Hội chẩn đa chuyên khoa tại bệnh viện FV

10/01/2013 14:27 GMT+7

Trường hợp bệnh nhân mắc cùng lúc nhiều bệnh khác nhau, hoặc mắc bệnh trong các giai đoạn nhạy cảm như mang thai, cho con bú… thường khiến bác sĩ phải lúng túng từ chối vì không thể can thiệp vào các chuyên khoa khác. Lúc này, phần lớn bệnh nhân hoang mang không biết phải gõ cửa khoa nào hay bắt đầu khám từ đâu…

Biết khám bệnh ở đâu?

Đang mang thai tháng thứ hai thì chị Thanh Vân (Q.5, TP.HCM) phát hiện mình bị Lupus ban đỏ kèm theo tiểu đường, huyết áp thấp và hẹp van tim. Theo lời khuyên của bác sĩ sản, chị cần được khám và điều trị bệnh tim để đảm bảo việc sinh nở. Nhưng tại bệnh viện chuyên khoa tim, chị lại bị từ chối khéo bằng câu trả lời: “Cần điều trị Lupus và chờ sinh con xong rồi mới đến kiểm tra lại!”. Đi đến đâu, chị vẫn chỉ nhận được những cái lắc đầu ái ngại trong khi bệnh tình mỗi ngày một nặng, và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi luôn khiến chị lo lắng không yên. 
 

 Bác sĩ Sơn, trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật bệnh viện FV (Pháp Việt)
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện FV (Pháp Việt)


Một trường hợp khác cũng phải loay hoay giữa các chuyên khoa khi mang nhiều bệnh trong người đó là bé Lê Vy (9 tuổi, TP.HCM). Ban đầu, Vy thường xuyên đau bụng sau bữa ăn và được xét nghiệm, chẩn đoán bị virus HP trong dạ dày. Tuy nhiên, mặc dù uống thuốc theo đúng chỉ định, bé vẫn liên tục đau bụng lăn lộn.

Suốt 6 tháng sau, ba mẹ đưa bé Vy đi khắp các bệnh viện, làm đủ các loại xét nghiệm từ thử máu, đến thử phân, nội soi… Bệnh viện nào cũng chỉ kết luận bé bị viêm dạ dày do HP và điều trị diệt vi trùng này. Cũng như lần trước, việc điều trị không mang lại kết quả khả quan nào, chỉ thấy Vy ngày càng gầy sút, liên tục nôn ói và trở nên cáu gắt hơn với mọi người xung quanh.

Một câu hỏi lớn được đặt ra: “Đâu là giải pháp tốt nhất cho các bệnh nhân như chị Vân, bé Vy?”. Khi đến với các bác sĩ của Bệnh viện FV thì câu trả lời chính là “hội chẩn đa chuyên khoa”.

Cần có hội chẩn đa chuyên khoa

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện FV, một bác sĩ có thể rất giỏi về chuyên khoa của mình nhưng nếu muốn chẩn đoán và điều trị tốt cho một bệnh nhân có nhiều vấn đề thì cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa liên quan. Việc hội chẩn tốt có thể giúp chẩn đoán chính xác toàn bộ tình trạng bệnh và lập ra phác đồ điều trị tốt nhất cho từng người bệnh cụ thể. Đối với những bệnh phối hợp thì hội chẩn càng đặc biệt quan trọng và cần được xem như là bước khởi đầu cho việc trị bệnh.

Với trường hợp của bé Lê Vy, bác sĩ Didier Decamps - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện FV, chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn, chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa tâm thần cùng ekip chăm sóc đã cùng hội chẩn để xem xét toàn bộ vấn đề. Hóa ra, bé bị hội chứng chán ăn kéo dài, rối loạn tâm lý nặng là chính, còn viêm dạ dày do vi trùng HP chỉ là yếu tố phối hợp nên cần được điều trị phối hợp tâm lý, tâm thần, tiêu hóa và nhi khoa.

