Làm gì để nhan sắc Việt đăng quang?

24/12/2005 16:44 GMT+7

Khi ngành thời trang và nghề người mẫu ngày một phát triển thì chuyện người mẫu Việt Nam trình diễn trên những sân khấu "nội bộ" là "chuyện nhỏ"; chỉ khi ra nước ngoài thi thố với các siêu mẫu thế giới mới trở thành điều đáng phải bàn.

Đi thi không chỉ là "học hỏi"!

Có thể kể tên những người đẹp dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế trong năm 2005 đều trở về "tay trắng" như: Vũ Hương Giang (Hoa hậu Thế giới), Thanh Hoài (Hoa hậu Trái đất), Nguyễn Hồng Hà (Hoa hậu châu Á), Nguyễn Thị Diệp (Hoa hậu Ngọc trai), Nguyễn Nga Diệp Hồng (Hoa hậu Sắc đẹp toàn cầu), Phạm Thị Thanh Hằng (Hoa hậu Liên lục địa), Phùng Ngọc Yến (Hoa hậu Du lịch), Khánh Ngọc và Nguyên Sa (Siêu mẫu quốc tế)... Kết quả chúng ta thu được gì sau những lần các người đẹp dự thi? Hầu hết đều có chung câu trả lời: "Chúng em tham dự để học hỏi, để quảng bá hình ảnh đất nước con người cũng như văn hóa Việt Nam". Rõ ràng, đến nay dù đã "kiên trì" tiến cử nhiều người đẹp dự thi nhưng chưa bao giờ chúng ta đứng lên bục cao.

Ngô Thanh Ngân (giữa) tham dự cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế ở Trung Quốc và Thanh Hoài (phải) tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất tại Manila (Philippines)

Vì sao? Tự thân các người đẹp không thể trả lời được câu hỏi này. Tổ chức các cuộc thi nhan sắc trong nước là nhu cầu tất yếu của một xã hội lành mạnh nhưng chúng ta cần thoát khỏi chuyện "ăn non" nghĩa là sau đó tức tốc cử người tham dự các cuộc thi mang tầm cỡ thế giới nhưng lại thiếu sự chuẩn bị về chiều sâu. Để có thể tuyển chọn một người đẹp đại diện cho cả quốc gia thì trước tiên người đó phải thỏa mãn các tiêu chí: đẹp và đủ tri thức. Cao, đẹp thì chúng ta không thiếu nhưng để tìm ra người đủ tri thức thì xem ra quá... hiếm. Đã có nhiều chuyện buồn cười khi các người đẹp dự thi phần ứng xử trả lời rất ngớ ngẩn câu hỏi của ban tổ chức, đại loại như: "Em mang tên một loài chim nên muốn bay khắp đất nước, từ Nam chí Bắc..."; Hai Bà Trưng từng được một thí sinh gọi là "Vua bà" hay rất nhiều người quên "bài" khi trả lời phần thi ứng xử dù đã được học thuộc lòng lời giải đáp từ trước...

... Và không thể vội vàng

Các khóa học tại các trường đào tạo người mẫu chuyên nghiệp trên thế giới

1. Những kỹ năng nghề nghiệp
- Luyện tập cơ thể đạt các số đo chuẩn
- Tập dáng đi
- Cách thức tiếp xúc với giới truyền thông, công chúng
- Học tác phong lịch sự, nhã nhặn
- Nghệ thuật tạo dáng trước ống kính
- Cách viết một portfolio nghề nghiệp
- Hiểu biết về thời trang, hội họa, trang điểm, màu sắc, kỹ năng trình diễn...
- Kiến thức về quảng cáo, tiếp thị, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, văn học...
- Khả năng hùng biện
2. Kiến thức nền tảng
- Giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phẩm hạnh
- Kinh tế chính trị
- Tiếng Anh
- Địa lý
- Du lịch
- Quản lý khách sạn
- Công tác xã hội
- Phép xã giao
- Thể thao
(Theo modelschool.cn)

Nhìn lại các cuộc thi nhan sắc trong nước, người đoạt giải dù là hoa hậu hay siêu mẫu cũng chỉ được chỉ dẫn qua loa một số kỹ năng biểu diễn trên sân khấu hay hơn thế là thể hiện vài năng khiếu riêng như múa, đàn, hát... rồi vội vã lên đường.

