Sự ràng buộc hữu hình

24/12/2009 00:21 GMT+7

Với sự chấp thuận của phía Đức và tới đây của phía Phần Lan, Nga có được gần như tất cả điều kiện cần thiết để có thể khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga đi ngầm qua biển Baltic sang tới Đức và từ đó chuyển tiếp tới các nước Tây u khác.

Dự án này được Nga và Đức thỏa thuận từ cách đây 6 năm, có tên gọi là Nord Stream. Nó ra đời còn sớm hơn cả dự án South Stream của Nga và dự án Nabucco của EU.

Cả South Stream lẫn Nord Stream của Nga đều không phải quá cảnh qua bất cứ quốc gia nào hay khu vực lãnh thổ nào có quan hệ trục trặc với Nga và đều nhằm hướng về thị trường Tây u. Còn Nabucco là hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Trung Á sang Tây u không đi qua lãnh thổ Nga. Cái nghịch lý thú vị chính ở chỗ đó. EU muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào cung ứng khí đốt từ Nga thì một số thành viên EU lại hợp tác với Nga xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt mới từ Nga không đi qua những nước vốn gây khó dễ cho Nga là Ukraine hay Ba Lan. Với hai tuyến đường ống dẫn khí đốt mới này, Nga đã tạo nên tương quan lực lượng mới trong vấn đề an ninh năng lượng ở châu u. Trên thực tế, EU vẫn phụ thuộc như trước vào cung ứng khí đốt từ Nga, nhưng một số thành viên EU đã ràng buộc được Nga vào việc đảm bảo cung ứng khí đốt cho mình, không phải bằng cam kết chính trị hay hiệp ước mới, mà bằng chính hiệu quả kinh tế của tuyến đường ống dẫn khí đốt mới.

Sự trì trệ của EU với dự án Nabucco đã tạo tiền đề thuận lợi cho Nga với hai dự án mới. Sự lo toan tới nhu cầu riêng về đảm bảo an ninh năng lượng của nhiều thành viên EU đã đưa lại tính khả thi cho hai dự án mới này. Khí đốt không chỉ là một mặt hàng xuất khẩu có giá, mà còn có thể là vũ khí đắc dụng của Nga trong quan hệ với EU. Sự ràng buộc hữu hình nói trên tiếp tục khoét sâu rạn nứt trong nội bộ EU về phương diện quan hệ với Nga và ngày càng làm cho dự án Nabucco mất tác dụng.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.