PGS-TS Võ Công Thành: Thoát hiểm cho cây lúa

11/01/2013 05:50 GMT+7

Chính suy nghĩ “lãng mạn” và việc làm “khác người” của PGS-TS Võ Công Thành đã cho ra những giống “siêu lúa”, góp phần mở hướng “thoát hiểm” cho cây lúa ĐBSCL.

Chính suy nghĩ “lãng mạn” và việc làm “khác người”  của PGS-TS Võ Công Thành đã cho ra những giống “siêu lúa”, góp phần mở hướng “thoát hiểm” cho cây lúa ĐBSCL.

Những năm gần đây, hễ khi gặp lại ông Út Nhỏ (Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, Bạc Liêu), nhiều người vẫn hỏi một câu hỏi quen thuộc: “Lúa má dưới sao rồi?”, như thể ông là nông dân thứ thiệt. Mỗi lần như thế, ông Út Nhỏ đều có cách trả lời khác. Khi thì “đang nhờ phục tráng giống một bụi đỏ, nhưng còn cứng cơm”; lúc thì “cũng hy vọng lắm”. Có lúc lại thấy ông trầm tư khi nhắc đến vùng đất Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi khắc nghiệt vì nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng nề. Người dân ở đây vẫn nghèo vì nuôi tôm không trúng, trồng lúa càng là chuyện không tưởng. Đã có nhiều thử nghiệm đưa nhiều loại cây trồng, vật nuôi đến vùng này kết quả chẳng mấy khả quan.

PGS - TS Võ Công Thành trên đồng đất thực nghiệm giống lúa mới
PGS-TS Võ Công Thành trên đồng đất thực nghiệm giống lúa mới - Ảnh: Ngọc Tùng

Trồng lúa trên đồng mặn

Cuối năm 2009, ông Út Nhỏ cùng các cán bộ nông nghiệp huyện đánh xe lên gặp ông Lê Quang Trí, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhờ cử cán bộ giúp huyện phục tráng, cải thiện chất lượng giống lúa một bụi đỏ. Ông Út Nhỏ thú thiệt là huyện đang “bí” vì giống lúa một bụi đỏ vốn là niềm tự hào của địa phương, giờ đã bị thoái hóa, dân không chịu trồng. Chỉ dẫn địa lý của giống lúa này vì thế có nguy cơ bị mất. Rồi ông đặt yêu cầu làm sao để giống lúa này vừa trở lại ngon cơm, vừa có thể phát triển được ở môi trường phèn, mặn trong thời gian ngắn nhất có thể. Trao cho PGS-TS Võ Công Thành, Trưởng bộ môn di truyền giống (ĐH Cần Thơ) nắm lúa, Út Nhỏ hỏi thẳng: “Năm nay huyện tôi thu hoạch được bao nhiêu lúa giống?”. TS Thành hứa: “Có thể được 15 tấn”.

 

Việc của những người làm công tác nghiên cứu là phải đặt ra cho mình những cái ngưỡng để vượt qua. Ngưỡng là những khó khăn của cuộc sống người dân mà mình có trách nhiệm tìm giải pháp cải thiện

Vụ mùa 2011, huyện Hồng Dân có được 18 tấn lúa một bụi đỏ làm giống. Số  lúa này đáp ứng được 2 yêu cầu: tương đối mềm cơm, ngọt; năng suất từ 4 -5 tấn/ha, lại phát triển được ở môi trường nhiễm mặn 5-6. Phấn khởi, ông Út Nhỏ nhận ra có thể gửi gắm nỗi trăn trở bấy lâu của địa phương cho vị tiến sĩ nhìn bên ngoài có vẻ “cù lần” này. Thế là ông lại tiếp tục “ra đề”. Lần này bài toán càng khó hơn gấp bội: tìm được giống lúa có thể trồng được ở vùng đất trước nay… không thể trồng lúa do nhiễm phèn, mặn rất nặng. Bất ngờ, TS Thành lại nhận lời.

