Chờ hậu vận

27/12/2006 00:56 GMT+7

Ngày 1/1/2007 tới này sẽ lại là một dấu mốc đáng ghi nhớ đối với EU, không phải vì kỷ niệm 5 năm ngày đồng euro hiện hữu trong cuộc sống thường nhật của người dân trong EU, mà là ngày EU có thêm 2 thành viên mới là Bulgaria và Romania trong một đợt mở rộng tổ chức gây tranh cãi và làm phân rẽ EU như chưa từng thấy trước đó.

Ở lần kết nạp trước, EU mở cửa đón 10 thành viên mới cho dù cuộc cải tổ về thể chế chưa theo kịp để vận hành có hiệu quả bộ máy hành chính của EU. Hiến pháp chung cho EU chưa được phê chuẩn. Sự đảm bảo về tài chính cho EU mới chỉ có trên giấy. Trong bối cảnh đó, không phải tất cả các thành viên EU đều cùng quan điểm cho rằng Bulgaria và Romania đã “đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để được tham gia EU". Bởi thế, quyết định kết nạp hai nước này trước hết và hiện tại vẫn là quyết định chính trị đối với EU. EU không thể không tiếp tục quy tụ tất cả các nước ở châu u và phải chấp nhận trả giá hiện tại, trông chờ vào hậu vận phát triển và liên kết ở các thành viên mới.

So với các thành viên cũ của EU, hai thành viên mới này còn lạc hậu về kinh tế, tụt hậu về luật pháp, còn phải đối phó với những vấn đề lớn như tham nhũng, tội phạm và môi trường, hay nói cách khác, sẽ còn là gánh nặng về kinh tế và tài chính đối với EU trong thời gian tới. Nhưng thâu tóm Đông u xưa là sứ mệnh chính trị lớn đối với EU. Rồi còn các nước trên bán đảo Balkan thuộc Nam Tư cũ. Rồi còn Thổ Nhĩ Kỳ. Rồi còn đồng hành với quá trình mở rộng NATO. Họ là thị trường, là khu vực ảnh hưởng mà sự gắn kết về lịch sử và văn hóa đủ để EU có thể phát huy vai trò hơn bất cứ đối tác nào khác, cho nên về lâu dài cái lợi đối với EU lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả hiện tại. Hơn nữa, thêm hai thành viên non yếu về nhiều phương diện này sẽ làm tăng áp lực thôi thúc EU hoàn tất cuộc cải tổ về thể chế mà nếu không chưa biết khi nào mới kết thúc. Chấp nhận tiền vận để chờ hậu vận đâu phải là vô cớ?

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.