Thời xưa gió thổi về

11/12/2004 21:57 GMT+7

Một chiều bỗng dưng tôi nảy ra ý định trèo lên Ngũ Hành Sơn. Con đường dốc quanh co hơn một trăm năm mươi bậc đá. Tôi đã từng đến bao lần, từng tựa vào vách núi bên Vọng Hải đài nhìn ra ngoài kia biển cả mênh mông vô hồi những con sóng, vô hồi những tháng ngày.

Đứng bên Vọng Hải đài, tuồng như chỉ mỗi cái cửa đá này là gió thổi tung bay rõ tiếng nhất. Gió chen nhau từng luồng, từng ngọn, dào dạt thổi qua, ném tung những chiếc lá lượn lờ mất hút về phía vô biên. Chỗ này đây, hơn nửa thế kỷ trước thi sĩ Phạm Hầu đã từng đi qua. Rồi không hiểu ông nghe từ gió, từ cây lá kia nói những gì mà thơ ông nhuốm một nỗi buồn hờn trách núi: "Cái cây thi sĩ vô tình đã. Rơi những tờ thư lá bẽ bàng". Trời đất ! Cây cối mà còn làm thi sĩ, huống là người, người đứng trước mênh mông biển, trước chon von núi lõa xõa mây bay thoắt ẩn thoắt hiện như muốn xóa bỏ đi cái thực tại để được tan vào hư không.

Tiếng vọng của gió chừng như đang mơ hồ bài thơ của Phạm thi sĩ. Bắt chước người xưa tôi cũng thử: "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai". Hỏi một câu hỏi hư vô cho ngàn gió thổi, cho núi non càng thêm chót vót nỗi cô đơn, cho biển mênh mông, càng thêm nỗi nghìn trùng. Đứng trên Ngũ Hành Sơn nghe gió vọng qua chưa bao giờ cạn tiếng, dư ba ấy liệu có tiếng người xưa bay về ?

Không biết tự bao giờ mọc ra lắm lắm những câu thơ, nào chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Cũng có thể người lãng du tức cảnh sinh tình, cũng có thể là lời tỏ tình muốn nhờ núi ngàn năm làm nhân chứng. Tôi chợt nhớ đến vùng Quảng Ninh đất Bắc, nơi vách núi Truyền Đăng còn lưu lại bút tích bài thơ chữ Hán bất hủ của vua Lê Thánh Tông. Từ bài thơ huyền thoại đó, núi được thay tên đổi họ thành núi Bài Thơ. Rồi trên đường mở đất phương Nam hơn năm trăm năm về trước, cũng chính ông vua thi sĩ ấy, trong một lần dừng chân phía nam đèo Hải Vân, hướng đôi mắt về phía vịnh Đồng Long (ngày nay là Đà Nẵng), đã ngẫu hứng cất lên:

"Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt

Ngũ cố phong canh Lộ Hạc thuyền

(Đêm khuya trăng rọi Đồng Long

Thuyền buôn Lộ Hạc chập chừng gió khua)"

Không hiểu tên gọi Đồng Long trong bài thơ của vua Lê có tương quan nào đến truyền thuyết về con rồng biển ở xứ sở Ngũ Hành Sơn này không ? Có điều chắc chắn rằng, đây là bài thơ xưa nhất viết về vùng đất Đà Nẵng, rộng ra là cả vùng đất Quảng mênh mông trải dài tít tắp phương Nam. Từ cái Đồng Long xa xưa mịt mù lau lách, lưa thưa đôi chiếc thuyền buôn Lộ Hạc cho đến bây giờ ai nhớ ai quên. Dường như khi đối diện với sự lặng lẽ thâm nghiêm của núi non đất trời, ta dễ chừng nghe được lao xao gió mang hồn nước thổi về. Cái thời khắc uy linh trầm hùng đó, huyết quản bùng lên một cảm xúc vừa mạnh mẽ, vừa sâu lắng một tình yêu đất nước quê hương.

Tôi lại hình dung chiếc thuyền mong manh chở Chu Thần - Cao Bá Quát trên đường hiệu lực đăng trình đã dừng lại vùng biển này. Đó là vào năm 1841, từ bến bờ này, ông viết bài thơ: "Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thúc" (Hành trình trên biển Đà Nẵng, viết mấy lời từ biệt người thân). Và vẫn tiếng gió lẫn vào vách đá ấy lại vang vang: "Đà dương dao vọng nhật đông biên…". Câu thơ đầu trong bài thơ, rất có thể, chỉ là một sự phối ngẫu, vào một sớm mai nào đó trên bờ biển Đà Nẵng, thi sĩ đứng ngắm nhìn về biển Đông rồi tức cảnh sinh tình hoặc muốn gửi lời lại cho những người thân. Nhưng sao tôi muốn tin có một tương quan nào đó giữa thế giới và con người, giữa tiếng nói của sự vật mách bảo cùng trái tim thi sĩ. Thế giới, cảnh quan, sự vật quanh ta có là tha thể hay không mà dậy trong ta lắm nỗi niềm, hay người xưa, người có trở về ?

Bước chân xuống núi rồi mà tiếng oai linh lẫn trong lời gió lá cứ gờn gợn trong tôi một nỗi u hoài trước ngàn cơn gió thổi.

Nguyễn Nhã Tiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.