Indonesia đất nước vạn đảo

18/12/2010 14:40 GMT+7

(TNTS) Indonesia được ghép bởi 2 từ: Indus - tiếng La-tinh nghĩa là Ấn Độ và Neos - tiếng Hy Lạp, nghĩa là những hòn đảo. Indonesia có 17.508 hòn đảo, trong đó hơn 6.000 đảo chưa có người ở. Đây là quốc gia đa chủng tộc, đa ngôn ngữ và văn hóa nhưng tất cả thống nhất trong sự đa dạng theo khẩu hiệu “Bhinneka Tunggal Ika”.

Nói đến du lịch Indonesia, dân Việt thường chỉ nghe nói tới Bali, vùng biển đẹp nổi tiếng từng diễn ra thảm họa sóng thần vào tháng 12.2004 làm hơn 230.000 người thiệt mạng. Dân mê bóng đá hiện đang theo dõi AFF Cup 2010 thì rất khoái lối chơi tổng lực của đội bóng xứ vạn đảo với vòng loại toàn thắng. Thật ra, Indonesia có nhiều nét độc đáo mà du khách chưa biết. Có người ví Indonesia như “người khổng lồ đang ngủ”, như “trái sầu riêng chín mọng”. Indonesia có hơn 80.000 km bờ biển (dài hơn 24,5 lần bờ biển VN) nên biển đảo là nguồn tài nguyên phong phú của xứ sở này. Là nước xếp thứ 2 thế giới về sự đa dạng sinh học (sau Brazil), và các loài đặc hữu (sau Úc), với 26% các loài chim và 39% các loài có vú, Indonesia còn có nhiều loại thú quý hiếm như tê giác, đười ươi, hổ trắng, báo gấm, voi… đang sống trong điều kiện tự nhiên. 4/7 di sản thế giới của Indonesia là các Vườn quốc gia, trong đó có vườn quốc gia Komodo bảo tồn loài thằn lằn khổng lồ và các loại bò sát, 8 vườn quốc gia khác đang được đề nghị UNESCO công nhận.

Indonesia có nhiều núi lửa và thường xảy ra động đất. Hiện có ít nhất 150 núi lửa đang hoạt động. Tuy nhiên, từ bao đời nay, tro núi lửa mang đến sự màu mỡ cho đất đai vùng phụ cận. Các núi lửa trở thành những điểm hẹn du lịch lý thú. Tôi đã đến tham quan núi lửa Tangkuban Perahu ở Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java. Cách xa cả chục cây số đã ngửi thấy mùi lưu huỳnh, càng đến gần càng nồng nặc. Miệng núi lửa khổng lồ, sâu mấy chục mét, loang lổ đất đá - nước và cây cỏ. Nhiều chỗ vẫn còn nghi ngút khói như hù dọa du khách.

Dọc lối đi có rất nhiều quầy, hàng rẻ mà độc. Các cô gái thì mê khăn choàng hình vuông, có khoét lỗ ở giữa, tròng vào đầu là thành áo len rất mốt. Hoặc chọn mua mấy loại túi xách nhỏ, đủ màu sắc, không đụng hàng. Cánh đàn ông thì mê hoa kiểng của vùng núi lửa, ở VN không có. Khoái nhất là bình hoa làm từ thân cây (tôi đoán là họ cây gạo - cây gòn). Sau lớp vỏ xù xì là những vân đen và nâu trên nền trắng rất lạ. Cứ bóc vỏ, cưa ngang hoặc xéo từng khúc, móc ruột xốp bên trong là thành những bình hoa cực đẹp.


Ngôi đền Choeung Ek - Ảnh: Shutterstock

Bandung nằm ở độ cao 800m, cách Jakarta 180 km, là điểm hẹn cuối tuần của cư dân thủ đô và khách nước ngoài. Thành phố được mệnh danh là Paris của Java bởi nhiều kiến trúc châu u, nhiều khách sạn nhà hàng và các cửa hàng sang trọng. Dòng chữ “Chào mừng đoàn FamTrip đến từ Sài Gòn - Việt Nam” với chữ S được kết hoa thành hình con rồng và bản đồ VN thể hiện tình cảm đặc biệt của bạn. Ở đây tre là nhạc cụ chính trong các nghi lễ văn hóa. Từng ống tre dài - ngắn khác nhau tạo âm thanh trầm bổng, rộn ràng, tươi vui thay cho kèn, chiêng, trống. Tre có mặt khắp nơi và hóa thân thành đủ vật dụng.

