Trung thực trong thi cử ?

05/06/2014 03:00 GMT+7

Cứ như đến hẹn lại lên, vài năm gần đây, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị kết thúc là có những đoạn phim ghi lại hình ảnh tiêu cực trong các phòng thi. Mỗi năm một địa phương, phòng thi khác nhau nhưng hình ảnh lộn xộn, mất trật tự, thiếu kỷ cương thì na ná nhau.

Cứ như đến hẹn lại lên, vài năm gần đây, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị kết thúc là có những đoạn phim ghi lại hình ảnh tiêu cực trong các phòng thi. Mỗi năm một địa phương, phòng thi khác nhau nhưng hình ảnh lộn xộn, mất trật tự, thiếu kỷ cương thì na ná nhau.

Điều này khiến xã hội càng thêm âu lo, mất niềm tin vào tính công bằng, trung thực ở một kỳ thi mà dư luận luôn đặt câu hỏi có nên tồn tại hay không?

Không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt máy quay ở kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi trên thực tế, rất nhiều địa phương vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực trong kỳ thi này. Bộ GD-ĐT hiểu rõ điều này. Bằng chứng là Bộ có những biện pháp kỹ thuật như cho thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi ghi lại những hình ảnh tiêu cực để... chống tiêu cực. Bộ thành lập nhiều đoàn thanh tra, kể cả thanh tra không báo trước, đến các địa phương nhằm hạn chế tiêu cực... Thế nhưng, những biện pháp này dường như không mấy hiệu quả. Những hình ảnh không đẹp về kỳ thi tốt nghiệp vẫn xuất hiện, đặc biệt ở những địa phương xa trung tâm, đến mức nhiều người cho rằng những nơi khác chưa có là vì chưa bị phát hiện.

Với 2.352 hội đồng thi, hơn 900.000 thí sinh dự thi, không cách nào Bộ có thể kiểm soát được liên tục tình hình ở các phòng thi. Thế cho nên những biện pháp kỹ thuật như đã nêu không bao giờ có giá trị thật sự. Cũng như vậy, không thể có một đội ngũ thanh tra nào đủ để kiểm tra kết quả học tập lớp 12 của học sinh các trường THPT trên toàn quốc mà biết được bao nhiêu trường nâng điểm cho học sinh có học bạ “đẹp”.

Vấn đề phải giải quyết từ gốc.

Nghĩa là, như lâu nay mọi người vẫn đề cập, khi tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn là kết quả đánh giá thi đua của các địa phương, trường học, giáo viên, học sinh; khi việc học vẫn nhằm vào mục đích cao nhất là vì điểm số; khi bằng cấp có giá trị hơn khả năng thật sự của người sử dụng nó... thì khó lòng chấm dứt tình trạng tiêu cực trong thi cử.

Và chỉ khi nào học sinh được giáo dục rằng trung thực với bản thân, với những vấn đề khác trong cuộc sống là một trong những đức tính quan trọng, bắt buộc phải có thì may ra họ mới không có những hành động phản giáo dục như thoải mái quay cóp, xem bài lẫn nhau trong các kỳ thi... mà không thấy xấu hổ.

Có một thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay là đề thi tránh đi vào việc học thuộc lòng, thuần kiến thức giáo khoa, chú trọng hơn đến kỹ năng của người học. Lãnh đạo một số sở GD-ĐT cho rằng điều này sẽ thay đổi việc dạy và học trong trường phổ thông. Lâu nay nhiều giáo viên cũng muốn đổi mới nhưng không dám vì cuối cùng học sinh cũng phải đi thi. Mà đề thi cho như lâu nay thì cách tốt nhất là dạy học... để thi. Giờ thì đã có động lực thay đổi.

Hy vọng từ sự đổi mới trên sẽ làm tiền đề cho những thay đổi khác đã ăn sâu lâu nay trong quan niệm của những người làm giáo dục. Từ đó, hạn chế dần những tiêu cực trong thi cử.

Thùy Ngân

>> Thi ĐH-CĐ 2013: "Cập nhật" những kiểu gian lận thi cử tinh vi
>> Lộ thêm clip gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô
>> Vụ gian lận thi cử nghiêm trọng ở Bắc Giang: Đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ, giáo viên
>> Người cung cấp clip gian lận thi cử nói gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.