“Việc của những người làm công tác nghiên cứu là phải đặt ra cho mình những cái ngưỡng để vượt qua. Ngưỡng là những khó khăn của cuộc sống người dân mà mình có trách nhiệm tìm giải pháp cải thiện. Nghĩ vậy nên tôi nhận lời”, TS Thành tâm sự. Thế rồi đến tháng 4.2011, đại diện ĐH Cần Thơ trao cho cán bộ nông nghiệp H.Hồng Dân 4 kg lúa giống với những chỉ số “lạ”: có thể phát triển tốt ở điều kiện độ mặn trên 10

Giữa cái nắng gay gắt tháng 4, nhiều nơi ở vùng Vĩnh Lộc, Ninh Thạnh Lợi đất nứt nẻ, dậy phèn, độ mặn trong đất có lúc lên đến 10.  Trong điều kiện đó, đến cây cỏ tạp cũng không thể trụ được, vậy mà có nhóm người mang lúa đến để gieo sạ. Ông Thành nhớ lại: “Lúc đó, nhiều nông dân địa phương cứ lắc đầu, gọi tụi tui là… kỹ sư khùng; bởi trước giờ có ai làm chuyện lạ đời như vậy”. Thậm chí, nhiều nông dân còn cá với nhau nếu lúa mà sống được, chứ chưa nói đến trổ bông, họ sẽ chịu một chầu nhậu.

Thế rồi kỳ tích cũng đến. Cây lúa vượt qua được những ngày khắc nghiệt nhất. Từ 200 m2 được chiết cấy ra 8 công đất, rồi lại chiết cấy lần 2 trên diện tích 5 ha. Tháng trước, gặp chúng tôi ở Cần Thơ, ông Út Nhỏ khoe đã nhân ra được 260 ha lúa chịu mặn ở 2 xã Ninh Thạnh Lợi A và Vĩnh Lộc. Lúa phát triển tốt và sắp cho thu hoạch, năng suất ước đạt trên 4 tấn/ha, “mừng hết biết”!

Giúp cây lúa cứu cây lúa

Cho đến giờ, chuyện một địa phương phát triển đại trà được giống lúa có thể chịu được độ mặn đến 10 vẫn là đề tài nóng ở vựa lúa ĐBSCL. Nơi một diện tích rộng lớn đất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị nước mặn xâm nhập. Trước viễn cảnh nhiều đồng lúa bị de dọa bởi tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều nhà khoa học nông nghiệp đã và đang nghiên cứu những giống lúa có thể chống chịu được với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ngày càng xấu đi. Hướng đi được xem là giải pháp “thoát hiểm” cho cây lúa ĐBSCL.

Hẹn gặp chúng tôi tại một quán cà phê cóc bên đường, TS Thành cho hay học trò của ông vừa gọi về báo độ mặn ở H.Cần Đước (Long An) đang lên 11,4. Mắt ông sáng lên: “Vậy là giống lúa sổi đột biến tui cho trồng thử nghiệm đã trụ ở đó được 3 tháng 10 ngày rồi”. Nhưng giống lúa sổi đột biến đó chưa phải là giống lúa chịu mặn cao nhất do nhóm TS Thành nghiên cứu. TS Thành còn cho biết đã tìm ra giống lúa sổi lai với một giống lúa của Nhật phát triển tốt ở độ mặn 16 trong môi trường thí nghiệm. Ông đang thương lượng với tỉnh Cà Mau để trồng thực nghiệm giống lúa này ở vùng đất gần biển ven sông Cửa Lớn.

Liên tiếp những tin tức trồng thực nghiệm thành công giống lúa “siêu chịu mặn” của PGS-TS Võ Công Thành khiến nhiều người mừng vui, nhưng không ít người vẫn nghi ngờ. Thậm chí có nhà khoa học nước ngoài gọi ông là “phù thủy” với thành tựu khó tin, nhưng có thật ấy. TS Thành giải thích đó là quá trình tích lũy hàng chục năm nay chứ không phải một sớm một chiều. Những “siêu lúa” này thật ra có bố mẹ là các giống lúa mà ông thu thập được ở những vùng đất ngập nước ven biển Việt Nam từ nhiều năm trước. Đó là ngân hàng giống vô cùng quý giá mà tiền bạc không thể mua được. Khi nhiều giống lúa bị cất vào quên lãng thì ông âm thầm hệ thống chúng lại thành những dòng lúa với những đặc tính khác nhau. Như dòng lúa chịu mặn, ông đang có lúa Cà Mau, lem bụi, nếp rùi, lúa sổi, trắng tép… những giống là mà bây giờ rất khó tìm trong môi trường tự nhiên.

Vấn đề còn bận tâm của TS Thành là tìm kiếm sự hợp tác của các địa phương. Nhắc đến điều này, TS Thành xuýt xoa: “Phải chi địa phương nào cũng có ông Út Nhỏ thì tốt biết mấy”.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Tiến Trình

>> Người đưa phản biện xã hội vào bảo tàng
>> Sản xuất thành công giống lúa “siêu chịu mặn”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.