Cao mà lo

17/06/2014 03:25 GMT+7

Đúng như dự đoán, kết quả học sinh tốt nghiệp THPT ở các địa phương (tính đến chiều tối hôm qua) phần lớn cao hơn năm trước, đặc biệt ở hệ giáo dục thường xuyên. Không bất ngờ vì những thay đổi ở kỳ thi năm nay chắc chắn dẫn đến kết quả này.

Đúng như dự đoán, kết quả học sinh tốt nghiệp THPT ở các địa phương (tính đến chiều tối hôm qua) phần lớn cao hơn năm trước, đặc biệt ở hệ giáo dục thường xuyên. Không bất ngờ vì những thay đổi ở kỳ thi năm nay chắc chắn dẫn đến kết quả này.

Lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương nhìn nhận năm nay các thí sinh làm bài thi tốt. Tỷ lệ thí sinh có điểm thi trên trung bình ở các môn đều cao. Lý giải kết quả này, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cho rằng do có 2 môn tự chọn, thí sinh được chọn môn thi theo sở trường nên dễ đạt kết quả cao. Từ 6 môn thi bắt buộc nay chỉ còn 4 môn (trong đó có 2 môn tự chọn) là một thuận lợi rất lớn cho học sinh. Có nhiều thí sinh, trong 4 môn thi đã có 3 môn của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới. Vì thế, không ngạc nhiên khi kết quả năm nay cao hơn năm trước. Cho đến khi chúng tôi viết bài này, chưa địa phương nào có tỷ lệ dưới 96%, phần lớn đều trên 99% và cũng ít xảy ra tình trạng nhiều điểm liệt như các năm trước.

Đâu đó vẫn còn những “nhân tố” khác giúp đẩy tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao. Chẳng hạn vẫn còn một số hội đồng thi thu tiền của phụ huynh để phục vụ hội đồng thi tới 300.000 đồng/học sinh. Nhiều hội đồng thi tổ chức coi thi lỏng lẻo, để thí sinh thoải mái trao đổi với nhau trong giờ thi…

Trước những gì đang diễn ra, không tự nhiên khi có ý kiến cho rằng ở một mặt nào đó kỳ thi tốt nghiệp THPT còn nhẹ hơn cả các kỳ thi lớp 10 tại nhiều địa phương. Cũng không phải ngẫu nhiên mà năm nào dư luận cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của kỳ thi này.

Năm nào lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng lý giải rằng mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải để đánh trượt mà là đánh giá xem học sinh có đủ năng lực và trình độ học vấn phổ thông hay không. Vì thế, không đặt ra vấn đề đỗ bao nhiêu phần trăm.

Đành rằng đây không phải là kỳ thi tuyển nên không đặt nặng chuyện đậu hay rớt. Và thật ra không kỳ thi nào xem trọng vấn đề này. Tùy vào mục tiêu, các kỳ thi đều mong muốn chọn được người phù hợp, đủ năng lực, đạt trình độ. Còn thực chất trình độ, năng lực của gần 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT như thế nào chắc chắn xã hội đã nhận thấy rõ. Nếu họ hài lòng, chưa chắc đã phản ứng mạnh mẽ như vậy trước tỷ lệ tốt nghiệp quá cao, điều mà bình thường lẽ ra phải hãnh diện.

Nếu xem tỷ lệ tốt nghiệp đáng tin cậy thì tại sao năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM không xem việc các trường có 100% học sinh tốt nghiệp là điều duy nhất thể hiện chất lượng đào tạo của trường, mà phải chuyển sang phương thức đánh giá khác? Theo đó, từ năm nay sở này sẽ đánh giá các trường thông qua hiệu suất đào tạo thay vì dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp.

Định hướng phát triển giáo dục VN sau năm 2015 sẽ tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề, CĐ và ĐH. Như vậy, chưa có khả năng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Giảm các kỳ thi là cần thiết nhưng nếu vẫn giữ kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay thì sẽ là thảm họa nếu dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.