Căng sức đảm bảo nguồn điện

28/04/2014 09:32 GMT+7

Miền Nam đang vào cuối mùa khô nên áp lực đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt là rất lớn. Ngành điện đang phải tăng tốc thực hiện nhiều công trình trong điều kiện khó khăn.

 Căng sức đảm bảo nguồn điện
Kiểm tra trạm biến áp tại Vĩnh Long - Ảnh: Đình Tuyển

Áp lực phụ tải tăng cao

Phụ tải khu vực miền Nam hiện nay thường xuyên tăng cao so với mặt bằng chung cả nước, nhất là các tỉnh có khu công nghiệp như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… Phụ tải miền Nam bao gồm phụ tải của Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC), TP.HCM và cả bán điện sang Campuchia. Dự báo nhu cầu nhận điện từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) của EVN SPC sẽ đạt cao điểm trong mùa khô 2014 với công suất lớn nhất có thể đạt tới 7.147 MW. 

Ông Hồ Quang Ái, Phó tổng Giám đốc EVN SPC, cho biết Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm và hằng tháng; ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện đầu nguồn tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Cùng với đó, để đảm bảo cấp điện cho phụ tải khu vực miền Nam, EVN SPC đang triển khai đầu tư lưới điện để đảm bảo cung cấp điện.

Hiện EVN SPC đang thi công chuyển tiếp các công trình từ năm 2013, với tổng kinh phí 80,959 tỉ đồng, gồm: tăng cường tiết diện 129 km; trong đó gồm đường dây Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Hàm Tân (Bình Thuận); Sóc Trăng 2 - Sóc Trăng; Mỹ Tho 2 - Bình Đức; Bình Đức - Gò Công Tây - Gò Công (Tiền Giang); 2 mạch Long An 2 - Phú Lâm. Cải tạo 2 trạm biến áp Bình Thủy, Thốt Nốt (Cần Thơ), cải tạo tăng công suất 2 trạm biến áp Lương Sơn, Hàm Kiệm (Bình Thuận)...

Dù gặp nhiều khó khăn, song theo chỉ đạo của EVN, ngành điện miền Nam không được điều hòa tiết giảm phụ tải. Vì vậy, ngoài việc thực hiện các công trình đầu tư, EVN SPC còn phải tích cực triển khai các giải pháp điều hành cung cấp điện, quản lý vận hành. Cụ thể là chỉ đạo Công ty lưới điện cao thế miền Nam rà soát phương thức vận hành lưới điện 110 kV để tăng độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng… Còn các công ty điện lực chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong phê duyệt kế hoạch cung cấp điện; làm việc với khách hàng lớn, nắm lại nhu cầu phụ tải, ký biên bản thỏa thuận về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải, đẩy mạnh phong trào tiết kiệm điện và ban hành quy định về sử dụng điện tiết kiệm tại doanh nghiệp...

Nhiều khó khăn

Việc thực hiện các công trình, dự án của EVN SPC hiện gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Khó khăn lớn nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo EVN SPC, trong các đề án quy hoạch điện lực, quỹ đất cho các công trình điện chưa được đề cập cụ thể rõ ràng, chưa đồng bộ với hạ tầng khác. Do đó, khi triển khai công trình điện gặp nhiều khó khăn vướng mắc như: thủ tục đo vẽ giải thửa, kiểm đếm công trình tuyến mất nhiều thời gian, xử lý tranh chấp kéo dài với các chủ đầu tư khác, người dân tranh thủ thêm tiền đền bù hỗ trợ bằng nhiều cách như: trì hoãn thời gian thỏa thuận, trồng cây giống, dựng nhà tạm trong hành lang an toàn… Ngoài ra, việc trồng trụ điện, quản lý vận hành và khắc phục sự cố lưới điện dọc đường giao thông cũng rất khó khăn bởi hệ thống đường bộ đang trong quá trình quy hoạch, phát triển mở rộng. Khó khăn này khiến cho thời gian thi công cung cấp điện, sửa chữa tái lập điện, di dời lưới điện hiện hữu dọc đường giao thông bị kéo dài.

Bên cạnh đó, theo quy định, trụ điện phải nằm ngoài hành lang bảo vệ an toàn đường bộ, phải cam kết di dời khi mở rộng lộ giới là rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do đường dây tải điện phải xâm phạm đất đai, gây thiệt hại cho người dân, trong khi tâm lý người dân lại không chấp nhận sống dưới đường dây điện. Đây cũng là lý do khiến cho việc đền bù, giải tỏa chậm dù tốn kém. Một trở ngại khác là thủ tục đánh giá tác động môi trường rất phức tạp, mất nhiều thời gian trong khi việc thực hiện các công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo đường dây và trạm điện đang rất khẩn trương.

Đình Tuyển - Đình Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.