'Lobby' chính sách

22/08/2013 03:00 GMT+7

Trước nghi vấn của các ĐBQH về “nhóm lợi ích” chi phối quá trình làm luật, ban hành chính sách để trục lợi, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - người chịu trách nhiệm “quản” quá trình thẩm định việc ban hành quy phạm pháp luật tỏ ra khá dè dặt. Ông nói có nghe, nhưng “chưa dám kết luận”.

Có 2 phản ứng khác nhau trước cách trả lời lấp lửng này của ông Cường. Người cho rằng ông Bộ trưởng đã làm chưa hết trách nhiệm, khi không thể có câu trả lời dứt khoát. Người khác nói, với tư cách một chính khách, câu trả lời ấy của ông Cường được hiểu là một lời xác nhận, có sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích.

Thực ra, nếu việc vận động chính sách (theo nghĩa để có lợi cục bộ cho một nhóm tổ chức, cá nhân nào đó) mà “đổ” hết trách nhiệm cho Bộ trưởng Tư pháp thì cũng hơi nặng. Bởi vì, theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng chỉ thẩm định đối với các văn bản quy phạm pháp luật (luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng…), các loại thông tư, thông tư liên tịch của các bộ ban hành thì không. Ngoài ra, nguyên tắc ban hành luật khung, hệ thống luật pháp của chúng ta hiện đang vận hành với quá nhiều văn bản dưới luật cũng khiến cho việc kiểm soát văn bản trở nên khó khăn, “lobby” chính sách ở một góc độ nào đó do vậy cũng trở nên thuận lợi hơn.

Ai cũng hiểu rằng, đằng sau các chính sách của nhà nước (chẳng hạn như bảo hộ công nghiệp ô tô, độc quyền điện, xăng dầu, giá thuốc), luôn có những nhóm người hưởng lợi (các tập đoàn ô tô trong nước, các hãng dược, các doanh nghiệp độc quyền) và những nhóm bị thiệt thòi (người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu...). Có 2 câu chuyện rất điển hình, cho thấy sự vận động chính sách đã không còn xa lạ ở Việt Nam.

Thứ nhất là thị trường ô tô. Bằng việc duy trì chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, các “đại gia” (chủ yếu doanh nghiệp FDI) đã thống lĩnh thị trường ô tô trong nhiều năm, với lớp lớp các đặc quyền về thuế và lệnh cấm nhập khẩu. Sự vận động chính sách ấy có thể sẽ không trở nên quá lộ liễu như vậy, nếu như sau 20 năm viễn cảnh “nền công nghiệp ô tô trong nước” không quá thảm hại đến nỗi, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 2-10% (so với cam kết 30-40%). Trong khi người dân luôn phải chịu giá xe cao gấp 3-5 lần so với các nước. Chuyện thứ hai là vụ Zuellig Pharma Vietnam (ZPV) hồi năm 2005. Nó cho thấy một sức mạnh khuynh đảo của nhóm doanh nghiệp dược nước ngoài với thị trường thuốc nhỏ bé của Việt Nam. Trong nhiều năm, ZPV liên tục nâng giá thuốc, có loại tăng tới 60%/năm. Báo chí đã có công phát hiện ra sự lũng đoạn này, trước khi Bộ Y tế buộc phải rút quyền phân phối thuốc của ZPV một cách “có trật tự”. Không còn sự độc quyền của ZPV, nhưng thị trường thuốc của Việt Nam kể từ sau đó vẫn đang có sự vận hành hết sức khó hiểu.

Môi trường thiếu minh bạch chính là lỗ hổng trong cơ chế để các nhóm lợi ích có thể chi phối chính sách. Chẳng hạn như cơ chế bộ chủ quản đối với các doanh nghiệp, trường học là nguy cơ cho các nhóm lợi ích nằm ngay trong bộ máy. Hoặc quá trình lập chính sách chưa minh bạch (thiếu việc phân tích chính sách, đánh giá tác động tới các nhóm xã hội) cũng có thể tạo cơ hội “đi đêm” của một vài nhóm lợi ích với quan chức. Việc lấp những lỗ hổng này là một phần trách nhiệm của nhà nước trong quá trình hoạch định chính sách.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.