Thế mạnh du lịch Hà Tây

09/11/2004 09:33 GMT+7

Năm 2004 đang dần khép lại, hoạt động du lịch trong tỉnh cơ bản đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra, tổng lượng khách ước thực hiện 2.370 ngàn lượt khách, tốc độ tăng bình quân năm là 15,3%; doanh thu ước đạt 280.000 triệu đồng (tăng bình quân năm là 20,3%).

Tỷ trọng của du lịch chiếm trên 13% trong tổng giá trị thu nhập dịch vụ du lịch - thương mại; thu ngân sách chiếm khoảng 5% tổng thu ngân sách của tỉnh.Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4 năm 2002, và định hướng phát triển du lịch thì Hà Tây có vị trí quan trọng với tư cách là điểm du lịch phụ cận Hà Nội, trong tam giác du lịch và kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh của vùng Bắc Bộ, có thế mạnh và thuận lợi phát triển du lịch. Địa bàn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, làng nghề là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch với các sản phẩm đa dạng phong phú, như tham quan di tích lịch sử, lễ hội, làng Việt cổ, nghỉ cuối tuần vui chơi giải trí leo núi, tham quan du lịch làng nghề. Trong chương trình hành động quốc gia về du lịch toàn quốc có 22 khu, điểm du lịch tổng hợp, chuyên đề thì trong đó tỉnh ta có 2 khu du lịch chuyên đề là khu du lịch văn hóa thắng cảnh Hương Sơn và khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Ba Vì - Suối Hai. Bên cạnh đó nhiều địa phương có dày đặc các quần thể di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh, điều này đã khẳng định vị trí quan trọng của du lịch Hà Tây trong chiến lược phát triển du lịch cả nước. Đặc biệt tỉnh ta còn là cửa ngõ thủ đô Hà Nội có nhiều khả năng thu hút một phần lượng khách đến thủ đô thông qua các tuyến quốc lộ 1, 6, 32, mặt khác Hà Nội nơi có gần 4 triệu dân là thị trường lớn của du lịch Hà Tây. Thực tế trong thời gian vừa qua trên địa bàn có các chương trình lớn của Quốc gia được triển khai như khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, Đại học quốc gia, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động du lịch. Năm 2002, cả nước đón được 2,6 triệu lượt khách quốc tế, 12,6 triệu lượt khách nội địa và doanh thu đạt 23,500 tỷ đồng trong đó Hà Tây đón được 98.923 lượt khách quốc tế chiếm 3,8% và 1.665.656 khách nội địa chiếm 15%, doanh thu đạt 180.284 triệu đồng; kết quả trên cho thấy du lịch Hà Tây có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nhấn mạnh trong 5 năm tới tăng cường đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2010 xây dựng các dự án huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế đầu tư tập trung vào các trọng điểm du lịch của tỉnh và các vùng phụ cận. Phát triển mạnh các hình thức du lịch đang có ưu thế du lịch văn hóa, sinh thái, tham quan lễ hội, nghỉ ngơi giải trí cuối tuần; từng bước mở rộng du lịch nước ngoài và các tỉnh… Do vậy trong quy hoạch bổ sung của ngành Du lịch về mục tiêu phát triển du lịch Hà Tây được chú trọng bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với du lịch các tỉnh khác đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh để có được nguồn khách thường xuyên và bền vững. Bởi thời gian qua lượng khách chủ yếu vẫn là khách từ các thị trường truyền thống. Phát triển du lịch bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trước tiên cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành như: Nông nghiệp, Giao thông, Thương mại, Công nghiệp, Bưu điện… Vì vậy đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn về phát triển du lịch trong tất cả các cấp, các ngành, từ đó có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ để đưa việc phát triển du lịch thành nhiệm vụ chung của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi người ở địa phương, có như vậy mới tạo cơ sở thúc đẩy du lịch phát triển và đạt được các mục tiêu đề ra.