 Các bác sĩ bệnh viện FV (Pháp Việt) cùng hội chẩn bệnh cho bệnh nhân
Các bác sĩ Bệnh viện FV (Pháp Việt) cùng hội chẩn bệnh cho bệnh nhân

Theo đó, bé được kê thuốc chống trầm cảm đề bình ổn tâm lý và ngủ ngon hơn, chuyên gia tâm lý bệnh viện FV cũng dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng bé và gia đình. Trong thời gian đầu, bác sĩ phải tiến hành nội soi, đặt ống nuôi ăn trực tiếp vào dạ dày để giúp bé về dinh dưỡng và vượt qua cảm giác sợ ăn. Các bác sĩ khoa Nhi cũng cho thuốc kết hợp và theo dõi diễn biến thật cẩn thận.

Kết quả là những cơn nôn ói và đau bụng giảm dần, bé đã dần ăn được qua đường miệng với một thực đơn thích hợp do chuyên gia dinh dưỡng chuẩn bị. Bé cũng không còn khóc thét khi thấy thức ăn hay tỏ ra cáu bẳn với mọi người xung quanh nữa. Mẹ của Lê Vy chia sẻ: “Nhờ tập thể y bác sĩ Bệnh viện FV mà sức khỏe và tinh thần của con tôi tốt hơn rất nhiều”. 

Bệnh viện FV từng cứu sống một sản phụ 33 tuổi, nhập viện trong tình trạng trở dạ nhưng lại bị viêm gan tối cấp, tiểu cầu giảm thấp, rối loạn đông máu và suy thận cấp. Với sản phụ này, sinh mổ hay sinh thường cũng đều dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ lẫn con vì suy gan và chảy máu không cầm.

Các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện FV đã quyết định hội chẩn với khoa Tiêu hóa - Gan mật và Gây mê hồi sức, các biện pháp hỗ trợ, phương tiện thuốc men và hồi sức đã nhanh chóng sẵn sàng để đáp ứng mọi tình huống xảy ra. Cuối cùng, bệnh nhân đã được chuẩn bị tốt nhất để sinh thường và cho ra đời một bé trai khỏe mạnh, nặng 4 kg. Tình trạng viêm gan nặng của người mẹ cũng dần dần hồi phục sau đó. Nếu không có sự hội chẩn đa chuyên khoa kịp thời và chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV, những ca như vậy có thể nguy hiểm đế tính mạng của bệnh nhân bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Với đầy đủ hầu hết các chuyên khoa, bác sĩ của bệnh viện FV luôn hợp tác với nhau một cách kịp thời trong trường hợp bệnh nhân bị cùng lúc nhiều bệnh. Kế hoạch chẩn đoán và điều trị không chỉ kết hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ với nhau, mà còn với toàn bộ ê-kíp điều dưỡng, hộ lý, chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý và đặc biệt là gia đình để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Đây là điều mà Bệnh viện FV luôn cam kết thực hiện một cách chuyên nghiệp để mang đến cho từng bệnh nhận sự điều trị tối ưu nhất”.

Câu chuyện ở FV cho thấy việc tăng cường hội chẩn đa chuyên khoa là vô cùng cần thiết để nâng chất lượng khám và chữa bệnh tại các bệnh viện. Cần đặt người bệnh vào vị trí trung tâm để khi đến với mỗi bệnh viện, bệnh nhân không bị xẻ ra khám như các thầy bói xem voi mà tất cả các vấn đề đều được quan tâm dù là nhỏ nhất, đảm bảo việc chăm sóc toàn diện với chất lượng cao.

Phương Thảo

>> Bệnh viện FV mang lại hi vọng cho cậu học trò nghèo
>> Bệnh viện FV không đáp ứng yêu cầu đòi bồi thường
>> Phẫu thuật bàn tay với chuyên gia Pháp tại Bệnh viện FV
>> Tôi chọn Bệnh viện FV để phục vụ quê hương
>> Bệnh viện FV phẫu thuật tai thành công giúp bệnh nhân hồi phục thính lực
>> Bệnh viện FV (Pháp Việt) cho tôi niềm tin và hy vọng!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.