Đừng hứa, hãy hành động

20/04/2013 03:05 GMT+7

Hãy hành động cụ thể để chấn chỉnh lại ngành y tế. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 19.4 đăng bài Bộ trưởng Y tế hứa.

Đừng đổ lỗi cho lương

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong ngành y tế là đời sống của nhân viên chưa được đảm bảo. Tuy nhiên, việc "không đảm bảo" này không thể đổ hết vào lương được. Theo Nghị định 43, bên cạnh việc đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh, còn giúp cải thiện rất nhiều cho đời sống công nhân viên chức. Thế nhưng, trên thực tế, đời sống cán bộ viên chức không được cải thiện nhiều mà lại phát sinh nhiều tiêu cực do một số lãnh đạo lợi dụng chính sách này nhằm mục đích “lợi ích nhóm”. Nếu bộ trưởng đã hứa thì hãy làm dứt điểm chứ đừng hứa suông.

Nguyễn Thành Chương (chuongnguyen@gmail.com)

Phải hành động

Vận động, giáo dục và kêu gọi y đức người thầy thuốc là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải biết hành động, xử lý ngay những sai trái của những người có chức có quyền trong ngành y tế. Không bao che cho bất cứ cá nhân nào vi phạm.

Ngọc Danh (ngocdanhminh@gmail.com)

Phải xử lý nghiêm

Vấn đề đưa giáo dục y đức vào trường học, xin thưa đã có từ lâu. Nhưng đó không phải là giải pháp cấp bách, không phải biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức nghề nghiệp hiện nay, đặc biệt đối với những người đứng đầu đơn vị. Muốn chặn đứng tiêu cực, tham nhũng thì trước tiên hãy xử lý nghiêm minh những cán bộ lãnh đạo, quản lý, giám đốc bệnh viện suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, chính sách để tư lợi mà dư luận xã hội và báo chí phản ánh. Đã có quá nhiều lời hứa nhưng chẳng làm được bao nhiêu.

Lâm (lamtanthoi@yahoo.com)

Hứa phải đi đôi với làm                                                                                

Tôi cho rằng việc tăng cường giáo dục y đức là đúng, nhưng ai có thể đảm bảo rằng những bác sĩ, y sĩ khi ra trường sẽ làm đúng những gì đã học, khi mà muốn xin được việc làm phải qua thủ tục "đầu tiên" để chạy chọt. Bên cạnh đó, việc đánh giá hài lòng của người bệnh, nghe mơ hồ quá. Đánh giá bằng cách nào, đánh giá ra sao và vào lúc nào? Ai sẽ là người giám sát kết quả?

Lương Tri (luckydoor333@yahoo.com)

Trần Kim Quý

Ai vào bệnh viện cũng phải lót tay cho bác sĩ nếu muốn được quan tâm chăm sóc. Đó là hậu quả của việc thực hiện pháp luật không nghiêm và đã ăn sâu vào cả hệ thống. Muốn chấm dứt phải điều chỉnh lại cả hệ thống từ thủ tục khám chữa bệnh đến yếu tố con người, đặc biệt là những vị lãnh đạo.

Trần Kim Quý (Q.3, TP.HCM)

Nguyễn Cao Trí
Bên cạnh việc điều chỉnh lương sao cho đảm bảo đời sống của bác sĩ thì cũng phải xem xét lại vấn đề y đức. Ngoài việc giáo dục, kêu gọi y đức thì cũng phải có biện pháp xử lý nghiêm cá nhân có hành vi sai phạm, tiêu cực.

Nguyễn Cao Trí (Q.1, TP.HCM)

Hải Nam
(thực hiện)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

>> Bộ trưởng Y tế hứa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.