Tìm lối ra cho nghề nuôi cá bống tượng

17/06/2014 11:00 GMT+7

Con cá bống tượng từng giúp nhiều hộ dân ở Cà Mau có cuộc sống khấm khá. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi ồ ạt trong những năm gần đây dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cá xuống thấp khiến nhiều hộ phải “treo ao” do thua lỗ nặng.

Tìm lối ra cho nghề nuôi cá bống tượng
Nghề nuôi cá bống tượng ở Cà Mau cần được tổ chức lại để phát triển bền vững - Ảnh: Chí Tín

Hơn 500 hộ bỏ nghề

Ông Huỳnh Văn Hận, Chủ nhiệm HTX Tân Thành Tiến (xã Tân Thành, TP.Cà Mau), cho biết thời điểm này năm trước có lúc giá cá giảm xuống chỉ còn 200.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ bị lỗ nặng. Tuy hiện nay giá cá giống tăng lên mức 160.000 - 170.000 đồng/kg; cá thương phẩm “xô” từ 380.000 - 400.000 đồng/kg đảm bảo cho người nuôi có lời, nhưng nhiều hộ vẫn không vui vì đã treo ao trước đó.

Cũng theo lời ông Hận, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá giảm mạnh trong thời gian qua là do bà con nông dân tự mở rộng diện tích nuôi quá lớn dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Khi thị trường (xuất theo đường tiểu ngạch) chính là Trung Quốc không “ăn hàng”, người nuôi phải chịu cảnh bị thương lái ép giá hoặc chỉ mua cầm chừng để giữ mối. Trong khi đó, để có 1 kg cá bống tượng thương phẩm, nông dân phải nuôi từ 8 tháng đến 1 năm và đầu tư số vốn từ 310.000 - 320.000 đồng để mua con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh, thuê người chăm sóc... Do chu kỳ nuôi kéo dài, vốn đầu tư lớn trong khi giá cả hay “sụt sịt” nên từ đầu năm đến nay đã có trên 500 hộ nuôi cá bống tượng phải bỏ nghề. Những hộ còn theo đuổi nghề thì chủ động thả thưa, khiến sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Nếu tình hình trên không được cải thiện thì số hộ nuôi cá sẽ tiếp tục giảm, đẩy nghề nuôi cá bống tượng trước nguy cơ lụi dần.

Mở hướng xuất khẩu

Nghề nuôi cá bống tượng hình thành ở Cà Mau từ năm 2000 và phát triển nhanh vài năm trở lại đây với gần 3.000 hộ nuôi, mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 1 tấn cá thương phẩm. Ông Trương Huỳnh Lãm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết toàn xã hiện có trên 1.200 hộ nuôi cá bống tượng, cá chình với trên 2.000 ao. Cũng nhờ nghề này mà người dân có thu nhập khá, đời sống ngày càng nâng lên. “Thế nhưng gần đây, nhiều hộ bị thua lỗ nặng do cá bống tượng liên tục rớt giá. Một số hộ cầm cự neo lại thì chi phí tăng, rủi ro cao vì ô nhiễm nguồn nước hoặc dịch bệnh”, ông Lãm nói.

Hiện nay, con cá bống tượng ở Cà Mau vẫn chưa tìm được lối ra, chính quyền địa phương thì chỉ dừng lại ở việc vận động người dân cố gắng duy trì nghề nuôi, không nên phát triển nuôi tự phát, đồng thời khuyến khích nông dân nuôi trồng đa cây, đa con. Ông Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau, khuyến cáo nông dân không nên mở rộng quy mô nuôi cá bống tượng vì phải đầu tư vốn lớn, khi gặp rủi ro, nông dân sẽ là người chịu thiệt. Về lâu dài, cần quy hoạch vùng nuôi hợp lý, thành lập CLB, HTX để tập huấn quy trình, kỹ thuật nuôi, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho con cá bống tượng. Bên cạnh đó, nông dân nên nuôi cá theo quy mô hộ gia đình, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, hạn chế mua cá mồi để giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết cá bống tượng là loại cá được quy hoạch phát triển chung với kinh tế thủy sản. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 7.000 hộ nuôi với số lượng 10.000 ao. Tuy nhiên, đây là loại cá quý, giá đắt, không phù hợp với túi tiền của người thu nhập trung bình, tiêu thụ chậm nên được quy hoạch xuất khẩu. Do đó chính quyền địa phương vẫn khuyến khích bà con tổ chức nuôi cá, trước mắt là tiêu thụ tại chỗ, kế đến là giao cho một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu.

Chí Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.