Nhạc Việt: Bao giờ bước ra sân chơi chung toàn cầu?

16/12/2006 15:15 GMT+7

Giữa lúc tình hình âm nhạc, đặc biệt là nhạc cho giới trẻ "bị" các nhà phê bình, nhà quản lý, các phương tiện thông tin... đánh giá rằng thiếu hẳn những ca khúc mang giá trị nghệ thuật đích thực, thừa loại nhạc bình dân, dễ dãi thì bàn chuyện hội nhập âm nhạc đúng là... lạc quẻ! Tuy nhiên cần phải nhìn nhận rằng, một khi đã hội nhập về kinh tế với thế giới thì bước vào sân chơi ở lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt âm nhạc là chuyện cần nói tới.

Nhạc ngoại vào sân chơi Việt: Chỉ là giao lưu và thương mại

Lật giở các trang báo cũ, chắc sẽ dễ dàng tìm kiếm thông tin về những lần các ngôi sao ca nhạc u Mỹ, dù đã vào giai đoạn xế chiều của sự nghiệp, vẫn hăng hái sang Việt Nam biểu diễn. Đó là những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, khi mà đất nước mở cửa, làn sóng âm nhạc nước ngoài bắt đầu tràn vào. Những cái tên như Sting, Micheal Learns to Rock, Boney M, Bryan Adams, Moffats... từ lâu được giới trẻ hâm mộ qua băng đĩa, truyền hình nay đã xuất hiện bằng xương bằng thịt trên sân khấu. Sau đó đến lượt những ngôi sao châu Á. Cuộc đổ bộ "hoành tráng" của Jang Dong Gun, Lê Minh, Bi Rain, Lâm Tâm Như, Triệu Vy... cho dù chỉ xuất hiện trong những show diễn mang tính thương mại nhưng cũng làm cho các fan hả hê, vui sướng. Gần đây nhất là cuộc đổ bộ của nhóm 4Men với 4 chàng trai Song Yae Won, Lee Jung Ho, Jung Sae Young, Han Hyoun Hee cùng nữ ca sĩ Hàn Quốc Seo Ji Young và 2 MC xinh đẹp của MTV May -Choy đã làm nên một đêm nhạc nức lòng giới trẻ. Nghe đâu nhóm 4Men đang ráo riết học tiếng Việt để thực hiện kế hoạch chinh phục thị trường ca nhạc cả nước.

Tuy nhiên xét về góc độ nghề nghiệp, sự giao lưu với các ngôi sao ca nhạc nước ngoài cũng giúp cho những người tổ chức, những ca sĩ Việt học hỏi thêm ở họ thái độ làm việc nghiêm túc, mang tính chuyên nghiệp cao. Chương trình do kênh truyền hình MTV phối hợp cùng một công ty mỹ phẩm tổ chức tại TP.HCM đầu tháng 11/2006 đã tạo nên thành công nhất định, ít ra là về thương mại.

Thêm nữa, vị khách mời đặc biệt là diva Nhật Bản Yu Ming tham dự trong liveshow Mỹ Linh Tour 2006 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) đã làm thay đổi không khí, tạo cảm giác mới lạ cho khán giả, góp phần giao lưu âm nhạc Việt - Nhật trong hai đêm diễn 24 và 25/11 vừa qua.

Ca sĩ Việt trên sân chơi ngoại: Vẫn đang tìm đường...

Ca sĩ Seo Ji Young

Sự kiện Mỹ Tâm tuyên bố dự án hợp tác với công ty tổ chức biểu diễn Hàn Quốc hay Kasim Hoàng Vũ đang chờ đợi cơ may xuất hiện trên MTV Asia, Đan Trường lên kế hoạch biểu diễn liveshow ở Đài Loan... là những tín hiệu vui cho làng nhạc Việt. Tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ. Để hình thành nên một dòng nhạc vừa mang tính đương đại, vừa đậm bản sắc văn hóa riêng mang ra thế giới và khu vực giới thiệu thì không chút dễ dàng!

Khá nhiều khán giả kỳ vọng vào chuyện ca sĩ Việt được tham gia vào sân chơi âm nhạc chung của khu vực. Khả năng xuất hiện trên kênh MTV Asia sẽ là bước khởi đầu. Tuy nhiên để có thể bước vào sân chơi MTV, trước tiên chúng ta phải có một nền âm nhạc đủ lực, phát triển toàn diện từ sáng tác, biểu diễn đến tổ chức biểu diễn, thực hiện video clip theo một chuẩn nhất định và trên hết vẫn là chuyện tác quyền. Ca sĩ Thanh Lam cho biết: "Để có một video clip xuất hiện trên MTV, chúng ta phải quay bằng phim nhựa với chi phí ít nhất từ 25 đến 30.000 USD. Trong khi một video clip của ca sĩ hiện nay, chi phí bỏ ra chỉ độ 3 đến 5.000 USD, ghi hình trên DVD thì làm sao đạt tiêu chuẩn kỹ thuật?". Xem các video clip của những ca sĩ, nhóm nhạc Indonesia, Thái Lan, Malaysia, thậm chí cả Hàn Quốc, Nhật Bản, xét về mặt nghệ thuật chưa hẳn họ hơn ca sĩ chúng ta nhưng điều quan trọng là họ có một thị trường âm nhạc đủ mạnh, với sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính phủ về tác quyền, có đội ngũ nhân lực thực hiện chương trình được đào tạo bài bản.

