Gánh nặng từ các khu công nghiệp quy hoạch tràn lan

03/01/2014 10:15 GMT+7

Hàng ngàn ha đất bị bỏ hoang, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thiếu vốn đầu tư... là hậu quả của việc chạy đua quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tràn lan ở ĐBSCL thời gian qua.

Gánh nặng từ các khu công nghiệp quy hoạch tràn lan
Giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại KCN Trà Nóc (TP.Cần Thơ). Ảnh: Lập Vũ

Điểm nóng ô nhiễm

Hiện ĐBSCL có 120 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch, xây dựng với diện tích hơn 26.500 ha. Theo định hướng đến năm 2020, toàn vùng sẽ có khoảng 240 KCN, CCN, tương đương với diện tích 50.000 ha… Theo một số chuyên gia, số lượng KCN, CCN tăng liên tục thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết bài toán về phát triển kinh tế. Thế nhưng, ĐBSCL đang phải đối mặt với những tác động môi trường tiêu cực từ quá trình hoạt động các KCN, CCN như: ô nhiễm môi trường nước, không khí và chất thải rắn… Báo cáo về quản lý môi trường tại các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy hiện có khoảng 75% KCN và 85% CCN trong vùng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Mỗi năm, những doanh nghiệp trong các KCN, CCN xả thẳng ra môi trường 47 triệu lít nước thải và 220.000 tấn chất thải rắn. Đây là tác nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các đô thị.

Ông Phạm Đình Đôn, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Tây Nam bộ, cho biết: “Việc bảo vệ môi trường chưa được thực hiện tốt là do các tỉnh, thành phát triển KCN, CCN không theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, những dự án có trình độ công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tiếp tục được đưa vào sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường kéo dài”.

Áp lực thu hút đầu tư

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, đến nay vùng ĐBSCL có 50 KCN được thành lập với tổng diện tích 11.795 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy chỉ 37%. Tỷ lệ này tương đối thấp so với mức trung bình của cả nước là 57%. Số KCN đã được lấp đầy nằm rải rác ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ. Số còn lại đang trong tình trạng quy hoạch treo, dự án treo hoặc triển khai ì ạch, không giải phóng được mặt bằng nên rất khó thu hút nhà đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Điều đáng quan tâm là nhiều KCN, CCN đã chiếm diện tích đất biền (đất tốt) ven sông Tiền, sông Hậu nhiều năm qua nhưng tiến độ thi công chậm, dẫn đến lãng phí rất lớn. Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: “Dọc sông Hậu, từ TP.Châu Đốc (An Giang) đến Sóc Trăng là vùng đất màu mỡ nhưng nay phải nhường chỗ cho 22 KCN. Ruộng lúa lấn sâu vào vùng ngập trũng khiến nông dân phải tốn nhiều chi phí phân bón mới có năng suất”.

Tại các diễn đàn về thu hút đầu tư vào ĐBSCL, nhiều chuyên gia nhận định trong khi chiến lược của những công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa nhắm đến vùng ĐBSCL thì chính địa phương cũng chưa thật sự coi trọng vai trò của vốn FDI. Đến nay hầu hết các tỉnh, thành vẫn thiếu định vị, chiến lược, chính sách thu hút FDI. ĐBSCL có nhiều KCN nhưng lại thiếu đất “sạch”. Đặc biệt, khâu quy hoạch vẫn yếu kém, liên kết vùng còn lỏng lẻo. “Ngay cả tại Cần Thơ, khi hỏi về thu hút FDI, các vị lãnh đạo cũng không rõ lắm, chúng tôi không biết cụ thể định hướng nào, ngành nào, chiến lược ra làm sao?”, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, thắc mắc. Để từng bước giải quyết vướng mắc trên, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đề xuất: “Vấn đề này cần được quy hoạch lại trong mối liên kết giữa các địa phương vùng ĐBSCL, phải có “nhạc trưởng” cầm trịch, lựa chọn vùng đất phù hợp, hạn chế tối đa lấy đất nông nghiệp tốt làm công nghiệp”.

Lập Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.