Bà Thúy Hạnh, Giám đốc Công ty Elite, đơn vị đã cử rất nhiều người đẹp dự các cuộc thi thế giới đã phân trần: "Không ai hỗ trợ chúng tôi cả. Chúng ta mới đưa người đẹp dự thi bốn năm nay thôi thì làm sao có thể sánh nổi với các siêu cường về nhan sắc như Mỹ, Pháp, Venezuela, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines... Tôi biết có những quốc gia như Venezuela, Philippines từng tham dự cuộc thi Hoa hậu Thế giới hơn 50 năm nay rồi. Dân chúng và chính phủ Venezuela, Philippines rất chú trọng đến việc tham gia những cuộc thi nhan sắc vì đó là cơ hội để quảng bá với thế giới về đất nước họ. Họ có cả một công nghệ đào tạo hoa hậu, siêu mẫu. Trong khi đó ở Việt Nam thì không có bất cứ quy chế nào của Nhà nước quy định việc tuyển chọn người đẹp dự thi các giải quan trọng như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ hay Siêu mẫu quốc tế, do đó cũng không có bất cứ khoản chi phí nào dành cho việc này. Lần vừa rồi, chi phí cho chuyến đi thi Hoa hậu Thế giới của Vũ Hương Giang do công ty chúng tôi và gia đình Giang tự lo liệu. Năm ngoái khi Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền dự thi Miss World, công ty chúng tôi cũng phải tự trang trải cho cô ấy tất cả mọi khoản. Báo chí cũng đã phê phán rằng cách chọn người đẹp đi thi như chúng ta đang làm hiện nay là bất cập nhưng để có một kế hoạch lâu dài thì tôi nghĩ công ty chúng tôi không thể làm được mà phải được Nhà nước hỗ trợ".

Thiếu tiền, thiếu đào tạo bài bản, thiếu cả tri thức cần thiết thì việc đọ sức với hàng trăm người đẹp đến từ các nước thật sự quá tải đối với các người đẹp Việt Nam. Nhìn sang các nước, để có thể giành được danh hiệu hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ, Venezuela, Thái Lan, Mexico, Iceland... chắc hẳn họ đã phải tốn rất nhiều công sức đầu tư. Đã có bài báo viết về các "lò" đào tạo hoa hậu, siêu mẫu nổi tiếng của Venezuela. Bởi thế mà đất nước nhỏ bé này từng nhiều lần bước lên bục cao nhất các cuộc thi nhan sắc thế giới. Họ có cả một công nghệ đào tạo rất bài bản từ kỹ năng diễn xuất, biểu cảm hình thể, tâm trạng... nói chung là nói cười đúng lúc, đúng nơi.

