Xuân ở cực bắc Tổ quốc

31/12/2005 21:25 GMT+7

Một mùa xuân nữa lại về với Đồn biên phòng 169 Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc với địa danh nổi tiếng cột cờ Lũng Cú. Vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều năm qua cán bộ chiến sĩ đồn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên cương và chăm lo, bảo vệ đồng bào ăn tết ấm no, hạnh phúc.

Lũng Cú và những người giỏi... chịu rét

Từ thị trấn Đồng Văn, vòng vèo qua những con đèo tròn trịa như những cái bát đặt sát nhau, một bên là núi, một bên là vực thẳm trên lộ trình dài gần 20 km chúng tôi mới lên được Đồn biên phòng Lũng Cú. Rét cắt da. Sương trắng giăng mờ quanh núi. Mắt mũi kèm nhèm vì gió buốt. Tại đồn, cán bộ chiến sĩ ai nấy lụp xụp trong mũ, áo bông trấn thủ tất bật lo kế hoạch đón Tết. 

Đồn biên phòng 169 Lũng Cú đóng ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn có nhiệm vụ bảo vệ ba xã trên địa bàn và 31,5 km đường biên giới tiếp giáp với huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cán bộ, chiến sĩ của đồn được chia theo bốn mảng nhiệm vụ: vận động quần chúng, trinh sát, kiểm soát, vũ trang.


Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú (ảnh: Diệp Đức Minh)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng và vinh dự của Đồn biên phòng Lũng Cú là được tuần tra, bảo vệ cột cờ Lũng Cú, biểu tượng của cột mốc biên giới tại địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú trên đỉnh núi Rồng được cắm ở độ cao 1.535m so với mặt nước biển. Năm 1999, cột cờ được tu sửa, xây dựng lại bằng bê-tông, có thân hình lục lăng dài 12m, cán cờ cao 8m. Lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2 đại diện cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú cũng là địa chỉ được viếng thăm của nhiều nguyên thủ, cán bộ cấp cao và khách du lịch.

Không thể không nói đến một "đặc sản" nữa ở Lũng Cú, đó là cái rét, chắc chẳng nơi nào tại Việt Nam có được. Tại đây, có năm nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 0 độ C. Tuyết rơi là chuyện thường xuyên. Có đợt tuyết rơi dày hơn 30 cm, cả tuần không tan. Năm 2004, Tết đến cũng là khoảng thời gian tuyết rơi trắng trời. Bản người Mông ở sườn núi Voi nằm ngay trước mặt đồn ngập trong màu tuyết trắng.


Chăm sóc hoa vàng đón xuân

Rét vậy nên bộ đội biên phòng Lũng Cú còn nổi tiếng vì chịu rét tài. Buổi sáng dậy, nước lạnh cóng như đóng băng, nhúng chiếc khăn mặt vào nước đã thấy đầu ngón tay tê buốt. Thế nhưng các chiến sĩ đồn vẫn dậy từ khi trời còn mờ tối. Trong giá buốt, các chiến sĩ mặc áo bông trấn thủ, ngồi xe máy, vác súng tuần tra biên cương. Sáng sớm, nhiều lúc sương buông xuống không thấy rõ đường đèo, phải bật đèn pha xe máy chiếu sáng. Đi tuần phải đeo hai găng tay, găng tay len đeo trong, găng da đeo ngoài.

Và những mùa xuân ấm tình đồng bào

Đến thăm Lũng Cú những ngày cận Tết càng cảm phục hơn tinh thần tận tụy, chịu đựng gian khó của cán bộ, chiến sĩ đồn. Đồng chí Vũ Ngọc Lâm, phó đồn phụ trách công tác chính trị nói về công tác tuần tra, bảo vệ biên giới trong những ngày tết: "Nhiệm vụ của chúng tôi là tuần tra biên giới, bảo vệ địa bàn, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong địa bàn. Trong những ngày Tết, nhiệm vụ này còn nặng nề hơn".


Trực tổng đài đón điện chúc xuân
Để có được sự yên bình cho biên cương, cho không khí đón tết đầm ấm, vui vẻ của đồng bào, ngay ngày mùng một tết, đồn đã chia nhiều tốp chiến sĩ liên tục tuần tra biên giới và trực tiếp xuống những điểm vui chơi của đồng bào, vui cùng đồng bào và nhắc nhở họ không sa đà vào rượu chè, hủ tục. Với những đơn vị, hộ dân đóng quanh đồn, trực tiếp chỉ huy đồn đi chúc Tết, thăm hỏi. Bà con các dân tộc cũng đến đồn chúc tết rất nhiều, đặc biệt là các cô gái đã "thầm thương trộm nhớ" những chàng lính trẻ chưa vợ.

