Thả nổi giáo dục mầm non: Rà soát hệ thống trường toàn quốc

07/12/2010 22:57 GMT+7

Thỉnh thoảng dư luận lại phẫn nộ vì một vụ bạo hành trẻ nhỏ, hầu hết đều từ những cơ sở mầm non không phép. Điều này sẽ không bao giờ có hồi kết nếu không có những giải pháp mạnh mẽ. >> Lo ngọn, quên gốc \ Phụ huynh hết đường lựa chọn

Nhà trẻ trong khu công nghiệp

Bà Đặng Huỳnh Mai, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT là người kiên trì đề xuất chủ trương khôi phục lại mô hình nhà trẻ trong các nhà máy, khu công nghiệp, doanh nghiệp. Bà cũng cho rằng: “Cần phân biệt 2 loại hình nhà trẻ và trường mẫu giáo chứ không nên gộp vào như hiện nay. Có như vậy thì trẻ từ 4 tháng đến 3 tuổi mới có cơ hội được nuôi dạy ở những cơ sở an toàn”.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra để rà soát lại các đơn vị mầm non chưa được cấp phép. Rà soát không phải để cấm đoán mà giúp đỡ họ, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cô nuôi dạy trẻ.
Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Đề án về chiến lược phát triển mầm non cũng đã quy định các doanh nghiệp, nhà máy phải quan tâm đến nhu cầu gửi con của cán bộ, công nhân viên của mình, địa phương quan tâm dành quỹ đất để xây dựng trường lớp để đảm bảo nhu cầu giữ trẻ. Những tỉnh mà khu công nghiệp rất phát triển khi quy hoạch, cấp phép xây dựng những khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư thì cần phải kèm theo yêu cầu bắt buộc phải có khu vực giữ trẻ”.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

 Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu thực tế: “Quá trình khảo sát thực tiễn của ủy ban về các vấn đề xã hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cho thấy, dù đã có quy định các khu này phải có nhà trẻ để lao động nữ gửi con, nhưng thực tế lại gần như... không có”. Các khu công nghiệp thường bắt đầu bằng việc xây dựng các nhà máy, cơ sở hạ tầng và khi hoàn thành, không còn đất để cho các nhà trẻ. Cũng có khu công nghiệp xây được nhà trẻ, thuê được giáo viên, nhưng chi phí quá lớn, trong khi không có tiền để hỗ trợ và lương công nhân không thể gánh được. “Nghịch lý hiện nay là lãnh đạo các khu công nghiệp cho rằng, họ không có điều kiện tổ chức nhà trẻ, còn người lao động lại không yên tâm đi làm ở các khu công nghiệp khi gửi con ở những nơi chưa cảm thấy an toàn. Vấn đề trên tạo nên tình trạng bất an cho cả người quản lý khu công nghiệp, cho cả người lao động đi làm việc khi có con nhỏ”, bà Mai phân tích.

Theo bà Trương Thị Mai, một trong những mục tiêu đặt ra cho việc sửa đổi Luật Lao động tới đây là giải tỏa được vấn đề nói trên tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có thể đề xuất là Nhà nước phải hỗ trợ để chi phí gửi trẻ phù hợp với đồng lương của công nhân.

Quản lý chặt nhóm trẻ gia đình

GS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội Khuyến học VN cho rằng: “Cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng gốc gác của vấn đề là người dân ở mức thu nhập trung bình trở xuống không có chỗ gửi con. Trong khi chờ đợi Nhà nước xây trường thì phải có những giải pháp tình thế, linh hoạt hơn để tiếp nhận trẻ, cụ thể là mô hình nhóm trẻ gia đình, nhóm lớp tư thục với sự đóng góp một phần của gia đình”.

Nói về những vụ bạo hành xuất phát từ nhóm trẻ gia đình thời gian vừa qua, GS Trần Xuân Nhĩ khẳng định: “Chính quyền, ngành GD-ĐT địa phương cũng phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong những vụ việc đó. Cả nước có vài chục ngàn nhóm trẻ gia đình; vấn đề là mình phải quản lý, chứ không nên trách họ hoặc chỉ có biện pháp duy nhất là cấm đoán. Thay vì cấm thì mình phải cấp phép và có trách nhiệm với họ”.

Theo GS Nhĩ, Hội Khuyến học đã thí điểm mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc hình thành và quản lý những nhóm trẻ gia đình ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Chỉ hơn 1 năm đã phổ cập được hơn 90% trẻ mầm non.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa cũng cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước ở mỗi địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra để rà soát lại các đơn vị mầm non chưa được cấp phép. Rà soát không phải để cấm đoán mà để giúp đỡ họ, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cô nuôi dạy trẻ”... Còn bà Trương Thị Mai thì đề nghị: “Các bộ phải đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật với những quy định rất cụ thể về tiêu chí và điều kiện cấp phép cho các nhà trẻ. Chính quyền các cấp bên dưới phải có sự rà soát cấp phép toàn bộ hệ thống nhà trẻ trên phạm vi toàn quốc”. “Nếu cứ để một vài tháng lại rộ lên một vụ việc bạo hành trẻ em thì xã hội và người dân không an tâm. Như thế, chúng ta không bảo vệ tốt cho người dân, đặc biệt là trẻ em”, bà Mai nhấn mạnh.

Thực trạng giáo dục mầm non

- 42% phòng học tạm.

- 20,8% phòng học nhờ, mượn, hầu hết là đi học nhờ ở đình, chùa, các nhà văn hóa.

- 47,8% số phòng học của các cơ sở mầm non tư thục chưa đạt yêu cầu theo quy chế.

- Năm học 2009 - 2010 cả nước thiếu tới 25.327 giáo viên, trình độ chuyên môn còn hạn chế.

- Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục mầm non mới đạt đến 8,5% ngân sách dành cho giáo dục, nhiều tỉnh chính sách cho hoạt động chuyên môn mới đạt 1% - 2% trong tổng số chi thường xuyên.

(Theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.