Bí mật chiến dịch Linebacker II - Kỳ cuối: Những sai lầm của người Mỹ

16/12/2007 22:17 GMT+7

Trong chiến dịch Linebacker, Mỹ đã đặt toàn bộ hy vọng vào sức mạnh hủy diệt của B.52. Đây là một trong những sai lầm dẫn đến thất bại thảm hại.

Chiến thuật

Máy bay chiến lược B.52 ra đời là nhằm phục vụ các cuộc chiến tranh có quy mô lớn với những đối thủ ngang ngửa của Mỹ là Liên Xô, Trung Quốc. Trong trường hợp đó, B.52 sẽ có nhiệm vụ ném bom hạt nhân để tiêu diệt đối thủ. Tuy nhiên, trước những bế tắc trong chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã quyết định sử dụng B.52 trên chiến trường Việt Nam như là một con át chủ bài khi họ cảm thấy sắp sửa thua cuộc.

Theo chiến thuật của SAC (Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ) trong chiến dịch Linebacker thì đội hình B.52 được bố trí theo tốp 3 chiếc hình tam giác, 1 chiếc đi đầu, hai chiếc đi sau bay so le cách chiếc đi đầu và cách nhau 2,4 km. Cách bố trí này tạo ra sức hủy diệt rất lớn của bom B.52 khi cả tốp cùng oanh tạc vào một mục tiêu. Tuy nhiên, việc bố trí này lại khiến đối phương phán đoán được hướng của các chiếc còn lại trong tốp sau khi đã phát hiện ra chiếc đi đầu để bố trí tên lửa đất đối không (SAM) tấn công, hoặc kịp trú ẩn trước khi bom của cả tốp B.52 trùm lên mục tiêu. Trước khi ném bom, các hệ thống gây nhiễu được kích hoạt và cả tốp sẽ bẻ một góc 90 độ bỏ chạy sau khi thả bom xong. Do vậy, các đơn vị SAM của ta sau khi phát hiện được vị trí của chiếc B.52 đầu tiên đã theo dõi sát điểm ngoặt 90 độ này, tính toán để phóng lên một tên lửa ngay "điểm chết" này khi chiếc B.52 đầu tiên cũng vừa lao tới.

Trong thời gian này, các hoạt động xuất kích của tốp B.52 luôn phải tuân theo một lộ trình bay cố định. Nếu mục tiêu được lệnh oanh tạc nhiều lần thì các tốp B.52 sẽ lần lượt bay đến mục tiêu theo cùng một hướng, cùng độ cao rồi thả bom. Đây chính là sơ hở chết người của các sĩ quan chỉ huy SAC khiến cho viên đại úy không quân Schneidenman đã phẫn nộ kêu lên trong cuộc họp triển khai chiến dịch Linebacker II (ngày 17.12.1972) rằng: "Rõ ràng là chúng ta đã xuất phát theo những hướng bay, độ cao cố định và điều này không khác gì với cảnh lính Anh ra trận trong Thế chiến I - đi đều, quỳ và bắn theo hàng".

Tuy nhiên, thực tế của chiến dịch Linebacker vẫn diễn ra đúng như kế hoạch của SAC. Tối 18.12.1972, theo kế hoạch, Mỹ sẽ sử dụng các máy bay B.52 từ đảo Guam để tấn công Hà Nội theo 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 4 giờ. Thực hiện kế hoạch này, trong đợt không kích đầu tiên, các máy bay F-111 bay vào miền Bắc ở tầm bay thấp với tốc độ siêu âm để tấn công các sân bay. Các máy bay F-4 bay trước để rải nhiễu kim loại chống ra-đa của ta, tiếp theo là các tốp B.52 rồi hơn 100 chiếc F-4 có nhiệm vụ đánh chặn MiG để bảo vệ B.52. Các tốp B.52 được bố trí bay qua mỗi mục tiêu từ 2 - 3 phút trên cùng một đường bay, cùng một tốc độ và độ cao giống nhau. Khi tốp đầu tiên xâm nhập vùng trời Hà Nội, nhiều tên lửa SAM bắn lên đã không trúng mục tiêu. Đến đêm 20.12, các phi công Mỹ đã ngạc nhiên khi thấy một số máy bay MiG của Bắc Việt Nam chỉ bay lên nhưng không gây rối hoặc tấn công mà không hề biết rằng các phi công MiG chỉ có nhiệm vụ ghi nhận các số liệu về hướng bay, tốc độ và độ cao của các tốp B.52 để báo cáo về cho các trận địa SAM. Mỹ đã mất 6 chiếc B.52 trong đêm đó.

