Nhà Trắng những ngày khủng hoảng tên lửa

08/12/2004 14:48 GMT+7

Cuối năm 1961, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy thông qua "Chiến dịch Mongoose" nhằm loại bỏ Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Lúc này, nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev - bực mình vì Mỹ triển khai tên lửa Jupiter ở Thổ Nhĩ Kỳ - quyết định bảo vệ Fidel và tái lập thế cân bằng quân sự bằng cách triển khai tên lửa tấn công gắn đầu đạn hạt nhân đến Cuba. Kế hoạch của hai người đứng đầu hai cực trong chiến tranh lạnh đã đẩy thế giới đến trước bờ vực của cuộc chiến tranh hạt nhân. Hơn 40 năm sau, những tình tiết diễn ra ở Nhà Trắng trong những tháng ngày nóng bỏng của "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba" mới được tiết lộ.

Thứ ba, ngày 16/10/1962

Đang ăn tối, Cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy chết sững khi nhận được tin báo: Ảnh do máy bay do thám U-2 chụp được xác định Cuba đang triển khai xây dựng các bệ phóng tên lửa. Sợ làm mất giấc ngủ của tổng thống, sáng hôm sau Bundy mới báo cáo ngắn gọn. John F.Kennedy - vẫn trong bộ pijama, nhảy dựng lên: "Hắn ta (Khrushchev) không thể làm như vậy được". Rồi rít tên từng người trong Hội đồng An ninh quốc gia, Kennedy triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong buổi sáng hôm đó sau khi bàn bạc với người em chưởng lý Robert Kennedy.

Cuối buổi sáng, các cố vấn an ninh dồn hết vào phòng Nội các. Sự căng thẳng thể hiện trên mặt từng người. Kennedy nhìn đau đáu vào số ảnh chụp được từ chiếc U-2 và khi các cộng sự yên vị, ông bật nút bí mật ghi âm cuộc họp. Phó giám đốc CIA - Marshall Carter mở đầu phiên họp một cách ngắn gọn, thông báo cho các đồng sự biết những tấm ảnh chụp được chứng tỏ Cuba đang triển khai tên lửa tầm trung ở San Cristabal. "Đó là những tấm ảnh chụp được hôm chủ nhật, thưa các ngài", Carter nói rồi quay sang Lundahl - Giám đốc Trung tâm Phân tích ảnh quốc gia: "Tổng thống muốn xem cận cảnh hơn". Sau đó, Carter chỉ rõ: "Có ít nhất 14 tấm bạt lớn che đậy các công sự bên dưới, ước dài khoảng 67 feet, rộng 9 feet". Rồi chỉ vào những ô nhỏ hình chữ nhật, thầm thì với tổng thống: "Đây là những bệ phóng tên lửa, thưa ngài".

Cả phòng Bầu dục im lặng đến vài phút. Carter và Lundahl tiếp tục tập trung vào những chi tiết trên ảnh. Bất chợt Kennedy cắt ngang: "Làm sao các ông biết đây là hỏa tiễn tầm trung?".

"Độ dài, thưa ngài", Lundahl trả lời.

"Độ dài hỏa tiễn?" - Kennedy tiếp tục hỏi - "Phần nào?".

"Ông Graybeal" - Lundahl quay sang chuyên gia tên lửa của Ngũ Giác đài.

"Trước đây chúng ta cũng đã có những tấm ảnh chụp các thiết bị tương tự khi quân đội Xô Viết duyệt binh ở Moscow". Nói xong, Graybeal trình cho Kennedy xem một số ảnh chụp lễ duyệt binh nhân ngày Quốc tế lao động ở Quảng trường đỏ, nhưng Kennedy nhanh chóng trở về với thực tại: Cuba.

"Chúng có thể khai hỏa ngay bây giờ chưa?" - Kennedy hỏi.

"Chưa, thưa ngài !" - Graybeal đáp.

"Bao lâu thì... chúng ta không thể nói như vậy được, liệu chúng ta có thể... Còn bao lâu thì chúng khai hỏa được?".

"Không rõ, thưa ngài" - Graybeal cắt ngang câu hỏi của Kennedy.

Sáng thứ sáu, ngày 19/10

Trước tình hình căng thẳng như vậy, Kennedy quyết định triệu tập Hội đồng Chỉ huy liên quân. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara vào phòng họp, bàn về khả năng leo thang đối đầu nhanh nhất có thể. Kennedy đi vào vấn đề: "Chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân chính khiến người Nga hành động như vậy", và ông cho biết nếu Mỹ không có hành động gì để đáp trả "nước cờ nguy hiểm nhưng hữu dụng” này thì Liên Xô có thể sẽ dấn tới xây dựng căn cứ quân sự, gây sức ép, và như vậy thanh danh nước Mỹ sẽ bị tổn hại trên trường quốc tế.

Kennedy cảnh báo: "Nếu chúng ta tiến chiếm Cuba, chắc chắn Liên Xô sẽ có nguyên do rất chính đáng để tiến chiếm Berlin. Và lúc đó, do đồng minh NATO cách Cuba cả chục ngàn cây số nên chắc chắn họ sẽ ưu tiên số 1 cho việc phòng thủ chính mình".

"Không kích các vị trí triển khai tên lửa có thể dẫn đến khả năng Liên Xô tiến chiếm Berlin" - Kennedy nói - "Điều đó có nghĩa chúng ta chỉ còn một sự chọn lựa chết tiệt là sử dụng vũ khí hạt nhân, và bắt đầu cuộc chiến tranh nguyên tử".

Và Kennedy quyết định đáp trả kế hoạch triển khai hỏa tiễn của Liên Xô tại Cuba bằng chiến dịch phong tỏa đường biển.

Tư lệnh không quân LeMay nhảy dựng lên trước quyết định của tổng thống.

(còn tiếp)
Lê Huỳnh Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.