Chính từ sự quan tâm này mà Đồn biên phòng 169 và đồng bào dân tộc ở Lũng Cú đã có rất nhiều những kỷ niệm đẹp về tết. Tết 2003, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình trực tiếp Lũng Cú - Cà Mau - Trường Sa. Ở điểm cầu Lũng Cú, sát chân cột cờ, gần 2.000 bà con gồm năm dân tộc Mông, Lô Lô, Tày, Giấy, Pu Péo ngụ quanh địa bàn đã đến chật kín. Một nửa quân số đồn đã có mặt để tổ chức, bảo vệ, chung vui với đồng bào. Những đống lửa lớn được đốt lên. Tiếng khèn trầm bổng vang vọng núi rừng nâng bước những điệu múa váy xòe váy cụp. Qua giao thừa, Chủ tịch nước đọc thư chúc Tết. Đôi mắt nhiều chiến sĩ, đồng bào cứ rưng rưng, đỏ hoe. 2 giờ sáng lễ hội mới tan, thế mà đến tận 3 giờ đồng bào mới tản về các bản ở trên núi. Cán bộ, chiến sĩ qua đêm luôn tại trạm rồi sáng về đồn chúc tết, trực và bảo vệ đơn vị.

Có câu chuyện mà nhiều người còn nhớ, vào trưa mùng một Tết 2004, khi chiến sĩ đồn vừa cầm miếng bánh chưng lên thì nhận được tin báo cháy rừng ở khu vực xóm khai hoang thuộc xã Ma Lé. Lập tức cán bộ, chiến sĩ chạy như bay xuống địa bàn. Đám cháy rất to, ngoài lực lượng bộ đội, cán bộ xã, dân quân, đồn phải huy động thêm dân giúp đỡ. Nhưng khổ nỗi, đồng bào dân tộc đang mải ăn tết. Họ nói: "Chúng em đang mặc áo đẹp ăn tết, vui xuân, làm sao đi dập lửa được!". Thế là vừa phải dập lửa, vừa vận động đồng bào. Rồi họ nghe theo. Dù áo mới, áo đẹp, cả nam lẫn nữ đều ùa vào dập lửa. Đám cháy được dập tắt nhờ công sức của gần 200 người dân. Nếu không chặn kịp, nó sẽ theo


Đọc báo, một trong những sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết
chiều gió lan tận sang Trung Quốc.

Đồng chí Vũ Ngọc Lâm kể ra câu chuyện cảm động: Sáng mùng một tết năm rồi, trời lạnh buốt xương, có một bà cụ già 75 tuổi đi bộ 20 km đường rừng từ Nhiều Sang, Lũng Táo ra chúc tết đồn biên phòng. Quà của bà cụ mừng tuổi đồn là mười quả trứng gà và một chai mật ong. Bà nói: "Năm mới, mẹ không có tiền của nhiều, chỉ có chục trứng, chai mật làm quà, chúc các con nhiều sức khỏe, bảo vệ tốt biên cương, đồng bào". Anh Lâm nói giọng xúc động: "Nhìn mẹ, nghĩ đến tấm lòng mẹ, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình, đồng thời cảm thấy sức mạnh, niềm tin tăng lên gấp bội".

*

Chia tay Lũng Cú trong cái lạnh của tiết trời nhưng ấm lòng tình quân dân biên giới, chúng tôi chép lại bài thơ Hẹn mùa hoa lê của tác giả Phạm Ngọc Linh sáng tác tặng đồn. Bài thơ được viết trên một bức tranh đẹp, treo ngay tại phòng họp của đồn:

Mây trắng ơi! Đưa tôi tới Cổng Trời
Dẫn tôi sang cao nguyên Mèo Vạc
Khèn bổng trầm hòa trong tiếng hát
Học sinh Mông cô giáo Vị Xuyên

Cùng học sinh thăm Lũng Cú, Đồng Văn
Cờ đỏ sao vàng địa đầu Tổ quốc
Ngựa quý biên cương dấu chân thân thuộc
Hẹn những mùa xuân tuyết trắng hoa lê.

Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.