Bệnh tê yếu rồi liệt tay chân

17/12/2007 22:16 GMT+7

Dị dạng mạch máu tủy là bệnh xảy ra do có sự rối loạn trong quá trình phát triển mạch máu thời kỳ bào thai. Bệnh có thể tiến triển âm thầm, không biểu hiện triệu chứng. Có thể dẫn đến liệt đột ngột Theo bác sĩ Trần Chí Cường - khoa Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y Dược, TP.HCM): "Dị dạng mạch máu tủy là bệnh xảy ra do sự rối loạn trong quá trình phát triển của mạch máu ở thời kỳ còn là bào thai.

Bệnh này có thể âm thầm tiến triển, không biểu hiện triệu chứng trong một thời gian dài, cho đến khi các mạch máu căng giãn quá mức chèn ép vào tủy và các dây thần kinh hoặc có thể vỡ ra gây xuất huyết tủy sống".

Dị dạng mạch máu tủy thường có những biểu hiện: có thể do khối dị dạng chèn ép hay do khối dị dạng vỡ, gây xuất huyết tủy. Tùy theo vị trí của thương tổn mà biểu hiện triệu chứng sẽ khác nhau. Nếu khối dị dạng nằm ở tủy cổ, thì bệnh nhân có thể bị tê yếu tay, chân, sau đó có thể dẫn đến liệt tay chân, ngưng thở và dẫn tới tử vong - nếu không được điều trị kịp thời. Nếu khối dị dạng nằm ở vùng tủy sống ngực hay thắt lưng, triệu chứng hay gặp là tê yếu hai chân từ từ sau đó teo cơ hai chân, người bệnh không đi lại được, rồi liệt cả hai chân, rối loạn tiểu tiện (tiêu tiểu không tự chủ). Đặc biệt, loại bệnh này thường không gây đau hoặc đau rất ít. Tuy nhiên, trong trường hợp khối dị dạng vỡ, bệnh nhân có thể đau và triệu chứng liệt thường diễn tiến đột ngột nhanh chóng.

Bước đầu triển khai điều trị    

Ngày 10.12 vừa qua, các giáo sư đến từ Bệnh viện Ramathibodi (thuộc Đại học Mahidol, Thái Lan) đã hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) thực hiện kỹ thuật chữa trị dị dạng mạch máu tủy cho bệnh nhân. Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ luồn các ống nhỏ từ động mạch đùi đi đến khối dị dạng mạch máu tủy, sau đó làm bít tắc khối dị dạng, làm xẹp khối dị dạng, ngăn chặn khối dị dạng vỡ. Kỹ thuật này không để lại sẹo, bệnh nhân xuất viện sau 48 giờ.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để xác định được bệnh nhân có bị chèn ép hay thương tổn tủy, chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương tiện giúp chẩn đoán bệnh dị dạng mạch máu tủy và cũng giúp xác định các bệnh khác của tủy sống. Khi chụp cộng hưởng từ thấy có dị dạng mạch máu tủy, muốn xác định chính xác vị trí của khối dị dạng, bệnh nhân phải được chụp mạch máu tủy DSA. Đây là phương pháp không thể thiếu để đánh giá toàn diện thương tổn trước khi điều trị cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, việc điều trị dị dạng mạch máu tủy là rất cần thiết, vì nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị tàn phế hay tử vong do bệnh đi đến giai đoạn cuối làm vỡ dị dạng gây thương tổn tủy, hoặc bị các biến chứng như: nhiễm trùng lở loét do nằm bất động, liệt hai chân, tiêu tiểu không tự chủ... Ngoài ra, người bệnh còn trở thành gánh nặng cho gia đình, vì phải chăm sóc nuôi dưỡng rất tốn thời gian, chi phí.

Điều trị bệnh dị dạng mạch máu tủy là rất khó, tùy vào mức độ của bệnh mà có thể bệnh được chữa khỏi, hay chỉ điều trị được một phần, một số trường hợp không điều trị được. Phẫu thuật bóc dị dạng là phương pháp được thực hiện từ lâu, hiện nay can thiệp nội mạch điều trị dị dạng mạch máu tủy là phương pháp được chọn lựa đầu tiên, vì phương pháp này có thể đem lại hiệu quả cao, an toàn, ít xâm lấn.

Hiện nay kỹ thuật nói trên còn rất mới ở trong nước. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) bước đầu triển khai thực hiện điều trị bệnh lý này, hy vọng sẽ mang lại kết quả tốt cho nhiều bệnh nhân.

Hạ Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.