Những người trẻ... trèo cao!

16/12/2006 14:50 GMT+7

“Chiếc tương lai (Future) của cậu đâu? Sao lại đi xe buýt thế này?". "Tương lai về với quá khứ rồi"… Phải đi xe buýt đến trường, Minh Hoàng (SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) ngậm ngùi kể về sự "ra đi" của chiếc xe máy trị giá gần 15 triệu đồng. Minh Hoàng bộc bạch: "Tớ bán xe lấy tiền định làm ăn, nhưng bây giờ thì… banh hết rồi".

Bầu trời nhỏ bé trong mắt... ếch

"Hey, tớ định mở công ty, các cậu muốn tham gia không?". "Cậu định kinh doanh lĩnh vực gì?". "Chưa biết. Đang suy nghĩ" (?)... Thích ngồi đồng ở quán cà phê, thỉnh thoảng vác theo laptop để chat online hoặc chơi game, nhưng câu nói cửa miệng của Tuấn Kiệt (cựu SV Trường ĐH Marketing TP.HCM) thường là "mở công ty" khi có ai hỏi về dự định sắp tới. Nhà khá giả, Kiệt nhìn những sinh viên tất bật làm thêm hoặc nỗ lực gõ cửa các doanh nghiệp để xin việc làm sau khi ra đường bằng... nửa con mắt. Anh chàng bĩu môi: "Trong thời đại hội nhập quốc tế này, phải làm chủ mới thể hiện được bản lĩnh, chứ làm công biết khi nào mới khá nổi". Nói vậy, nhưng khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh thì anh chàng ậm ờ: "Tớ đang tính!".

Nhã Quỳnh (SV Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2) có vẻ khá hơn. Dù chưa một lần làm quen với thương trường, nhưng với thành tích SV giỏi hai năm liền, Quỳnh tự tin mình sẽ thành công trong vai trò chủ shop hoa tươi. "Cậu nên đi làm thêm bán hàng, tiếp thị... để học hỏi kinh nghiệm trước đã". Lời khuyên của bạn bè bị Quỳnh phớt lờ, vì "làm công ai làm chẳng được". Biết chắc gia đình (ở Đà Nẵng) cũng sẽ phản đối kế hoạch làm ăn của mình, nên để có vốn kinh doanh, Quỳnh xoay sở đủ mọi cách: "mại dô" chiếc Attila và dàn máy vi tính, viết thư cho người bác ruột bên Mỹ nói dối mình đang cần tiền theo học khóa ngoại ngữ đặc biệt, mượn tiền bạn trai... Nhưng ngay khi vừa xông trận, bài toán chi tiêu đã khiến Quỳnh... phát sốt: chỉ riêng tiền thuê mặt bằng đã ngốn hết 24 triệu đồng (do phải đặt cọc trước 6 tháng), số vốn ít ỏi còn lại Quỳnh mua sắm trang thiết bị cần thiết cho cửa hiệu. Shop hoa của Quỳnh có hai nhân viên: cô em họ đảm trách công việc mua hoa về bán và trông tiệm vào buổi sáng (với mức lương 1 triệu đồng/tháng), người còn lại chính là cô chủ. Để quán xuyến việc kinh doanh, hằng ngày Quỳnh tranh thủ... cúp học để có mặt ở tiệm từ 12h trưa đến 19h tối, bữa nào kẹt... đi chơi thì đóng cửa tiệm.

Cũng với lý do "không thích làm chuyện vặt vãnh", nhóm bạn của Minh Hoàng quyết định khởi nghiệp ở vị trí những cậu chủ. Người xin tiền ba mẹ, người chạy khắp nơi vay mượn, người bán những vật dụng có giá trị (do gia đình sắm cho)... Năm cậu học trò quyết định góp vốn mở quán cà phê với mong muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình là ai. Nằm lạc lõng trên đường Nguyễn Kim (Q.10, TP.HCM), quán cà phê H.L được các ông chủ tuổi mực tím "đì - zai" theo phong cách hip hop, lúc nào cũng rần rần tiếng nhạc sôi động. Nhưng khai trương chưa đầy tuần lễ, các cậu chủ đã bất ngờ bị dội gáo nước lạnh khi nhận văn bản cảnh cáo của UBND phường với lý do: kinh doanh gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến những hộ gia đình xung quanh. Quán càng ngày càng đìu hiu vì khách không muốn đến một nơi vừa uống nước vừa phập phồng lo bị giam xe (do không có địa điểm đậu xe)...

Trèo cao té đau!

Không biết tính toán thế nào mà đã gần hai năm sau ngày ra trường, Tuấn Kiệt vẫn tiếp tục chuỗi ngày rảnh rỗi ngồi đồng ở quán cà phê, trong khi bạn bè hầu hết đã tìm được việc làm. Anh chàng nhất quyết không đi xin việc với lý do: "Tớ trót tuyên bố với mọi người về những dự án làm ăn lớn, bây giờ làm nhân viên quèn, nhục lắm". Kiệt cứ ngồi một chỗ, lãng phí thời gian để suy nghĩ chuyện đại sự mà không biết bạn bè đang từng bước tiến về phía trước.

Còn Quỳnh, khi ứng dụng những bài học kinh tế vĩ mô vào việc quản lý shop hoa, bạn phát hiện khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế hình như... xa lắc. Mải suy tính những chuyện to tát, Quỳnh quên mất những chuyện "nhỏ như con thỏ": Cả Quỳnh và cô em họ đều không rành cắm hoa, không biết phải xử lý thế nào với số hoa bán không hết... Thế nên, sau thời gian cầm cự, Quỳnh buộc phải dẹp tiệm vì lỗ vốn. Số tiền đặt cọc thuê nhà không thể lấy lại được, Quỳnh đành cho người khác thuê lại với giá chỉ bằng 1/2 giá thuê ban đầu. Ba tháng làm "bà chủ", Quỳnh làm "bốc hơi" gần 20 triệu đồng, kết quả học tập cũng sút giảm vì thường xuyên cúp học và nợ môn thi.

Nói về thất bại ê chề của mình và nhóm bạn, Hoàng ngậm ngùi: "Lúc bắt đầu kế hoạch làm ăn, cả nhóm không ai dự trù trước những tình huống xấu có thể xảy ra. Vì thế khi gặp trục trặc, cả bọn cứ nháo nhào cả lên. Cãi qua cãi lại, kết quả là... sập tiệm".

Bạn sẽ chẳng khác gì chú ếch nếu chỉ ngồi một chỗ, không bước ra thế giới bên ngoài cọ xát với thực tế. Muốn câu cá lớn, người thợ câu phải có chiếc thuyền to và cần câu chắc chắn. Bạn muốn làm chuyện lớn? Hãy trang bị cho mình những "đồ nghề" cần thiết: kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống và nên bắt đầu từ những việc vừa sức.

Xuân Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.