Xuất khẩu hương vị tết

26/12/2011 02:28 GMT+7

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đặc sản như bánh chưng, bánh tét, bánh giày, lá dong, củ kiệu, mắm, mứt... để phục vụ bà con Việt kiều trong những ngày tết cổ truyền.

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đặc sản như bánh chưng, bánh tét, bánh giày, lá dong, củ kiệu, mắm, mứt... để phục vụ bà con Việt kiều trong những ngày tết cổ truyền.

Hơn 20 tấn bánh chưng, bánh tét, bánh gai... của cơ sở bánh chưng Trần Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) đóng trong container, đang được vận chuyển bằng đường biển để phục vụ bà con Việt kiều ở Mỹ và châu u. Đây là năm thứ sáu các loại bánh đặc trưng cho hương vị tết được cơ sở Trần Gia xuất khẩu.

gói bánh chưng
Xuất khẩu đặc sản tết để bà con Việt kiều giữ được truyền thống cội nguồn, quê hương - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Trần Thanh Toàn, chủ cơ sở Trần Gia, cho hay năm nay, do kinh tế khó khăn nên lượng bánh xuất khẩu của Trần Gia giảm chút ít nhưng bù lại giá bánh lại tăng 15% so với năm trước. Ông Toàn còn cho biết Trần Gia cũng xuất khẩu ba tấn lá dong sang Mỹ để bà con gói bánh chưng trong dịp tết.

Khác với cơ sở Trần Gia đã hoàn tất việc xuất khẩu, hiện Ban Giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Ngọc Ngân (Tiền Giang) đang nóng lòng chờ số liệu nhập hàng từ thị trường các nước. Năm nay, ngoài thị trường Trung Quốc (trùng tết âm lịch với Việt Nam), thị trường mà công ty nhắm tới xuất khẩu hàng phục vụ bà con Việt kiều chính là Canada và Mỹ. Theo ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Công ty Ngọc Ngân, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty trong dịp tết là nhãn tiêu mang thương hiệu Việt Nam. Giá xuất khẩu 1,5 USD/kg, cao hơn nhiều so với trong nước.

Đại diện Công ty sản xuất Hưng Thịnh (TP.HCM) cho biết hiện đơn hàng các mặt hàng đặc sản như bánh tráng, nước tương, củ kiệu, mắm nêm… xuất khẩu sang Mỹ, Úc, New Zealand ngày càng tăng.

Nhu cầu sử dụng đặc sản Việt Nam của bà con Việt kiều hiện không chỉ gói gọn trong mấy ngày tết mà còn lan ra ngày thường. Vì vậy, cơ hội xuất khẩu các mặt hàng này càng lớn hơn. Tuy vậy thị phần hàng đặc sản của doanh nghiệp Việt Nam còn kém xa Trung Quốc, Thái Lan. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. Phần lớn hợp đồng xuất khẩu “hàng nhà quê” đến từ sự giới thiệu hay đặt hàng từ bà con Việt kiều.

Theo các doanh nghiệp, năm nay bà con Việt kiều sẽ về quê ăn tết nhiều hơn các năm trước. Do đó ngoài việc xuất khẩu, doanh nghiệp cũng chuẩn bị một lượng hàng đặc sản tết khá lớn để phục vụ thị trường trong nước.

Tết phải có bánh chưng

Nếu phải đón tết ở nước ngoài thì không thể thiếu những mặt hàng đặc sản từ Việt Nam đưa sang. Đây cũng chính là dịp để tôi giới thiệu cho bạn bè quốc tế về ẩm thực cũng như đặc sản quê hương. Có năm gia đình tôi ăn tết ở đất nước Congo xa xôi nhưng cũng tìm cách mua nếp, lá dong, dưa hấu để được đón một cái tết cổ truyền trọn vẹn. (GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Việt kiều từng hơn 40 năm sinh sống tại Bỉ)

Trung Hiếu - Đình Quân

>> Giới trẻ Việt "xuất khẩu" Tết
>> Người Hà Nội tất bật sắm đồ trang trí Tết
>> Đưa hương vị tết ra ngoài nước
>> Nấu bánh chưng trên xứ tuyết
>> Tết Việt của tôi ở xứ tuyết...
>> Hơi ấm đồng hương tại Phần Lan
>> Hàng tết xuất ngoại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.