Rocker Nguyễn Đạt, thủ lĩnh nhóm rock Da Vàng nhận định: "Dù có tiền để nhập những trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại nhất song chúng ta vẫn không thể có những sản phẩm âm nhạc đạt chuẩn thế giới. Lý do đơn giản chúng ta chỉ có thiết bị nhưng thiếu hẳn người vận hành, những kỹ sư về âm thanh, ánh sáng đúng nghĩa. Hãy nhìn một liveshow cho là hoành tráng nhất hiện nay, kiếm không ra những kỹ sư phụ trách kỹ thuật như thế, có chăng chỉ là những người "tay ngang", nhân viên của các công ty cho thuê thiết bị đảm nhiệm theo yêu cầu của đạo diễn". Ca sĩ Lam Trường từng là khách mời của nhiều liên hoan âm nhạc như J.Agent Pop ở Yokohama (Nhật Bản), Pattaya Music Festival, MTV Thái Lan... cũng chung suy nghĩ: "Việt Nam không thiếu những nhạc sĩ, ca sĩ tài năng nhưng nền âm nhạc của chúng ta vẫn chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp cao như các nước".

Mặt khác, về quản lý, Nhà nước cần có định hướng cụ thể, rõ ràng về chiến lược. Trong tương lai, 10, 20 năm nữa âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển theo khuynh hướng nào, hay cứ để "tự phát" như bây giờ rồi đến lúc lại kêu gào là âm nhạc đang xuống cấp, bị bình dân hóa, ca từ phản cảm? Khi đã chấp nhận bước vào sân chơi chung toàn cầu, để cùng "chơi", chúng ta phải có một phiên lộ trình đầy đủ, trong đó không thể bỏ qua chuyện đào tạo nhân lực trong ngành tổ chức, sáng tác, biểu diễn liên quan đến âm nhạc. Hiện các trường âm nhạc, nhạc viện trong cả nước vẫn còn thiếu khâu đào tạo sáng tác, biểu diễn thể loại nhạc nhẹ, nhạc pop, chưa nói đến rock, R&B, jazz hay dance, rap... Thiếu kiến thức, am hiểu chuyên sâu về từng thể loại nhạc thì việc cho ra đời và trình diễn các ca khúc nửa ta nửa tây như hiện nay là điều không tránh khỏi.

* Bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM: "Khi hội nhập, cả nghệ sĩ sáng tác lẫn biểu diễn cần hiểu rõ văn hóa Việt Nam mới có thể đủ điều kiện để bước vào sân chơi toàn cầu. Hội nhập nhưng không bị lệ thuộc về văn hóa. Thà chậm chân một chút còn hơn nhanh chân nhưng đánh mất mình. MTV chỉ là một kênh phát sóng chuyên về âm nhạc. Chuyện xuất hiện MTV không quan trọng bằng việc MTV chứa nội dung gì trong đó. MTV nếu có ra đời ở Việt Nam vẫn phải đảm bảo tiêu chí: phù hợp với văn hóa Việt tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc".

* Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: "Vấn đề xuất hiện kênh MTV ở Việt Nam theo tôi chỉ là thời gian. Bởi khi đã ở trong con tàu WTO rồi thì chuyện đó sẽ phải đến, dù muốn hay không! Lúc ấy, mỗi bài hát, mỗi nhạc sĩ, hay mỗi ca sĩ sẽ phải cạnh tranh với các đồng nghiệp trên toàn cầu. Một điều rất nhãn tiền là nếu không cân xứng về chất lượng thì sự cung cầu sẽ diễn ra một chiều, tức là ta khó lòng xuất khẩu âm nhạc mà chỉ là thị trường "béo bở" cho các nền âm nhạc khác tung hoành. Tuy nhiên rút ngắn khoảng cách về trình độ, chất lượng là công việc không phải một sớm một chiều".

* Rocker Nguyễn Đạt: "Khá buồn là hiện có nhiều ban nhạc, ca sĩ trẻ theo nghề nhưng thiếu lý tưởng. Họ chỉ mong sao nhanh nổi tiếng, kiếm thật nhiều tiền, sẵn sàng chiều theo thị hiếu khán giả. Như thế khó mà xây dựng một nền âm nhạc vững mạnh và phát triển đồng bộ được. Còn một chuyện nữa là để hội nhập, tương tự như trong kinh tế, thương mại, chúng ta cần có những sáng tác và ca sĩ thể hiện bằng tiếng Anh. Ca khúc lời Anh nhưng vẫn chất chứa hồn Việt thì không phải ai cũng làm được. Hội nhập nhưng không mất gốc là thế! Tôi hy vọng thế hệ 9X được học hành đầy đủ, tiếp cận với thế giới một cách chủ động hơn thế hệ chúng tôi sẽ làm được điều đó".

* Ca sĩ Lam Trường: "Gia nhập WTO, chúng ta sẽ phải nghiêm khắc hơn về vấn đề sở hữu trí tuệ. Cần có hướng đào tạo từ nhạc viện hoặc du học nước ngoài để chúng ta hình thành nên đội ngũ sáng tác có kỹ thuật cơ bản về thể loại pop rock, R&B, hip hop... để khi giới thiệu ca khúc mới chúng ta không bị lạc hậu. Vốn ngoại ngữ cũng rất cần thiết, là hành trang cần có trong bước đường hội nhập với thế giới, không riêng gì trong lĩnh vực âm nhạc".

Danh Nghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.