Đế chế lụi tàn

05/05/2014 03:00 GMT+7

Việc thương hiệu Nokia có thể sớm bị khai tử trong mảng điện thoại di động thông minh không chỉ là sự tiếc nuối với người dùng mà còn là bài học về hậu quả của sự bảo thủ.

Việc thương hiệu Nokia có thể sớm bị khai tử trong mảng điện thoại di động thông minh không chỉ là sự tiếc nuối với người dùng mà còn là bài học về hậu quả của sự bảo thủ.

Đế chế lụi tàn
Nokia đã hoàn thành việc chuyển giao mảng thiết bị đầu cuối cho Microsoft - Ảnh: Reuters 

Cuối tháng 4, Nokia (Phần Lan) chính thức hoàn thành quá trình chuyển giao mảng điện thoại di động (ĐTDĐ) cho “người khổng lồ” Microsoft (Mỹ), theo một thỏa thuận trị giá 7,52 tỉ USD giữa hai bên từ cách đây hơn 8 tháng.  

Từ đỉnh cao

Ra đời vào năm 1865 và bắt đầu bằng lĩnh vực chế biến gỗ rồi dần dần lấn sang mảng công nghệ viễn thông, Nokia chính thức ra mắt chiếc ĐTDĐ đầu tiên vào năm 1981. Kể từ đó, hãng này dần trở thành một người khổng lồ đúng nghĩa của ngành viễn thông, đặc biệt là ĐTDĐ. Trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Nokia liên tục dẫn đầu thị phần ĐTDĐ toàn cầu. Một số model như Nokia 1100, 3310, 8210... trở thành những mẫu bán chạy nhất toàn cầu, thậm chí Nokia 1100 từng đạt doanh số hơn 200 triệu máy.

 

Lâu nay, người Việt Nam mua ĐTDĐ Nokia vì “cái tên” Nokia. Họ vẫn thích, vẫn còn tin Nokia dù hãng này đã tụt hậu trong việc phát triển smartphone suốt một thời gian dài so với các đối thủ

Ông Mai Triều Nguyên,
TGĐ hệ thống bán lẻ Mai Nguyên

Đầu thập niên 2000, Nokia đẩy mạnh mảng ĐTDĐ thông minh (smartphone) bằng cách đứng đầu liên danh hậu thuẫn hệ điều hành Symbian. Sau đó, Nokia cũng trở thành thương hiệu số một về smartphone, Symbian bỏ xa những đối thủ như Palm, Windows trong lĩnh vực hệ điều hành của smartphone.

Đến vực sâu

Thế nhưng, kể từ khi Apple tung ra iPhone vào năm 2007 rồi HTC Dream tiên phong dùng hệ điều hành Android một năm sau đó, Nokia dần rơi vào thế khó khăn. Chậm thay đổi, bảo thủ đã khiến Nokia dần giảm thị phần, rồi thua lỗ nặng nề. Ông Đinh Anh Huân, đồng sáng lập hệ thống bán lẻ Thegioididong.com và Dienmay.com, nhận xét: “ĐTDĐ là lĩnh vực thay đổi rất nhanh đặc biệt là smartphone. Thời điểm bùng nổ là khi Apple tung ra smartphone đầu tiên. Lúc đó, Nokia đang đứng đầu thế giới về thị phần di động nhưng đã không nắm bắt được xu hướng dịch chuyển và bùng nổ của smartphone, không thay đổi theo xu hướng Android”.

Cuối cùng, thực tế, Nokia “thua cuộc” và phải bán lại bộ phận sản xuất thiết bị đầu cuối cho Microsoft. Không chỉ vậy, CNET dẫn lời ông Stephen Elop, nguyên Tổng giám đốc Nokia và hiện đứng đầu mảng phần cứng của Microsoft, cho hay: “Tên thương hiệu Nokia sẽ không còn được sử dụng cho smartphone. Chúng tôi đang tìm một tên thương hiệu mới (cho mảng smartphone - NV)”.

Nhận xét về thông tin này, ông Mai Triều Nguyên, Tổng giám đốc hệ thống bán lẻ thiết bị di động Mai Nguyên, cho rằng đó sẽ là một mất mát lớn cho Microsoft trên thị trường Việt Nam, bởi: “Lâu nay, người Việt Nam mua ĐTDĐ Nokia vì “cái tên” Nokia. Họ vẫn thích, vẫn còn tin Nokia dù hãng này đã tụt hậu trong việc phát triển smartphone suốt một thời gian dài so với các đối thủ”.

Như vậy, có thể cái tên Nokia rồi cũng sẽ trở thành dĩ vãng trên thị trường Việt Nam.

Chiến lược mới

Ngày 29.4, tờ The New York Times dẫn thông tin từ Nokia cho hay hãng này sẽ chính thức theo đuổi chính sách mới, khi không còn hiện diện trong lĩnh vực thiết bị đầu cuối của ngành ĐTDĐ. Theo đó, Nokia sẽ tập trung vào mảng hạ tầng mạng di động cốt lõi. Ngoài ra, Nokia cũng đẩy mạnh phát triển về bản đồ kỹ thuật số, mảng nghiên cứu và sở hữu trí tuệ. Cuối tháng 4, Nokia công bố kết quả kinh doanh quý 1/2014 với lợi nhuận đạt 108 triệu euro (khoảng 150 triệu USD), một tín hiệu tích cực so với mức lỗ 98 triệu euro (khoảng 136 triệu USD) của cùng kỳ năm ngoái.

Ngô Minh Trí

>> Nokia vẫn lãi dù doanh số điện thoại giảm đến 30%
>> Nokia sắp tung ra smartphone chuyên về 'tự sướng
>> Mua Nokia, Microsoft tăng 25.000 nhân viên
>> Nokia chính thức 'về tay' Microsoft
>> Nokia sản xuất máy tính bảng trước Apple  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.