Chế tạo thành công vắc-xin chống cúm gia cầm mới

27/12/2005 00:13 GMT+7

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm qua tuyên bố các nhà khoa học nước này đã chế tạo thành công một loại vắc-xin ngừa cúm gia cầm mới, có hiệu quả hơn hẳn những loại vắc-xin đang được sử dụng phổ biến hiện nay.

Như vậy, sau 4 năm nghiên cứu, nhóm khoa học gia của Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân (Hắc Long Giang) đã điều chế thành công vắc-xin sống chống cúm gia cầm đầu tiên trên thế giới với phương pháp sử dụng tiện lợi và đơn giản hơn nhiều. Thay vì phải tiêm cho từng con như trước đây, chủ trang trại có thể cho gà uống, hoặc phun bằng đường mũi hoặc phun thẳng lên gia cầm. Các phương pháp áp dụng hàng loạt trên không chỉ giúp giảm chi phí lao động một cách rõ rệt mà còn tăng cường sự miễn dịch ở gia cầm. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm cho thấy vắc-xin mới cũng có thể bảo vệ động vật có vú như chuột không bị nhiễm vi-rút H5N1. Phát hiện trên làm lóe lên hy vọng có thể tìm ra được một loại vắc-xin khác chữa trị cúm gia cầm hiệu quả cho người. Giá thành cũng rẻ hơn do chi phí sản xuất chỉ bằng 1/5 các loại vắc-xin đang bày bán trên thị trường.

Chính phủ Trung Quốc đã thông qua việc điều chế 1 tỉ liều vào cuối tháng này và sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2006. Có thể nói nước này khá thành công trong việc khống chế cúm gia cầm lây lan bằng việc áp dụng phương pháp tiêm vắc-xin, vốn còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học do lo sợ vi-rút cúm lờn thuốc. Hiện Trung Quốc đã đi được khoảng nửa đường trong kế hoạch tiêm vắc-xin cho toàn bộ đàn gia cầm (14 tỉ con) của nước này. Kết quả là chỉ có 1 trường hợp bùng phát cúm trong tháng 12. Đến thời điểm hiện nay, 30/31 khu vực dịch bệnh đã ra khỏi danh sách bị cô lập.

Bên cạnh khả năng ngăn ngừa và khống chế hiệu quả cúm gia cầm, vắc-xin mới có thể đề kháng tốt với bệnh Newcastle, hay còn gọi là bệnh dịch tả gà. Trong khi hầu như ai cũng hiểu rõ tác hại kinh khủng của cúm gia cầm, bệnh Newcastle cũng là một "hung thần" tàn sát gia cầm tại nhiều nước trên thế giới. Hồi tháng 9 năm nay, ít nhất 56.700 gia cầm tại Trung Quốc đã bị chết do dính bệnh Newcastle. (BBC, CD, AFP)

Thuỵ Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.