Rất nhiều đoàn học sinh từ tiểu học đến phổ thông vào bảo tàng để học ngoại khóa. Mỗi lớp đều có giáo viên hướng dẫn tìm hiểu, ghi chép, thảo luận và làm bài tại chỗ...
Đến xem chương trình văn nghệ chào đón du khách mà nhạc cụ chủ yếu là tre và diễn viên đa phần là trẻ em, cả ngàn vị khách hôm đó không khỏi ngỡ ngàng, thán phục. Trẻ em - bé nhất mới 6 tuổi, ra múa hát với nhạc cụ tre thật hồn nhiên, nhí nhảnh. Các em diễn tự nhiên, rất thật, không có kiểu bắt chước người lớn, từ lắc đầu cho đến nhún nhảy và trang phục gượng ép như ở ta. Có người chép miệng “trẻ con ở đây sướng tật, chẳng phải làm con nít cụ như ở xứ mình!”. Trong chương trình có phần giao lưu giữa du khách và diễn viên. Mấy chục em chạy xuống trao cho khách mỗi người một nhạc cụ bằng tre rồi ngồi bên cạnh hướng dẫn cách chơi. Mỗi nhạc cụ tương ứng một nốt nhạc. Bắt đầu tập hát với nhạc cụ tre, sau đó cùng ra nhảy múa chung. Ai cũng biết hát, cũng sử dụng được nhạc cụ tre. Kết thúc chương trình mọi người hồ hởi mua mấy thứ đem về làm kỷ niệm và biểu diễn cho bạn bè lé mắt chơi! Ngẫm lại thấy họ làm du lịch hay thật.

Thủ đô Jakarta dân số hơn 10 triệu người nhưng diện tích chỉ 661,5 km2 (chưa bằng 3/10 TP.HCM) nên nạn kẹt xe thường xuyên như cơm bữa. Các gia đình ở Jakarta nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe nên đường cao tốc rất rộng và cả đường trên cao cũng không đủ chỗ. Họ kẹt xe nhưng xếp hàng trật tự chứ không chen lấn tự phát hỗn loạn như VN.

Vượt qua sự khó chịu của tệ nạn kẹt xe, du khách sẽ được bù đắp nhiều điều kỳ thú ở thủ đô đầy sự tương phản này. Hình như ở Jakarta, chim chóc có mặt trong mỗi gia đình, cũng như chó - mèo ở châu u vậy. Thành phố khói bụi mà lúc nào cũng ríu rít tiếng chim. Có hẳn khu chợ chim bề thế, đủ loại, đủ màu, đủ tiếng, y như “hợp chủng quốc” của chim để khách chọn lựa, mua về làm bầu bạn. Là quốc gia Hồi giáo đông nhất thế giới, Indonesia có đền thờ Istiqual kỳ vĩ trên diện tích 10 ha. Đền gồm 4 tầng lầu, làm bằng đá cẩm thạch trắng lấy từ Java, cùng lúc có thể đón nhận gần 200.000 tín đồ đến cầu nguyện. Quảng trường Medan Merdaka - một trong những quảng trường rộng nhất thế giới, có đài tưởng niệm quốc gia Monas cao 137m, trên đỉnh được dát

35 kg vàng ròng. Có thang máy lên đỉnh tháp để ngắm toàn cảnh Jakata. Dưới chân tháp, trong lòng đất là Bảo tàng Lịch sử, được giới thiệu sinh động bằng hiện vật, mô hình, hình ảnh sáng tạo. Lăng Taman Mini rộng 350 ha với 250 di sản quốc gia về văn hóa, kiến trúc và ẩm thực của Indonesia. Jakarta có 32 bảo tàng, trưng bày những hình ảnh, hiện vật của các nhiều lĩnh vực: múa rối, mỹ thuật, kiến trúc, địa chất, danh nhân, lãnh tụ... Bảo tàng Quốc gia cũng là điểm đến thú vị không thể bỏ qua để khám phá về đất nước và con người, về những thành tựu “Thống nhất trong sự đa dạng” của Indonesia. Bảo tàng gia đình Sukarno - Tổng thống Indonesia từ 1945 - 1967, có nhiều bộ sưu tập quà tặng với nhiều cổ vật quý hiếm của thế giới…

Trong các bảo tàng, tôi đã gặp nhiều hướng dẫn viên rất trẻ, tận tình, niềm nở phục vụ. Hỏi thăm mới biết các tình nguyện viên đó vốn là những sinh viên ngành du lịch đang thực tập, vừa học vừa làm. Bên cạnh luôn có những hướng dẫn viên kỳ cựu hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nếu có. Tôi cũng đã gặp rất nhiều đoàn học sinh từ tiểu học đến phổ thông vào bảo tàng để học ngoại khóa. Mỗi lớp đều có giáo viên hướng dẫn tìm hiểu, ghi chép, thảo luận và làm bài tại chỗ. Chợt nhớ về các bảo tàng ở VN - cứ như nhà trưng bày hoặc triển lãm - nghèo nàn cả nội dung và hình thức. Còn trong chiến dịch “Đến với các bảo tàng” ở TP.HCM, có khi cả ngàn em phải ngó hết mấy bảo tàng trong một buổi cho đủ chỉ tiêu! Đi một lần không biết học được những gì.

Buổi tối Jakarta rực rỡ lên đèn, càng lộng lẫy như cố che lấp những khu nhà ổ chuột nghèo khổ. Ngồi nhâm nhi mấy món ăn đặc sản quanh những người dân thân thiện, món nào cũng có nước cốt dừa và ớt, chủ yếu làm từ cá và thịt gà; tôi cứ miên man suy nghĩ. Một đất nước rộng lớn và đông đúc, có tiềm lực dồi dào là thế mà kinh tế cứ mãi làng nhàng, du lịch cũng chỉ xếp cuối top đầu Đông Nam Á (hơn VN một bậc)... Bao giờ thì “người khổng lồ Indonesia” mới thức dậy vươn vai cùng thiên hạ?

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.