ra, Rosbaud đã giúp nhiều gia đình Do Thái trốn thoát khỏi nạn diệt chủng, đáng kể nhất là nhà vật lý Lise Meitner, người đã cộng tác hơn 30 năm với Otto Hahn.

Suốt thời gian chiến tranh, Rosbaud gửi đều đặn tin tức cho MI6, khoảng mỗi tháng một lần. Những tài liệu này được những người kháng chiến Pháp hoặc cơ quan tình báo Na Uy chuyển sang Anh. Chi tiết cụ thể của các báo cáo hiện vẫn được MI6 bảo mật trong hồ sơ niêm phong, nhưng người ta tin rằng Rosbaud đã lấy được thông tin về loại hỏa tiễn bay V2. Có lẽ ông cũng đã thông báo cho nước Anh rằng dự án bom hạt nhân của Đức sẽ không thành công. Vì những lý do bí ẩn nào đó, người Anh đã không chuyển thông tin này cho Mỹ - có thể đây cũng là lý do khiến MI6 chưa muốn giải mật hồ sơ Rosbaud.

Rosbaud luôn giấu vợ hoạt động tình báo của mình. Ông không bao giờ đòi hỏi được công nhận, và tự tay đốt bỏ nhiều tài liệu cá nhân. Lịch sử chính thức của tình báo Anh chưa bao giờ nêu tên ông. Về mặt chính thức, điệp viên Der Greif chưa bao giờ tồn tại.

Rosbaud qua đời vì ung thư máu tại London và được an táng ngoài biển, để lại di sản gồm 500 bảng, một chiếc đồng hồ vàng, một huân chương của Viện Vật lý Mỹ và một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Vạn Lý
(Theo Sunday Times)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.