Nếu không, tương lai còn xa lắm

Để không bị hụt hẫng khi thi thoảng lại có những scandal như chuyện xăm mình hay người đẹp Việt Nam bị xử ép và khả năng trong tương lai gần nhan sắc Việt sẽ đăng quang, chúng ta cần có một kế hoạch cụ thể từ khâu tìm kiếm, phát hiện đến đào tạo. Tìm kiếm, phát hiện có thể chúng ta không thiếu bằng những cuộc thi người đẹp như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Siêu mẫu Việt Nam, Hoa hậu Áo dài, Hoa hậu Sinh viên, Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy nhiên để thực hiện công đoạn hai tức là phần đào tạo thì chúng ta hoàn toàn thiếu. Đào tạo một cách chuyên nghiệp đúng chuẩn thế giới đòi hỏi phải có giảng viên vì cứ loay hoay với chuyện người trước chỉ dẫn người sau, đàn chị hướng dẫn đàn em thì điệp khúc "đi thi để học hỏi" sẽ cứ mãi vang vọng. Thêm vào đó cần có thời gian chuẩn bị. Đừng để xảy ra tình trạng quá cập rập như trường hợp Thanh Hoài dự thi Hoa hậu Trái đất ở Philippines. Cô chỉ được biết trước thời gian lên đường đúng... hai ngày! Nguyên Phúc, Giám đốc Công ty đào tạo P.L đã nhận xét: "Thật sự thì chúng ta tham dự các cuộc thi người đẹp chỉ để có dịp hội nhập thế giới chứ xét về nhan sắc và kỹ năng biểu diễn, người đẹp của chúng ta chưa đạt chuẩn thế giới. Khi cử thí sinh tham dự các cuộc thi quốc tế, chúng tôi có quá ít thời gian vì không có kế hoạch cụ thể trước đó. Thời gian chuẩn bị cho phần học tiếng Anh và kỹ năng biểu diễn lâu là 1 tháng, nhanh chỉ độ 1, 2 tuần!".

Giải đồng Siêu mẫu Việt Nam 2005 Phạm Minh Thúy đang thực hiện phần thi kỹ thuật biểu diễn trước ống kính

Bà Thúy Hạnh nói thêm: "Chúng tôi nắm rất rõ quy trình đào tạo người mẫu chuyên nghiệp từ những giáo trình giảng dạy của Elite nhưng điều kiện Việt Nam không cho phép chúng tôi thực hiện do thiếu kinh phí và thiếu cả giảng viên. Tuy nhiên khi đưa thí sinh đi thi, chúng tôi cũng có hướng dẫn một số kỹ năng như đi đứng, trả lời phỏng vấn và học thêm tiếng Anh. Để có thể tồn tại, công ty chúng tôi phải làm thêm quảng cáo, tổ chức sự kiện... mới đủ tiền chi cho những lần đưa người đẹp của chúng ta tham gia các cuộc thi nhan sắc".

Đến nay, qua gần 5 năm hội nhập với trên hàng chục lần ra nước ngoài tham dự các cuộc thi từ chính thống lẫn phong trào, các người đẹp Việt Nam vẫn "mãi là người đến sau" và vui vẻ ra về, xem như có một chuyến du lịch miễn phí, biết thêm vùng đất mới rồi... thôi. Riết rồi ai cũng nghĩ thi cử là chuyện đua đòi, tầm phào.

Phát hiện và đào tạo các người đẹp (khi họ còn rất trẻ) cả về chuyên môn lẫn tư cách, đạo đức là điều cần làm ngay. Các người đẹp Việt Nam muốn đăng quang cũng phải bước trên một con đường đã được hoạch định trước. Nếu không thì tương lai vẫn còn xa lắm.

Thanh Hằng (Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2002): Theo tôi, để đạt được vị trí cao nhất tại các cuộc thi quốc tế thì ngoài nhan sắc, người đẹp Việt Nam cần có lòng tự tin cộng với kiến thức xã hội bao quát hơn. Ngoài ra cũng cần một chút may mắn mới có thể đăng quang.

Xuân Lan (Siêu mẫu châu Á 2003): Chúng ta chỉ đưa người đi cho có chứ chưa chuẩn bị về chiều sâu. Cần phân biệt rõ khi cử người thi hoa hậu và siêu mẫu. Mỗi cuộc thi có đặc tính, tiêu chí và cách chấm giải khác nhau. Không thể đưa một hoa hậu thi siêu mẫu và ngược lại. Các nước đều có thời gian chuẩn bị cho thí sinh, đôi khi cả năm trời mới dự thi, trong khi chúng ta chỉ chuẩn bị một vài tuần, có khi một vài ngày! Chúng ta không đoạt giải là đúng so với những gì đã đầu tư. Nhiều thí sinh được dự thi quốc tế nhờ các mối quan hệ quen biết chứ không phải bằng thực lực.

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.