Cân nhắc

17/06/2013 03:05 GMT+7

Hôm nay, QH dành cả ngày để thảo luận về dự thảo luật Đất đai sửa đổi, trước khi thông qua vào ngày 21.6 theo dự kiến. Nhưng có lẽ các ĐBQH sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi đưa ra quyết định, khi mà mới đây 18 tổ chức nghề nghiệp, xã hội đã đồng kiến nghị gửi QH đề nghị chưa thông qua luật tại kỳ họp này, với những lý do khá thuyết phục.

Thực ra, bản dự thảo trình ra QH cũng không có nhiều thay đổi so với bản dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân hồi tháng 2. Được cho rằng có gần 20 điểm sửa đổi nhưng thực tế phần lớn các quy định trong dự thảo luật sửa đổi nhắc lại các quy định trong bộ luật Dân sự, hoặc luật hóa một số điều (về thu hồi đất) của Nghị định 69 hiện hành. Chỉ có 2 điểm có sửa đổi cơ bản gồm áp dụng cơ chế cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thay vì giao như hiện nay và quy định thời gian, hạn mức giao đất nông nghiệp cho nông dân.

Hai vấn đề căn bản nhất, vướng mắc nhất hiện nay là cơ chế bồi thường và định giá đất gần như không có tiến bộ nào đáng kể so với hiện hành. Cơ chế quản lý đất đai của VN hiện nay, được mô tả là nhà nước bằng một quyết định hành chính lấy đất của một hay nhiều người giao cho người khác, tiền đất đền bù và tiền thu từ việc giao đất cũng do nhà nước quyết định. Và điều này, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nó bao hàm nguy cơ tham nhũng cực kỳ lớn.

Nhưng dự thảo luật Đất đai sửa đổi vẫn tiếp tục trung thành tuyệt đối với cơ chế thu hồi đất bắt buộc, dựa trên các quyết định hành chính về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ. Trong khi các nước đều đã tiến rất xa, với nhiều cách để chuyển đổi đất. Không chỉ là cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận với  từng người hoặc cộng đồng người sử dụng đất mà còn có cơ chế người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cùng phát triển dự án (cơ chế này đặc biệt hiệu quả đối với các dự án phát triển thủy điện, hoặc thu hồi đất để làm khai trường khoáng sản).

Cơ chế quyết định giá bồi thường cũng không được cải thiện. UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, đồng thời lại là cơ quan định giá đất, rồi lại là cơ quan giải quyết khiếu nại (nếu có) về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một cơ quan nhà nước có cả 2 thẩm quyền sẽ dễ dẫn đến lạm quyền. Ở hầu hết các nước, 2 thẩm quyền quyết định đất đai và định giá đất đều được tách riêng. Việc thẩm định giá đất thường do các đơn vị dịch vụ định giá làm. Nếu có tranh cãi về giá thì việc giải quyết được thực hiện tại tòa.

Với tình trạng 70% khiếu kiện của dân liên quan đến vấn đề đất đai, trong đó phần nhiều là chuyện thu hồi, bồi thường thì việc cần thêm thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, xem xét đầy đủ các quy định sẽ có tác động đến đời sống người dân trong dự thảo luật Đất đai chẳng phải là rất cần thiết hay sao.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.