Bệnh lý thần kinh do giun chó, mèo

23/08/2013 03:15 GMT+7

Đau đầu dài ngày, điều trị không hết khiến người bệnh lo ngại, nghĩ về những chứng bệnh hiểm nghèo. Nhưng ít người biết, đau đầu còn có thể do nhiễm giun từ chó, mèo.

Đau đầu dài ngày, điều trị không hết khiến người bệnh lo ngại, nghĩ về những chứng bệnh hiểm nghèo. Nhưng ít người biết, đau đầu còn có thể do nhiễm giun từ chó, mèo.  

Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mới đây tiếp nhận bệnh nhân L.T.Th (nữ, 21 tuổi, là công nhân may ở Tiền Hải, Thái Bình). Khoảng một tháng trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau đầu vùng đỉnh tăng dần, dùng thuốc giảm đau đỡ ít rồi đau trở lại, kèm sốt nhẹ, không liệt, không co giật. PGS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết chị Th. được chỉ định chụp MRI sọ não kiểm tra. Kết quả cho thấy hình ảnh tổn thương não tại thùy đỉnh phải, có phù não xung quanh.

Bệnh nhân được xạ hình xương nhưng không thấy hình ảnh tập trung hoạt độ phóng xạ bất thường, loại trừ bệnh lý ác tính và tiếp tục được xét nghiệm về ký sinh trùng. Kết quả cho thấy, bệnh nhân có nhiễm giun đũa chó Toxocara canis (dương tính mạnh). Bệnh nhân được xác định đau đầu do tổn thương dây thần kinh trung ương có nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng là giun đũa chó.

Bệnh lý thần kinh do giun chó, mèo 
Cần vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ sau khi chơi đùa với chó mèo - Ảnh: Shutterstock

Bệnh nhân Th. được hội chẩn với Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư và được chuyển sang điều trị tại viện này, được chỉ định sử dụng thuốc chống giun sán đồng thời dùng thuốc chống phù não. 

 

Tuy chưa có số liệu chính xác về tình hình bệnh, nhưng cơ hội lây nhiễm trứng giun đũa chó, mèo vào người tại Việt Nam là rất cao, dẫn đến tình hình bệnh không phải thấp do việc nuôi chó, mèo trong nhà là phổ biến. Một khảo sát tình hình nhiễm giun tròn đường tiêu hóa trong 177 con chó tại một số địa phương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, qua mổ khám tỷ lệ chó nhiễm Toxocara canis chiếm từ 10 - 25% và qua xét nghiệm phân là từ 22,8 - 40%. Ngoài ra, một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP.HCM, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7%.

(Nguồn: Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM)

Sống nhiều năm trong cơ thể người

Giun đũa chó, mèo (Toxocara canis hay Toxocara cati) khi trên vật chủ (sống trong ruột chó, mèo) sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường. Sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng này, do quá trình ăn uống vệ sinh cá nhân không đảm bảo. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương.

Theo Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng TP.HCM, các ấu trùng chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm, sẽ gây tổn thương tại những nơi chúng đến. Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm nhập: gan - sốt, gan to và bị hoại tử, lách to; tại phổi chúng gây triệu chứng hô hấp giống như hen suyễn; nếu xâm nhập hệ thần kinh trung ương, có thể gây sa sút trí tuệ, viêm não - màng não, viêm tủy, viêm mạch máu não, động kinh; tại mắt có thể gây suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù lòa.

Để phòng bệnh do nhiễm giun chó, mèo, hằng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ đúng chỗ. Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống. Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

Nam Sơn

>> Chống đau đầu kinh niên do căng thẳng
>> Mỏ West Desaru đã cho dòng dầu đầu tiên
>> Ngừa đau đầu ở thai phụ
>> Đau đầu chuyện an ninh vệ tinh
>> Cách giảm đau đầu
>> Đối phó cơn đau đầu
>> Đau đầu triền miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.