Dọc đường mưu sinh - Bài 1: Vá xe có bảo hành

15/12/2008 00:58 GMT+7

Có hàng vạn nghề khác nhau cho con người lựa chọn để mưu sinh. Có người hành nghề ít ai làm được, hoặc có sự độc đáo "không đụng hàng". Có người dựa vào tặng vật của thiên nhiên để làm nghề. Có người phải chọn nghề cực khổ, không ai làm... Loạt bài này nói về những con người như thế.

Hiếm ai làm nghề sửa xe mà có nhiều chuyện thú vị như ông. Rủ rỉ mãi ông mới chịu trò chuyện. Rồi năn nỉ mãi ông mới đồng ý đem chuyện của ông kể cho mọi người...

Logo trên miếng vá

Qua vài người bạn, tôi biết đến ông với câu chuyện lạ đời "vá xe có bảo hành". Nghe như tiếu lâm, nhưng đó là chuyện hoàn toàn có thật ở tiệm sửa xe của ông Hoàng Minh Trí (đường Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng). Cách đây mấy chục năm, ông đã nghĩ đến chuyện bảo hành cho khách của mình khi đến vá xe.

Ông kể lại: Hồi đó, khách cứ mang xe đến tiệm ông bắt đền, bảo ông vá ẩu, mới đi đã xì lốp. Nhìn miếng vá, biết ngay không phải của mình, nhưng cãi nhau với khách là việc ông tối kỵ. Thế nên ông cứ im lặng vá lại cho khách, nhưng bực lắm. Sau đó ông nghĩ mãi, cuối cùng tìm được giải pháp là bảo hành miếng vá của mình. Ông thiết kế những logo có tên mình, khi vá ép thì hiện lên ngay trên chỗ vá. Thời gian bảo hành là 12 tháng. Vậy là từ đó, ông không còn bị bắt đền oan nữa, mà khách đến tiệm ông cũng cảm thấy yên tâm. Đáng nói hơn khi chuyện bảo hành của ông lại bắt đầu vào năm 1985, khi người dân chưa quen với việc được bảo hành khi mua các sản phẩm tiêu dùng.

Giờ, dù có in logo của mình lên miếng vá hay không, thì ông Trí cũng không sợ bị "giả mạo", vì Đà Nẵng chỉ còn mình ông hiện vẫn sử dụng phương pháp vá ép. Ông bảo, những miếng vá sẵn bây giờ chỉ cần bôi keo đính lên chỗ hở là xong, nhưng chỉ được vài hôm, nhiều lắm thì chừng 1 tháng là bị hở, nói chung là không bền. Còn vá ép thì miếng vá không bao giờ hở mép. Để vá ép phải dùng cao su nguyên liệu, còn nguyên độ co giãn chứ không phải cao su thành phẩm, thì miếng vá mới như thật và hòa vào độ co giãn của ruột xe. Chính vì thế mà những miếng vá của ông luôn đạt độ tin cậy cao.

Không chỉ là người duy nhất vá xe có bảo hành và còn sử dụng phương pháp vá ép, ông Trí còn là người sửa xe hiếm hoi không bán kèm phụ tùng thay thế. Ông trả lời câu hỏi "Tại sao không?" của tôi bằng việc huơ cánh tay phải mất nguyên bàn tay, và nói: "Lòng tự trọng! Người khuyết tật như tui, nếu mất luôn cả lòng tự trọng thì còn cái chi?". Rồi ông giải thích: “Người ta sản xuất phụ tùng chớ có phải mình đâu, mua thì cũng hú họa, nếu mua đúng hàng tốt thì không sao, mua phải hàng dở, khách hàng đến bồi thường, lại bảo đã tàn tật mà còn gian, ăn chặn thì phải làm sao? Thôi thì cứ làm và ăn theo công sức. Biết là mua, rồi ăn chênh lệch thì cuộc sống cũng khá hơn, nhưng thôi!". Vì suy nghĩ đó mà hơn 30 năm làm nghề, chưa bao giờ ông phải thanh minh, đôi co với khách chuyện phụ tùng tốt xấu. Khách hàng càng quý mến và trân trọng ông.

