Đến với xứ Hàn

10/12/2005 23:22 GMT+7

Chớm đông, Seoul se lạnh nhưng vẫn làm dịu lòng người bởi những sắc màu thiên nhiên tươi đẹp - những khu vườn lá đỏ thật nồng nàn xen với khoảng màu vàng sáng và xanh dịu tươi mới của những loài cây mà người nơi xa đến chưa kịp biết tên. Tất cả quyện vào nhau khiến những khách nơi xa ghé thăm Seoul được thấy trong mình một cảm giác rất nhẹ nhàng. Hối hả hơn bởi những dòng xe, bởi những bước chân nhanh nhanh trên hè phố, bởi những khu phố buôn bán tấp nập, nhưng chỉ một chút thôi, nếu bạn tham gia vào "cuộc đua" đó, lập tức bạn sẽ quên mình là người xa lạ.

Trồng "cây vợ chồng"

Các học viên đến từ Việt Nam tham dự lớp tập huấn - trao đổi kinh nghiệm về bảo vệ môi trường tại Hàn Quốc đều "chết mê" bởi gam màu, sắc lá từ những vườn cây, từ những chậu hoa rực rỡ được đặt ngay ngắn bên lối đi, trên hè phố, những giỏ hoa vàng, tím trên lưng chừng cột điện. Viện Nghiên cứu môi trường Hàn Quốc cũng nằm ẩn mình trong khu vườn trên núi. Len lỏi trong vườn cây là con đường nhỏ dốc thoai thoải dẫn đến các khu nhà làm việc. Hai bên lối đi là lá vàng và cỏ xanh - hình ảnh thật đẹp và thanh bình !

Khách phương xa có thể nhận ra địa hình Seoul rất đặc biệt. Đó là những ngọn núi cao niên sống ngay trong lòng thành phố, "đeo" trên mình các tòa nhà tựa như những chiếc túi hộp của chiếc áo được thiết kế hiện đại, khỏe khoắn. Ngay trong mỗi tòa nhà, trên tầng thượng hoặc tầng lửng, cũng xuất hiện những khu vườn đầy nắng và hoa. Chúng tôi đã được ghé thăm và ngồi trò chuyện với đồng nghiệp của tờ báo The Hankyoreh ngay trên tầng thượng của tòa báo. Đó là khu vườn xinh xắn với những bụi cây dại, những bụi cúc chi và nhiều loài cây khác nữa. Chắc chắn, cùng với cốc cà phê nóng giá 100 won từ máy tự động, ngồi trong khu vườn, bạn sẽ thấy thảnh thơi hơn sau những giờ tác nghiệp căng thẳng.


Cây được truyền thuốc bổ
để đón mùa đông tới

Theo ông Hoi Seong Jeong, Viện Nghiên cứu môi trường Hàn Quốc, vấn đề môi trường của Hàn Quốc được quan tâm từ 1963. Những hội nghị chính thức đề cập đến bảo vệ môi trường đã được tổ chức năm 1977. Tiếp sau đó, từ năm 1980, các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường ra đời. Ông Seong Jeong cho biết: "Thực ra, chúng tôi đã từng tự hào về các nhà máy với những cột khói đen trên bầu trời. Hình ảnh đó một thời được coi là biểu tượng của sự phát triển, của hiện đại hóa và công nghiệp hóa. Nhưng đó là chuyện của những năm 60-70. Bởi vì, đến khoảng cuối thập kỷ 70, chúng tôi đã nhận ra rằng, khí thải của ngành công nghiệp là rất trầm trọng, nó làm xấu môi trường và cần phải khắc phục". Phong trào trồng cây cải thiện môi trường được dấy lên và trở thành một phần của cuộc sống. Hằng năm, cứ vào dịp tháng 4, người dân lại cùng nhau lên núi trồng cây. Chăm sóc thiên nhiên đã thật sự là vấn đề mà người dân Hàn Quốc chú trọng. Học sinh được học môn Môi trường, được trang bị kiến thức chăm sóc cây xanh. Đặc biệt, phong trào trồng "cây vợ chồng" thực sự thú vị và độc đáo. Các cặp vợ chồng được khuyến khích tham gia trồng và chăm sóc cây xanh. Tên của họ sẽ được ghi nhớ trên mỗi cây được trồng. Vậy là, cùng với cây lớn lên, xanh tươi, ra hoa, kết trái - sự gắn kết và niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng cũng nhân lên theo tháng năm.

