"Kỹ nghệ lấy Tây" vẫn còn hơi thở cuộc sống

29/12/2008 23:17 GMT+7

Xem Kỹ nghệ lấy Tây khán giả vẫn giật mình bởi bài học: Đánh giá con người đâu phải là những giá trị đạo đức cảm tính, bàng quan mà còn cần cả trái tim, lý trí soi rọi sâu xa vào từng hoàn cảnh, thân phận con người.

Cùng với Nam Cao, Vũ Trọng Phụng là nhà văn lớn của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước 1945. Nếu tác phẩm Nam Cao thường lấy cuộc sống của nông dân và người trí thức làm đề tài thì tác phẩm Vũ Trọng Phụng thường khai thác đời sống thị thành. Ở đó, nhà văn đã chứng kiến một xã hội Việt Nam bị thay đổi, rúng động trong mọi mối quan hệ xã hội. Nho giáo phong kiến bị thất thế nhưng vẫn ngự trị ngấm ngầm, còn làn sóng văn minh phương Tây cưỡng ép đã tạo nên những sự thay đổi lố lăng, kệch cỡm với đủ trò giả trá, mị dân… Xóm Thị Cầu trong Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng là một nơi của sự biến đổi đầu đau đớn, chua chát đó.

Bình Minh gây được sự chú ý vì đây là lần đầu tiên anh tham gia lĩnh vực kịch nói, và vai nhà văn Vũ của anh là một thử sức nhẹ nhàng, vừa phải. Sức hấp dẫn của vở diễn còn là những tràng cười hào hứng dành cho "cặp đôi" Minh Nhí - Thúy Nga với những tình huống dở khóc dở cười khi họ vào vai một cô gái xấu xí lấy một anh Tây da màu.

Thị Cầu là nơi dung thân của những người đàn bà làm nghề me Tây, một nghề mà khi nhắc đến những người trong xã hội lúc bấy giờ không tránh khỏi sự ác cảm, thị phi. Bản thân Vũ Trọng Phụng, như lời giới thiệu của vở kịch, lúc đầu tìm đến Thị Cầu để thực hiện loạt phóng sự cũng không tránh khỏi thái độ lên án, phê phán. Nhưng khi tiếp cận những mảnh đời me Tây, xâm nhập vào số phận con người, thái độ nhà văn đã có sự thay đổi hẳn. Ở cái xóm me Tây ấy có nhiều me Tây, mỗi người mỗi thân phận. Nhưng họ có khác nhau gì đâu, tất cả đều là nạn nhân của sự phụ tình, của những lễ nghi Nho giáo phong kiến để rồi bước đường cùng phải dấn thân vào kiếp me Tây!

Trong cái xóm me Tây ấy, có thể nói các diễn viên nữ như Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Thúy Nga, Lan Phương, Xuân Hương, Mai Phương đã làm chủ sân khấu. Mỗi vai diễn của họ đều hay, đều bật sáng trên sân khấu và lôi cuốn khán giả vào đời sống của các me Tây. "Me" Kiểm Lâm của Trịnh Kim Chi thật gai góc khác thường trong vai một cô gái bị người tình phụ bỏ, để rồi đi lấy Tây đẻ ra một lũ con "liên hiệp quốc" với đủ màu da lẫn màu tóc. Hồng Vân vào vai Vũ Thị Ách, một me Tây "có số má" ở Thị Cầu, nhưng điểm yếu của người đàn bà này vẫn là cô con gái có cái tên Tây Suzanne (Lan Phương). Me Ách của Hồng Vân không hối hận chút gì về cái nghề me Tây của mình. Bà ta cũng tự hào sẽ dành cho cô con gái yêu biết bao của chìm của nổi. Nhưng bi kịch của bà Ách là dù có bản lĩnh thế nào, có cả kho báu trong tay thì bà cũng không thể giúp con gái vứt đi được nỗi mặc cảm là con gái của một me Tây (!). Nên mỗi khi thấy bà Ách rón rén rình nghe đứa con gái bé bỏng thầm hát một mình với nỗi hạnh phúc xuyến xao, người xem càng nhận rõ hơn cái đau đớn ngấm ngầm của người đàn bà mà cõi lòng ngỡ như đã chai sạn, sỏi đá.

Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, dưới sự chuyển thể của Lê Chí Trung và đạo diễn bởi Hồng Vân - Minh Hoàng đã mang đến sân khấu Phú Nhuận (TP.HCM) một vở diễn thực sự sinh động. Chỉ tiếc âm nhạc của vở còn quá sơ sài, có những lúc xung đột kịch tính giữa tình yêu, tình mẫu tử, ẩu đả... cũng chỉ dùng chung một bản nhạc nên nhiều chỗ hiệu quả vở diễn chưa đúng mức.

Suzanne yêu Vũ (Bình Minh), một nhà văn đến ở trọ nhà cô khi tìm hiểu Thị Cầu, trái tim cô gái như một buổi trời giông vần vũ với bao bi kịch giằng xé giữa tình yêu và sự tổn thương, lòng danh dự. Sự chua xót, mặc cảm cho thân thế trong tình yêu bao giờ cũng nhân lên gấp bội, mà có gì có thể làm cơn mưa để gột rửa, tắm mát cho tâm hồn đau khổ này? Lan Phương đã có một vai diễn hay và "đứng vững" giữa các diễn viên đàn chị như Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Xuân Hương, Thúy Nga. Bi kịch của những me Tây lúc thể hiện cao trào như đoạn đối thoại giữa Kiểm Lâm và người tình tên Tèo (Đoàn Bình), lúc âm thầm mà tàn phá như tâm lý bà Ách, nhưng đến Suzane thì cái bi kịch ấy càng được nhận rõ: Nỗi nhục nhã me Tây kia như một bản án xã hội được "truyền" đến cả đời con, đời cháu me Tây.

Bản án đó được gọi bằng tên Tây, nhưng nó được "thực thi" bởi đạo đức truyền thống. Vậy những me Tây ấy có thực đáng trách chăng? Vở kịch một lần nữa cảnh tỉnh: Hãy nhìn vào hoàn cảnh, thân phận mỗi con người, trước khi ban hành một bản án luân lý.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.