Hiểm nguy đường đến trường

03/12/2007 23:38 GMT+7

Hàng chục học sinh chen chúc trên chiếc sõng (loại xuồng nhỏ) cũ nát, vượt dòng nước xiết bất chấp hiểm nguy đến trường.

Cứ vào mùa lũ, xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) lại bị cô lập. Tuyến đường từ thị trấn La Hai vào trung tâm xã bị tắc nghẽn do nước lũ từ sông Cô (người dân hay gọi là sông Con - PV) đổ về cuồn cuộn. Đường duy nhất để vào trung tâm xã là tuyến quốc lộ 1A (xã Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu) đi qua các thôn Tân Thọ, Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc. Thế nhưng, đoạn đường này cũng chìm sâu trong lũ. Để vượt qua đoạn đường này, người dân, học sinh phải đi lại bằng sõng. Anh Nguyễn Ngọc Thọ (27 tuổi) - người chống đò, cho biết: "Cứ vào mùa lũ, đoạn đường Cầu Cây Sung (giáp ranh giữa thôn Tân Phước và thôn Tân Bình - PV) chìm trong nước từ 1-2 mét. Người dân dùng sõng đưa dân, học sinh qua lại. Mỗi lượt đi, tôi thu từ 1-2 ngàn đồng, tùy thuộc vào lũ lớn hay nhỏ".

Mùa lũ, từ sáng đến tối người qua lại đoạn đường bị ngập nước này đông đúc, nhộn nhịp như một bến đò ngang. Chiếc sõng của anh Nguyễn Văn Đạt bé xíu, "cõng" hơn chục người dân và học sinh, xe máy, xe đạp vượt lũ mà không ai có áo phao cứu hộ. Chở nặng, nước ngập lém be sõng, mỗi khi gió giật mạnh khiến tay chống anh Đạt mất thăng bằng thì chiếc xuồng cứ tròng trành qua lại.

Mặc dù biết rằng ngồi trên đò nhỏ, không có ao phao cứu hộ là rất nguy hiểm đến tính mạng, nhưng các học sinh không còn cách nào khác để vượt lũ. Em Phạm Thị Hằng - học sinh lớp 6, cho biết: "Suốt 6 năm nay, mỗi khi nước lớn em phải đi sõng đến trường. Nhiều khi đi học về muộn, chúng em lội nước về nhà, ướt sũng cả áo quần". Chị Huỳnh Thị Ẩn bỏ hết công việc nhà, nương rẫy dành thời gian hai buổi sáng chiều để đưa hai cậu con trai đi học. Chị nói: "Mùa lũ, sáng tôi đưa cháu Hồ Đức Sỹ - đang học sinh lớp 3, trường Tiểu học Xuân Sơn Bắc, qua đò, đến trưa thì đưa cháu Hồ Đức Dũng - học sinh lớp 5, đi học và đón Sỹ về. Chiều tối, tôi lại phải đến đoạn đường này, qua đò đón Dũng về. Hai cháu còn nhỏ đi đò rất nguy hiểm nên tôi phải dành thời gian đưa đón cháu cho đến khi lũ rút hẳn".

Khác với chị Ẩn, hằng ngày anh Đinh Lợi ở thôn Tân Thọ cõng cô con gái Đinh Thị Thu Loan, học sinh lớp 6 trường THCS Trần Quốc Tuấn, lội nước vượt lũ đưa con đến trường. Anh Lợi cho biết: "6 năm nay, hễ khi lũ về, đường đi đến trung tâm xã bị cô lập thì tôi cõng con đi học. Việc lội nước, vượt lũ đưa con đi học là rất nguy hiểm, nhưng tôi không còn cách nào khác". Nhiều học sinh trường THCS Trần Quốc Tuấn cũng lội nước đi học, bất chấp hiểm nguy.

Chuyện học sinh đi học bằng sõng không có áo phao, phao cứu sinh ở xã Xuân Sơn Bắc trong mùa lũ đã kéo dài nhiều năm nay. Chính quyền xã Xuân Sơn Bắc hiểu rất rõ mối nguy hiểm này, cũng mong muốn các em đến trường an toàn nhưng "lực bất tòng tâm". Ông Trần Giang Nam - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Bắc, bức xúc nói: "Xuân Sơn Bắc là xã vùng trũng, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài một ngày đêm thì nước từ suối Hà Dom đổ về làm chia cắt, cô lập thôn Tân Thọ, Tân Phước với trung tâm xã. Khi lũ về, chúng tôi chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học, chờ nước lũ xuống thấp mới thông báo cho các em đi học trở lại. Phương tiện duy nhất để đưa các em đi học là sõng của người dân". Theo ông Nam, khi lũ lụt kéo dài, giải pháp tối ưu là cho học sinh nghỉ học. Sau khi lũ rút, các trường tập trung dạy bù để đuổi kịp chương trình.

Toàn xã Xuân Sơn Bắc có hơn 500 học sinh, trong khi xã chỉ có 50 áo phao. Ông Nam cho biết: "Xã của chúng tôi nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị lũ lụt. Thế nhưng nhiều năm qua phương tiện cứu hộ duy nhất của xã vẫn là sõng của người dân. Chúng tôi luôn gặp khó khăn trong việc ứng cứu, di chuyển người dân đến nơi an toàn. Huyện, tỉnh chỉ cấp cho xã Xuân Sơn Bắc khoảng 50 áo phao, phao cứu sinh; số này chỉ đủ trang bị cho lực lượng cứu hộ của xã. Vì thế, ở những "bến đò mùa vụ" thì không thể trang bị áo phao được. Chúng tôi vẫn biết, xuồng nan chở các em đi học không trang bị áo phao là không an toàn, nhưng xã không có kinh phí để mua áo phao cho học sinh".

Vậy là học sinh xã Xuân Sơn Bắc vẫn tiếp tục vượt lũ đến trường trên những chiếc xuồng nan mỏng manh, có thể bị nước nhấn chìm bất cứ lúc nào... Qua bài báo này, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm hãy giúp đỡ học sinh xã Xuân Sơn Bắc bằng cách tặng áo phao cho các em. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Tòa soạn Báo Thanh Niên hoặc Văn phòng đại diện của báo tại Bình Định.

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.