Hải tặc hoành hành vùng biển Đông Nam Á

19/06/2014 13:00 GMT+7

(TNO)Thời gian gần đây hải tặc đã tiến hành hàng loạt những vụ tấn công, cướp bóc các tàu chở dầu, tàu chở hàng ở vùng biển Đông Nam Á, dấy lên mối lo ngại khu vực này trở thành điểm nóng cho các hoạt động cướp biển.

(TNO)Thời gian gần đây hải tặc đã tiến hành hàng loạt những vụ tấn công, cướp bóc các tàu chở dầu, hàng ở vùng biển Đông Nam Á, dấy lên mối lo ngại khu vực này trở thành điểm nóng cho các hoạt động cướp biển.


Lực lượng đặc nhiệm Malaysia trong một cuộc diễn tập chống hải tặc - Ảnh: AFP
 

Trong nhiều thế kỷ qua, hải tặc từng hoành hành ở eo biển Malacca, vốn là đường hàng hải chiến lược giữa Indonesia, Malaysia, Singapore, theo AFP.

Hàng năm có hàng chục ngàn tàu thuyền đi qua Malacca và 1/3 lượng giao thông hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua eo biển này.

Cách đây năm năm hoạt động cướp biển ở eo biển Malacca thuyên giảm nhờ các nước tăng cường tuần tra trên biển.

Nhưng kể từ tháng 4.2014, hàng loạt những tàu chở dầu, chở hàng bị tấn công tại eo biển Malacca và vùng biển Đông Nam Á. Bọn hải tặc tấn công và cướp hàng trăm tấn dầu từ những tàu này.

“Mọi người đều lo ngại về những vụ cướp biển gần đây bởi vì họ biết tình hình sẽ tồi tệ hơn”, AFP dẫn lời ông Noel Choong, người đứng đầu trung tâm báo cáo hải tặc thuộc Cục Hàng hải Malaysia (IMB).

“Hải tặc sẽ trở nên hung hăng và không thể kiềm chế được như ở Somalia”, ông Choong nhận định.

Các số liệu của IMB cho thấy số vụ cướp biển đã gia tăng trở lại ở khu vực Đông Nam Á, từ 46 vụ trong năm 2009 lên 128 vụ vào năm 2013 và dự đoán tiếp tục tăng trong năm 2014.

Trong một vụ tấn công ngày 28.5, tàu chở dầu Thái Lan MT Orapin 4 bị hải tặc cướp dầu ở ngoài khơi đảo Bintan, phía bắc Indonesia.

Bọn hải tặc còn ngang nhiên sơn tên nhóm của chúng lên tàu MT Orapin 4, phá hủy các thiết bị thông tin liên lạc với đất liền, cướp 3.700 tấn dầu, bắt cóc nhưng sau đó trả tự do cho các thành viên thủy thủ đoàn.

Các chuyên gia chống hải tặc nhận định các băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn mạnh phối hợp với hải tặc để tuồn số dầu hay hàng hóa cướp được ra thị trường.

“Tội phạm hàng hải luôn là một vấn đề nhức nhối trong khu vực. Chúng tôi đang nhận thấy các hoạt động hải tặc có chiều hướng gia tăng bởi vì dầu khí là một mặt hàng cực kỳ béo bở trên thị trường chợ đen”, ông David Rider, Tổng biên tập trang tin nổi tiếng về an ninh hàng hải Maritime Security Review, nhận định.

So với một thập niên trước đây, hải tặc Đông Nam Á manh động và chuyên nghiệp hơn, có trang bị vũ khí, bắt con tin đòi tiền chuộc, ông Choong cho biết.

“Ở đâu có tiền, ở đó hải tặc xuất hiện”, theo ông Martin Sebastian, người đứng đầu Trung tâm An ninh hàng hải và Ngoại giao Malaysia.

IMB kêu gọi các quốc gia khu vực Đông Nam Á phối hợp chặt chẽ và tăng cường các hoạt động tuần tra để đề phòng hải tặc hoành hành khu vực này.

Các chuyên gia cũng đồng thời kêu gọi các nước cho phép các tàu chở dầu và chở hàng được trang bị vũ khí để chống hải tặc.

Phúc Duy

>> Lực lượng Malaysia đuổi hải tặc ở biển Đông
>> Hải quân Malaysia đánh bật hải tặc tấn công tàu dầu ở biển Đông
>> Hải tặc thả tàu chở dầu Thái Lan
>> Hải tặc bắt giữ 3 thuyền viên trên tàu chở dầu Nhật Bản
>> Bỉ ‘dụ dỗ’ thủ lĩnh hải tặc Somalia làm phim tài liệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.