Cảnh báo tình trạng trẻ bị rối loạn lo âu

31/10/2012 08:12 GMT+7

(TNO) Đây là một rối loạn tâm thần nguy hiểm ở trẻ trong độ tuổi đến trường, nên phụ huynh cần quan tâm để điều trị sớm.

Điều này bắt nguồn từ việc trẻ bị tách ra khỏi vòng tay ba mẹ hoặc môi trường gia đình tạm thời để đi học.

Vốn dĩ từ nhỏ trẻ đã quen không khí gia đình, nhưng khi gặp môi trường mới là lớp học (đặc biệt là cấp học từ tiểu học trở lên) trẻ sẽ bị lo lắng và hoảng hốt quá độ.

 Trẻ thường e thẹn quá mức hoặc trốn tránh các giao tiếp xã hội
Trẻ thường e thẹn quá mức hoặc trốn tránh các giao tiếp xã hội - Ảnh: Shutterstock

Theo ThS - BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP.HCM), thường trẻ nhỏ không chấp nhận việc xa cha mẹ để đi sang bối cảnh môi trường mới, nhất là khi trẻ đã được nhận tình thương, giáo dục khi còn ở nhà cũng như khi ở trong môi trường mầm non.

Nếu môi trường trở thành mối đe dọa, trẻ sẽ truyền cảm xúc giận dữ về phía cha mẹ. Lúc này, trẻ sẽ biểu hiện bằng những trạng thái rất tiêu cực. Trẻ lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ hãi. Bị rối loạn giấc ngủ, đòi mẹ nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng.

 
Các hoạt động vui chơi đối với trẻ như sinh nhật, giờ ra chơi là nguyên nhân khiến trẻ khó chịu. Cơ thể sẽ có các triệu chứng như run tay chân, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn, tăng nhịp tim, đỏ mặt, hoảng loạn, có lúc trẻ cảm thấy như bị ngất… Dẫn tới hậu quả là trẻ thiếu các kỹ năng thực hành xã hội, thiếu tự tin, nhút nhát, dẫn tới trẻ bị từ chối trong mối quan hệ bạn bè.

Trẻ khóc bám vào cha mẹ, nổi cơn giận dữ, có biểu hiện ức chế đến mức câm nín. Tránh né các tình huống xã hội, xuất hiện dưới dạng e thẹn quá mức. Trẻ không chịu đi học kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người thân, níu bám cha mẹ.

Cho nên, phụ huynh cần đưa con đến điều trị sớm tại bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý và có cả bố mẹ cùng phối hợp. Trẻ sẽ được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, thậm chí kết hợp thuốc khi có biểu hiện hoảng sợ, ám ảnh và lo âu chia ly.

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh, bác sĩ Quang nhấn mạnh. Cha mẹ có thể phòng ngừa các rối loạn lo âu ở trẻ bằng các biện pháp rất đơn giản như cho trẻ làm việc nhà trong khả năng và tự phục vụ bản thân.

Tổ chức cho con nhiều trò chơi rồi quan sát, nếu thấy trẻ cáu gắt thì hãy kiên nhẫn hướng dẫn cho trẻ cách xử lý từng trường hợp cụ thể, không được nặng lời với trẻ. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, yêu thương trẻ ngay cả khi trẻ bị thất bại trong các tình huống xã hội.

Việc làm này phải thực hiện kiên trì và lặp đi lặp lại nhiều lần thì việc áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức và phương pháp trị liệu cá nhân mới thành công.

Kiến Văn

>> Con rối loạn hành vi do mẹ nhiễm thủy ngân
>> Trẻ nhiễm kim loại nặng dễ rối loạn hành vi
>> “Rối loạn lo âu” mùa tựu trường
>> Rối loạn tiêu hóa ở trẻ con
>> Chứng rối loạn thở khi ngủ ở trẻ
>> Chứng rối loạn phân ly tập thể
>> Coi chừng rối loạn giấc ngủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.