Sống với đam mê

23/02/2014 01:03 GMT+7

Những ngày này học sinh lớp 12 đang đứng trước một thời điểm quan trọng: Lựa chọn và quyết định ngành nghề đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Với nhiều người, quyết định này không dễ dàng. Chọn ngành theo sở thích, sở trường hay nhu cầu của xã hội? Yếu tố nào là quan trọng?

Những ngày này học sinh lớp 12 đang đứng trước một thời điểm quan trọng: Lựa chọn và quyết định ngành nghề đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Với nhiều người, quyết định này không dễ dàng. Chọn ngành theo sở thích, sở trường hay nhu cầu của xã hội? Yếu tố nào là quan trọng?

Nhiều học sinh nhạy bén, nắm bắt thông tin nhanh, hiểu thực tiễn và cũng khá thực tế nên hay xem xét những yêu cầu khi lựa chọn ngành nghề sao cho ra trường có việc làm tốt. Trong các buổi tư vấn tuyển sinh mà Báo Thanh Niên tổ chức, thầy cô từ các trường ĐH đưa ra rất nhiều lời khuyên cho vấn đề này. Trong đó, với những trải nghiệm từ thực tế, các thầy cô thường nhấn mạnh đến yếu tố sở thích hay niềm đam mê.

Một năm trước, trong lúc nhiều học sinh đang đắn đo lựa chọn ngành nghề thì Đinh Tuấn n, người từng lựa chọn một ngành học theo “trào lưu”, đã cho ra đời cuốn sách Giá như tôi biết những điều này… trước khi thi đại học. Trả lời Thanh Niên, n ví von chọn ngành học như chọn bạn đời và khẳng định sẽ thật là kinh khủng nếu cả đời phải làm một công việc mà mình không yêu thích. Dẫn đến hậu quả là có không ít người thường xuyên chán nản, than vãn về công việc.

Trong buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM, một giáo sư Việt kiều cũng đặt vấn đề này hóm hỉnh. Ông hỏi sao có thể đòi hạnh phúc khi lấy một người mình không yêu, làm một công việc mình không thích! Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong buổi tư vấn chọn ngành nghề gần đây do Báo Thanh Niên tổ chức cũng khẳng định sở thích, niềm đam mê là yếu tố quan trọng nhất. Ông tâm tình rằng với lứa tuổi 17-18, học sinh rất khó để biết ngành nào phù hợp hay không. Chỉ có một điều biết rõ đó là thích cái gì. Ông khuyên học sinh hãy chọn cái mà ngay trong hiện tại mình thích nhất. Có phụ huynh, đến tòa soạn hỏi thông tin chọn ngành nghề cho con, cũng cho biết để con thi ngành nào mà cháu thích vì người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi làm những gì mình đam mê, yêu thích.

Nếu sở thích phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân thì không còn gì lý tưởng bằng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những điều này có thể điều chỉnh miễn sao chúng ta vẫn nuôi dưỡng lòng đam mê.

Cũng không ít học sinh thực tế hơn  khi mong muốn chọn ngành có việc làm ổn định. Cuộc sống có nhiều biến động nên không ai dám chắc chắn điều gì sẽ xảy ra có thể những ngành nay được săn đón nhưng vài năm nữa chưa chắc đã còn. Cũng như vậy, có ngành giờ đã bão hòa nhưng cũng có thể năm bảy năm sau lại hút nhân lực. Tìm hiểu những thông tin về nhu cầu nhân lực, thị trường…là cần thiết nhưng không có nghĩa hoàn toàn lệ thuộc vào những tiêu chí đó.

Thực tế cũng có rất nhiều người được đào tạo ngành này nhưng về sau làm… ngành khác. Cuộc sống có nhiều ngã rẽ nên cũng không đặt nặng chuyện học gì làm đó.

Thế nên học ngành gì vẫn khó có một lời khuyên chung cho tất cả mọi người. Chỉ biết rằng nếu chọn đúng những gì mình thích, sau này nếu có gì xảy ra vẫn ít ray rứt hơn. Trong cuộc sống về sau không phải lúc nào chúng ta cũng làm được mọi điều theo sở thích nên hãy tận dụng mọi cơ hội có được để sống với đam mê, nhất là khi ta còn trẻ.

Nhiên An

>> Báo Thanh Niên tổ chức tư vấn tuyển sinh tại Lâm Đồng
>> Thêm 3 trường công bố đề án tuyển sinh riêng
>> ĐH Trà Vinh công bố kế hoạch tuyển sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.