Xuân vắng ông

30/01/2014 08:55 GMT+7

Một mùa Xuân nữa lại về, trong hương trầm tĩnh lặng, cái se lạnh của tiết trời gợi nhắc tôi nhớ tới những mùa Xuân trước, Xuân có ông…

Nồng ấm tết Việt

 
Xuân sum họp, Tết sum vầy - Ảnh: Nguyễn Tú

Ông nội tôi là một người giản dị, trầm lặng. Nội ít khi nào đi ra ngoài, dường như là không có, trái với một thời trai trẻ chu du trời u, đất Pháp, tuổi trẻ bay lượn khắp trời cao; những năm cuối đời ông lặng lẽ bên ly trà và chiếc ghế, tờ báo và tivi mặc thời gian trôi vụt thoăn thoắt ngoài hiên. Chẳng bao giờ tôi thấy ông rời khỏi nhà, thậm chí ông chưa bao giờ qua nhà hàng xóm đánh cờ, nói chuyện phiếm.

Người già thường hoài cổ, họ nhớ những điều xưa cũ hơn là chuyện bây giờ. Nhưng xui một nỗi rằng, cái tuổi thanh xuân bồng bột sốc nổi của con cháu không hợp với nỗi hoài niệm phủ bụi cũ kĩ của người già. Có lẽ vì thế mà chả đứa nào ngồi nghe ông nó chuyện được hơn 20 phút, tụi nó toàn kiếm cách “chuồn” đâu đó cho khỏi phải nghe câu chuyện cũ rích từ thuở nó chưa đẻ. Nhưng tôi thì khác, tôi thích nghe ông kể, tôi nâng niu quý giá từng câu chuyện như báu vật của riêng mình. Nói không ngoa, chắc tôi là đứa cháu ông thích nói chuyện nhất.

Con cháu lớn lên, lại bị lao vào dòng xoáy cơm áo gạo tiền, trong năm chỉ gặp ông duy nhất dịp Tết, các cô sống tận bên Hà Lan xa xôi quá chẳng về được. Ông chẳng trách một lời, mà còn cho rằng đó là cái máu của họ mình: “Máu của nhà mình là máu đi con ơi. Ông cố mày 20 tuổi đã đi Pháp, làm công kiếm sống. Tao lớn lên đủ lông đủ cánh thì thoát ly vô Nha Trang, xa gia đình tự lập cuộc sống riêng của mình. Ông Sáu mày ra tận Buôn Ma Thuột, bà Bảy mày thì vô Vĩnh Long. Rồi ba mày, cô Lan mày, cô Hạnh mày cũng đi tuốt. Chả trách được, cái máu cả họ vậy rồi”. Bởi vậy không Tết nào là nhà nội tề tụ đủ con cháu. Nhưng “Thây kệ, có nhiêu làm nhiêu”, chẳng Tết nào lại thiếu bữa tiệc Tết thịnh soạn do bà nội làm. Tết là dịp tôi thấy ông rời bỏ chiếc áo thun-quần cộc quen thuộc thay bằng áo sơ mi-quần tây lịch sự, và dịp duy nhất trong năm tôi thấy ông cầm ly rượu thay ly trà.

Nhớ cái Tết năm rồi con cháu quây quần bên ông, nghe ông kể chuyện Tết thiếu thốn thời bao cấp, nghe chuyện thuở nhỏ của ba, của gia đình. Nhớ tràn cười ngất khi nghe thằng em nhỏ chúc Tết ông xong còn bồi thêm “Ông bà đừng quên/Lì xì cho con/Năm mới lấy hên/Con xin cảm ơn ông bà”. Nhớ nhất là đến lúc ông lì xì, nhớ cái hộp bánh bằng thiếc đã hơi gỉ đựng những phong bao đỏ chót làm cho tôi dù là sinh viên đại học rồi, cũng “xin một vé về tuổi thơ” về làm đứa trẻ sướng rơn người khi được lì xì.

Nhưng Tết này nhà không còn hình ảnh ông già ngồi đủng đỉnh nghe con cháu chúc Tết, không còn nụ cười với chiếc răng bọc bạc, hộp thiếc đã thôi kêu những tiếng ê răng để phân phát bao lì xì, đôi kính lão đã nằm yên trên ván gỗ. Ông đã ra đi, đột ngột, nhưng nhẹ nhàng. Ông mất sau hai ngày nằm bệnh, như tâm nguyện ông hằng muốn “Sống khỏe chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc”

Tết này sẽ khác, tụi con sẽ quây quần không để nghe ông kể chuyện nữa, mà để nhắc nhau nhớ một người ông đáng kính. Nội ơi, chắc rằng sẽ có người khóc nức nở vì tiếc ngày xưa không chịu ngồi nghe ông kể chuyện, để bây giờ ngậm ngùi "Giá như ngày trước…".

Lê Tuấn Tài*

* Bài viết thể hiện văn phong và cảm xúc của tác giả, một sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM 

>> Tết sum vầy
>> Sum họp đêm 30
>> Xuân sum họp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.