Ước mơ được về

03/02/2013 03:20 GMT+7

Con đường dẫn vào Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định xuyên giữa rừng cao su bạt ngàn, cuối năm lá vàng rụng xao xác. Bên gốc mai, hai bệnh nhân còn trẻ đang lặt lá, mắt vời vợi nỗi nhớ về cái tết ngày xưa bên gia đình.

Con đường dẫn vào Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định xuyên giữa rừng cao su bạt ngàn, cuối năm lá vàng rụng xao xác. Bên gốc mai, hai bệnh nhân còn trẻ đang lặt lá, mắt vời vợi nỗi nhớ về cái tết ngày xưa bên gia đình.

Những lá thư không hồi đáp

Cách TP.HCM hơn 60 km, trung tâm (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nằm ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, H.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng, điều trị miễn phí cho 1.152 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50% ở độ tuổi thanh niên. Phần lớn là những người sống lang thang cơ nhỡ từ miền Trung và một số tỉnh thành khác trôi dạt về TP.HCM.

Hai thanh niên đang lúi húi lặt lá mai vàng giữa khoảng sân của trung tâm là anh Nguyễn Hiếu (24 tuổi, quê ở Biên Hòa, Đồng Nai) và anh Nguyễn Văn Thanh (Tây Ninh). Cả hai anh đều than nhớ nhà. Anh Thanh giãi bày: “Ở trong này cũng có tết, nhưng em thích ăn tết ở nhà hơn. Em đi khắp xóm chúc tết, vui hết biết!”. Mới hớn hở đó, nét mặt anh Thanh chợt buồn xo khi anh cho biết suốt 4 năm nay, anh không có người thân nào thăm viếng. Những lá thư nhân viên trung tâm viết hộ, gửi về theo địa chỉ còn lưu lại trong ký ức anh đều bặt vô âm tín.

 
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định

 
Bệnh nhân tâm thần (tại Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định) tập dượt múa lân chuẩn bị đón tết - Ảnh: Như Lịch

Thấy tôi vừa bước vào Khoa F - khoa dành cho nữ bệnh nhân lớn tuổi và bị bệnh cao huyết áp, bà Nguyễn Thị Rớt (71 tuổi) níu tôi lại, giọng tha thiết: “Nhờ cô nhắn giùm người nhà của em nhớ lên rước em về ăn tết nghe”. Rồi bà đọc vanh vách một địa chỉ ở P.6, Q.4, TP.HCM mà theo bà, đó chính là nơi con bà đang cư ngụ.

Bà Rớt kể bà có 4 đứa con và 12 đứa cháu nội, ngoại. Lâu lâu, mấy đứa con, cháu của bà cũng có lên thăm. Hỏi bà vì sao ở đây, bà lỏn lẻn nói: “Hồi đó, nhà em nghèo lắm. Lúc căng thẳng, em hay lấy dao rượt người ta. Buồn buồn, em còn bắt mấy con vịt đưa xuống sông tắm chung với mình. Lúc đưa vô trung tâm này, nghe mấy cô kể lại là gặp ai em cũng chửi, rồi bứt lá cây quấn thành những điếu thuốc, mắc cỡ quá!”. Chốc chốc, bà Rớt dừng lại nhắc tôi lời nhắn trên kia. Bà bỗng đổi cách xưng hô: “Nhờ các cô ở đây chăm sóc, Rớt hết bị thần kinh rồi. Nhưng Rớt nhớ nhà lắm! Hai năm rồi, Rớt chưa được trở về vì mấy đứa con nói chưa có tiền lo cho má”.

Hai bệnh nhân Nguyễn Kim Thu và Trần Thị Thúy Nga suýt cự cãi vì tranh nhau “xí phần” chuyển lời nhắn cho chúng tôi. Điều ngạc nhiên, khi bà Thu chuẩn bị đọc địa chỉ người thân của mình thì bà Nga đã nhanh nhảu “nhắc bài” và ngược lại. “Ở đây, ai em cũng thương hết, thân hết. Tâm sự hoài nên thuộc lòng chuyện của nhau, thuộc số nhà luôn”, bà Nga giải thích.

Y sĩ Trần Thị Phương Thúy (30 tuổi) - Trưởng khoa F, người vừa được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2012 - day dứt: “Những lúc trò chuyện, tôi thấy bệnh nhân nào cũng muốn về nhà. Họ rất cần quan tâm, chia sẻ, chăm sóc của gia đình. Nhưng nhiều gia đình đã bỏ rơi họ, hoặc chỉ thăm nuôi 1 - 2 lần rồi biệt tăm”. Theo y sĩ Thúy, năm nào cũng vậy, trước tết khoảng 2 tháng, trung tâm cử nhân viên viết hàng trăm lá thư gửi về các địa chỉ do bệnh nhân cung cấp. Tuy nhiên, số thư không hồi âm thường chiếm hơn 70%. Ngoài lý do địa chỉ không còn cập nhật, có rất nhiều gia đình cố tình chối bỏ bệnh nhân là một thực tế phổ biến.