 

 Ông Trí đang vá ép

Nuôi con thành cử nhân, thạc sĩ

Tôi ngồi cả buổi trời, nhìn ông sửa chữa những chiếc xe máy to nhỏ một cách thành thục, không hề cảm thấy ông là người khuyết tật. Những dụng cụ đặc dụng, hoàn toàn do ông tự chế tạo, chiếm đến 40-50% dụng cụ sửa xe. Càng khâm phục hơn khi biết ông làm nghề mà chưa hề học qua một thầy nào, chỉ tự học.

Năm 1979, vợ ông thôi làm giáo viên vì trường có xáo trộn về nhân sự, trở thành bà nội trợ. Lúc ấy, ông không hề biết thế nào là sửa xe. Ông mang chiếc xe đạp, tài sản duy nhất của gia đình, tháo tung ra nghiên cứu. Suốt 1 tuần tỉ mẩn, ông nắm hết mọi ngóc ngách và ráp lại chiếc xe hoàn chỉnh. Đến giai đoạn kinh tế phát triển, người ta đi xe máy nhiều, sau bao năm dành dụm ông tậu được chiếc xe máy và lại... rã nó ra để nghiên cứu. Dần dần ông thạo luôn nghề sửa xe máy.

Trong công việc, ông Trí hết sức khó tính. Trong suốt 30 năm gắn bó với nghề sửa xe, ông luôn tâm niệm khách hàng đến với ông phải luôn cảm thấy "đáng đồng tiền bát gạo". Ông treo bảng "Đón tiếp quý khách với tất cả nhiệt tình - lương tâm - trách nhiệm", đồng thời yêu cầu khách hàng phải tuân thủ nguyên tắc "nghĩa tình, lòng tin và sự sòng phẳng". Khách đến tiệm, ông ghét nhất là được hỏi: "Ông có làm được không?"; ghét nữa là khách đôi co chuyện tiền bạc, vì ông không bao giờ lấy thêm của ai một đồng mà không theo công sức bỏ ra. Vì vậy, ông đã từ chối phục vụ nhiều khách hàng vì thái độ kém lịch sự của họ. "Khó" như vậy, mà tiệm của ông không lúc nào vắng khách.

Cả 4 người con ông Trí đều đã nên người. Người con đầu của ông là thạc sĩ, hiện giảng dạy tại trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng; người con thứ 2 tốt nghiệp ĐH Sư phạm Đà Nẵng, hiện là giáo viên dạy trường cấp 2 Chu Văn An (Đà Nẵng); người thứ 3 là kỹ sư Hóa, đang công tác tại một công ty xây dựng của miền Trung; cô con gái út hiện là học sinh trường THPT Phan Chu Trinh (Đà Nẵng). "Trước, mấy đứa còn đang đi học, cũng cực lắm. Tui phải làm ngày đêm để kiếm tiền trang trải. Nhiều hồi mệt quá, nhưng vẫn phải ráng làm để kịp giao xe cho khách". Con cái ông, chọn ngành nghề nào để học cũng do ông tư vấn. "May mà đứa nào học cũng giỏi, cũng có học bổng, rồi tụi nó đi dạy thêm, nên cũng đỡ lo phần nào!", ông hãnh diện khoe. Với ông, đó là niềm tự hào mà không một thứ của cải nào sánh bằng.

Trước khi chia tay, ông lẳng lặng xách bơm đến bơm căng bánh xe sau của tôi, bảo: "Phụ nữ đi xe là rứa đó, không để ý, lốp mà mềm là hao xăng dữ lắm!". Rồi ông bảo, có vẻ như bánh xe tôi bị thủng. Tôi hỏi ông có vá loại lốp xe tay ga không, ông bảo không, vá kiểu xịt keo vào lốp đó không tốt, ông không làm. Hỏi ông: Nếu ai làm nghề sửa xe cũng nghĩ vậy thì những người đi xe tay ga sẽ phải thế nào? Ông bảo: "Cô yên tâm, sẽ có nhiều người làm. Tôi không làm, vì lòng tự trọng của một người khuyết tật không cho phép, chớ người lành lặn làm thì không có sao, tôi tâm niệm rứa!".

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.