Mục tiêu

Nhiệm vụ chính của các tốp B.52 trong những ngày đầu là tiêu diệt các mục tiêu chiến lược của miền Bắc như sân bay, kho quân sự... Tuy nhiên, đây lại là sai lầm nghiêm trọng với các tướng lĩnh của SAC bởi vì ưu tiên đầu tiên của các trận không kích là phải tiêu diệt được vũ khí phòng không lợi hại của đối phương, sau đó mới tính đến các mục tiêu khác. Sai lầm này đã không được các sĩ quan chỉ huy chiến dịch Linebacker phát hiện ra kể từ đêm 18.12 cho đến 25.12. Đến ngày 26.12, tới khi số B.52 bị bắn hạ đã ở mức không thể chấp nhận được thì SAC mới phát hiện được điều này và điều chỉnh mục tiêu chính của các tốp B.52 là các trận địa SAM của ta. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này quá muộn bởi lúc đó ta cũng đã bố trí lại thế trận, tăng cường các đơn vị pháo cao xạ để bảo vệ bằng được các trận địa tên lửa và các phi công B.52 Mỹ cũng không còn đủ can đảm để bay vào Hà Nội tìm diệt các trận địa SAM.

Kinh nghiệm chiến trường

Trong đội hình oanh kích của B.52 luôn có các máy  bay F-4 đi kèm với nhiệm vụ vừa bảo vệ B.52 vừa rải nhiễu kim loại tạo thành một hành lang bảo vệ B.52. Việc gây nhiễu này về mặt lý thuyết sẽ gây khó khăn cho sự phát hiện của ra-đa và tìm diệt của SAM. Tuy nhiên, nếu ra-đa phát hiện được hành lang nhiễu do F-4 thì điều này chẳng khác gì chuyện "lạy ông tôi ở bụi này" bởi các đơn vị tên lửa mặt đất của ta sẽ chỉ có việc tính toán sao để nhằm cho chính xác mục tiêu mà thôi. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp hành lang nhiễu của F-4 đã bị gió miền Bắc thay đổi hướng nên không còn tác dụng. Trong 12 ngày đêm không kích Hà Nội, Hải Phòng, người Mỹ đã sử dụng hai loại B.52 mới nhất là B.52G và B.52D. Đây là hai loại máy bay có các hệ thống gây nhiễu (ECM) đã từng đối  phó hữu hiệu với các loại SAM trước kia của Liên Xô. Tuy nhiên, các kỹ sư của Boeing đã không hề biết rằng hệ thống gây nhiễu của 2 loại B.52 tại thời điểm đó đã lạc hậu, các kỹ sư Liên Xô đã phát hiện ra bí mật trong hệ thống ECM của B.52 nên tên lửa phòng không cũng đã được cải tiến để có thể tìm diệt B.52 dễ dàng hơn. Đồng thời, hệ thống ECM của B.52 khi được kích hoạt sẽ buộc máy bay phải bay gần như theo đường thẳng với độ nghiêng cánh hạn chế từ 15 - 20 độ cho nên không gây ra nhiều khó khăn cho việc tấn công của tên lửa. Ngoài ra, SAC còn có một quy định rất chặt chẽ là các máy bay B.52 phải luôn bay theo đội hình quy định trong mọi tình huống, nếu tốp phi công nào vi phạm sẽ bị đưa ra tòa án binh. Do vậy, khi một chiếc B.52 trong đội hình bị trúng tên lửa thì trận địa SAM mặt đất vẫn có thể tìm diệt được những những chiếc còn lại.

Sau này, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn phân tích, mổ xẻ để tìm ra rất nhiều sai lầm của Mỹ trong chiến dịch Linebacker II. Tuy nhiên, có một điều mà ít người thừa nhận, đó là không ít phi công B.52 đã tìm cách thoái thác nhiệm vụ vì lý do sức khỏe, từ chối xuất kích hoặc tìm lý do để không tiếp cận, oanh kích mục tiêu trong chiến dịch lịch sử này.

Kỳ 1: Phòng thủ và phản công
 Kỳ 2: Đêm trước của lịch sử
Kỳ 3: Người mang "bom" đến Paris
Kỳ 4: Cuộc không kích khủng khiếp

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.