 

Đừng tưởng họ là những người vô tri vô giác. Khi nghe những bài ca cổ về mẹ, về gia đình, bệnh nhân nào cũng bật khóc. Cả nam lẫn nữ. Cả già lẫn trẻ

Anh Nguyễn Tấn Đền - Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định

Nước mắt người điên

Có những bệnh nhân tâm thần cảm nhận cái tết đang đến thật gần. Đó là khi họ lom lom nhìn những y sĩ, điều dưỡng trang hoàng rực rỡ cho mấy cành hoa đào, hoa mai ở mỗi khoa mà nhớ về cái tết năm nào bên gia đình. Đó là khi tiếng trống rộn lên bên khu A, nơi nhiều bệnh nhân đang tập múa lân, chờ đến ngày tết đi biểu diễn và nhận tiền lì xì từ ban giám đốc, các phòng ban…

Khác với những người muốn về nhà ăn tết, bệnh nhân Dương Ngọc Hiền (32 tuổi, ở Hậu Giang), thuộc Khoa C (dành cho bệnh nhân nam bị tâm thần nặng, khuyết tật và đa phần không thể tự vệ sinh cá nhân) lại tỏ ra dứt khoát: “Tết này con không muốn về. Vì ở đây ăn tết vui hơn, được ăn nhiều thứ. Còn ở nhà con nghèo quá, tết không có cái gì ăn hết”. Được biết, những lúc tỉnh táo, Hiền là một “cây văn nghệ” khá nổi của trung tâm.

Anh Nguyễn Tấn Đền, Trưởng phòng Tổ chức hành chính kiêm Bí thư Đoàn cơ sở trung tâm, cho hay từ ngày 28 đến mùng 7 tết, bệnh nhân tham gia những gian hàng trò chơi vận động có thưởng và những gian hàng ẩm thực di động do từng chi đoàn thiết kế. Những năm gần đây, trung tâm còn mời các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang lên biểu diễn. “Đừng tưởng họ là những người vô tri vô giác. Khi nghe những bài ca cổ về mẹ, về gia đình, bệnh nhân nào cũng bật khóc. Cả nam lẫn nữ. Cả già lẫn trẻ. Ban đầu, chúng tôi tưởng họ ăn hiếp lẫn nhau. Nhưng hỏi ra mới biết họ tủi thân, nhớ nhà” - anh Đền xúc động chia sẻ.

Theo tìm hiểu, trung tâm hiện có 243 bệnh nhân tâm thần (145 nam, 98 nữ) có tên chung là… Vô danh! Đó là do trước đây, khi công an và những ban ngành, đơn vị khác lập hồ sơ ban đầu thì những người lang thang không có giấy tờ đã không thể nhớ hoặc giả câm giả điếc để khỏi khai báo về tên, tuổi, quê quán của họ. Sau khi vào đây, bằng phương pháp gợi chuyện, khai thác thông tin linh hoạt của nhân viên y tế - tâm lý, có những bệnh nhân bỗng cất tiếng nói, bảo tôi tên này tên kia. Trớ trêu thay, các thông tin chính thống của họ vẫn cứ phải dựa vào tờ khai ban đầu.

Tại Khoa A dành cho bệnh nhân nam có sức khỏe tương đối ổn định, chúng tôi gặp một trong những người có tên trong hồ sơ là “vô danh nam”. Tuy nhiên, anh này tự giới thiệu rành rọt mình là Hà Văn Tĩnh, quê ở Dầu Giây, Đồng Nai. So sánh hai cái tên, anh Tĩnh quyết liệt: “Em thích được gọi tên Tĩnh hơn, vì đó là tên cha mẹ đặt cho”. Anh Tĩnh năn nỉ: “Các thầy cô cho em về nhà ăn tết. Chị em bên Mỹ về hứa sẽ đến bảo lãnh em. Bao nhiêu năm rồi em chưa được về nhà”. Thế rồi, anh nghêu ngao hát: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con - Khi thấy mai đào nở vàng bên nương - Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”. Đến đây, anh ngừng lại phân trần: “Bài đầu tiên em run quá, hát không hay. Em xin hát bài thứ hai là Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào…”.

Khi mới vào làm ở trung tâm, y sĩ trẻ Nguyễn Xuân Cảnh (nay là Trưởng khoa C) rất sợ bị… đánh khi thấy bệnh nhân kích động mạnh. Vậy mà suốt 6 năm nay, cũng như cô y sĩ hết dạ yêu nghề Phương Thúy và những đồng nghiệp khác, anh Cảnh không thể rời xa chốn này. “Nhiều thân nhân không giữ lời hứa lên thăm nuôi hoặc đón bệnh nhân về. Trong khi đó, người bệnh thường nhớ kỹ lời hứa đó vào những lúc họ tỉnh lại. Họ bị kích động mạnh, chạy nhảy la hét, thậm chí còn tìm cách tự sát. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều trị”. Tâm tư của y sĩ Cảnh cũng chính là nỗi lòng của những người đã và đang vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh thầm lặng để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần nơi mảnh đất heo hút này.  

Như Lịch

>> Cần Thơ triển khai đề án giúp đỡ người tâm thần
>> Người trẻ mắc chứng rối loạn tâm thần tăng
>> Hơn 8.300 tỉ đồng trợ giúp người tâm thần
>> Ngủ kém tăng nguy cơ bệnh tâm thần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.