Nhận thức rõ tầm quan trọng trên ngành Du lịch đã xây dựng quy hoạch phát triển chiến lược du lịch được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 1996. Vừa qua, trong quá trình thực hiện hội nhập kinh tế thế giới, các mục tiêu đề ra ngành Du lịch đã hoàn thành trước 2 năm, có một số chỉ tiêu, công tác xúc tiến du lịch không phù hợp. Do vậy mới đây ngành Du lịch đã lập bổ sung qui hoạch được UBND tỉnh phê duyệt phù hợp với xu thế phát triển của tỉnh và cả nước. Ngành đã xây dựng định hướng phát triển về thị trường, phương hướng đầu tư, chiến lược marketing… và phát triển sản phẩm chủ yếu, dựa trên các điều kiện tiềm năng, tài nguyên du lịch với các loại hình sản phẩm đặc trưng, đó là du lịch văn hóa với lễ hội chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương… Hiện nay, ngoài lễ hội chùa Hương thu hút quy mô khách trên phạm vi toàn quốc và khách nước ngoài, còn các lễ hội khác nhưng mới dừng ở phạm vi địa phương, du lịch vùng, nên cần phải tập trung xúc tiến quảng bá như một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Mặt khác tăng cường khai thác thế mạnh du lịch làng nghề thủ công truyền thống thu hút khách du lịch và xúc tiến thương mại gắn với xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm làng nghề phục vụ du lịch và đưa sản phẩm làng nghề thành hàng hóa lưu niệm. Tổ chức tham quan di tích văn hóa dựa trên tiềm năng các đặc trưng văn hóa lâu đời của địa phương tạo cơ hội cho du khách khám phá môi trường văn hóa mới, đây là sản phẩm du lịch thu hút khách nước ngoài. Sản phẩm du lịch sinh thái chủ yếu là nghỉ dưỡng có hệ sinh thái phong cảnh đẹp, khí hậu trong lành như: Đồng Mô, Suối Hai, Quan Sơn, rừng nguyên sinh Bằng Tạ… Du lịch thể thao vui chơi giải trí điền dã với các loại hình đa dạng như các chuyến tham quan dã ngoại leo núi có thể phát triển ở khu vực Ba Vì, Hương Sơn, Quan Sơn. Các loại hình thể thao cao cấp như chơi gôn, đua thuyền, dù nước, đua ngựa, tập trung ở khu vực Đồng Mô, Suối Hai. Thị trường du lịch văn hóa hiện chiếm 60% đang phát triển bền vững nhưng hiệu quả kinh doanh thấp nên cần có biện pháp thay đổi chất lượng, tập trung phát triển sản phẩm mới để thu hút khách quốc tế và khách nội địa du khảo văn hóa, du lịch đồng quê, làng nghề… mục tiêu đến năm 2005 giảm tỷ trọng cơ cấu xuống còn 50% và từ năm 2010 trở đi còn 30%. Du lịch thể thao hiện chiếm 5% tổng số khách, nhưng có động lực lớn và khả năng chi tiêu khá cao; kế hoạch đến năm 2010 tập trung mở rộng đa dạng hóa sản phẩm thu hút khách quốc tế đưa tỷ trọng khách chiếm 25%. Du lịch sinh thái hiện chiếm tỷ trọng 20% là loại hình du lịch phát triển theo xu thế thời đại, khách thuộc thị trường này đến các điểm du lịch thiên nhiên, có khả năng chi trả và ý thức trách nhiệm cao, kéo dài ngày lưu trú trung bình, linh hoạt phù hợp với loại hình du lịch sinh thái; mục tiêu từ năm 2010 trở đi đưa thị trường này lên 35%.

Với tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh, ngành Du lịch đang có rất nhiều nỗ lực tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế đối ngoại theo hướng “mở cửa” trong lĩnh vực thương mại và du lịch phấn đấu đạt giá trị thu nhập năm 2005 gấp 1,5 - 2 lần so với năm 2000 và năm 2010 gấp 3 - 4 lần so với năm 2005. Nhằm thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đề ra ngành Du lịch đã chú trọng xúc tiến quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức, các kênh thông tin trong nước và quốc tế giới thiệu về các khu du lịch, sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Tây. Đồng thời tích cực tham gia các hội chợ, hội thi quảng bá giới thiệu sản phẩm để hấp dẫn du khách bốn phương, phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.

(Theo Báo Hà Tây)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.