Cay nhưng mà thân thiện

Ngay khi đến khách sạn, bữa sáng đầu tiên, chúng tôi thử nếm bao gồm: bốn lát bánh mì, một hộp mứt và một hộp bơ (xin lưu ý, mỗi "hộp" to bằng... hai ngón tay - đúng bằng lượng bơ và mứt mà hành khách được ăn miễn phí trên máy bay). Kèm theo đó là một cốc trà (một túi trà thả trong hai phần cốc nước rất nóng). Bữa sáng đơn sơ được tính 8.000 won/suất, tương đương khoảng 120.000 đồng. Chỉ cần làm phép tính như vậy, thực khách từ Việt Nam có thể toát mồ hôi và sẽ quên ngay cái lạnh và cơn đói ! Nhưng có điều rất thú vị, lễ tân khách sạn thật nhiệt tình và rất chiều khách. Bởi vì, khách sạn Go Goong, nơi chúng tôi nghỉ, chỉ phục vụ ăn sáng từ 8 giờ. Những ngày cần đi sớm, mọi người trong đoàn sẽ phải ăn sáng trước giờ phục vụ. Vì vậy, nhu cầu nước sôi nấu mì tôm là khá cấp thiết. Khách sạn lập tức "điều động" ngay mỗi tầng một bình nước đủ cả nóng - lạnh. Nhờ vậy, mọi người đều có thể tự nấu mì và ấm bụng lên đường.

Với bữa tối, khách phương xa có thể tìm ăn ở những quán bên ngoài. Rất ngon và có thể giảm chi. Một bữa ăn no nê với món "lẩu Hàn Quốc" (tên gọi do chúng tôi tự đặt) sẽ chỉ phải trả 5.000 won/người. Cách chọn món thật đơn giản, bởi chủ hiệu đã có bức ảnh chụp món ăn với các mức giá kèm theo. Đó là một nồi lẩu nóng sôi thơm phức với những miếng đậu phụ cắt vuông trắng mịn và thơm ngậy, những miếng thịt lợn thái con chì, những khoanh củ cải trắng. Thêm vào đó, một âu cơm nhỏ, món kim chi thật cay và mấy khúc cá. Quán ăn nơi chúng tôi thưởng thức món lẩu nằm kề khách sạn Go Goong. Chủ quán là hai vợ chồng người Hàn Quốc khoảng gần 60 tuổi rất chu đáo. Ngoài những buổi ăn tập thể, nếu phải tự lo bữa tối, chúng tôi lại tìm đến quán của hai ông bà bởi đã bắt đầu thấy quen với món ăn nhiều vị cay kiểu Hàn Quốc. Mỗi sáng đi bộ qua cửa hàng,


Seoul có rất nhiều khu vườn đẹp
chúng tôi còn biết thêm một điều khá thú vị: những miếng đậu phụ trắng thơm ngon của món lẩu hấp dẫn đó chính do ông chủ quán xay đậu tương và chế biến. Sáng sớm, bên nồi nước đậu nghi ngút khói, ông vẫn kịp nhận ra những thực khách đến từ Việt Nam và cười thật thân thiện. 

Nếu muốn ăn những món dân dã hơn, bạn có thể tìm đến phố ẩm thực. Với 1.000 won, thực khách đã có một xiên thịt nướng ớt ngọt thơm phức; 3.000-5.000 won một bát mì và rất nhiều món hấp dẫn khác giá từ 2.000-4.000 won. Nhưng hoa quả thì khá đắt. Nếu mua tại các cửa hiệu, với 5.000 won sẽ được 3 quả hồng. Còn mua từ những người bán hàng lưu động trên những chiếc xe tải đậu bên hè đường, giá sẽ rẻ gần một nửa. Tính trung bình, cũng khoảng 1.000-1.300 won (1-1,3 USD một quả hồng); 1.000 won/trái lê to. Hồng rất giòn và ngọt, còn lê thì mọng nước. Tuy nhiên, nếu đến Seoul mà thưởng thức chuối tiêu thì là khá "xa xỉ". Vì nải chuối ở Việt Nam giá 6.000 đồng, thì ở Seoul được bán với giá 5.000-6.000 won (khoảng 5-6 USD/nải).

7 ngày ở Seoul, chúng tôi phải di chuyển nhiều bởi các cơ sở cách nhau khá xa. Bù lại, các học viên luôn nhận được sự tiếp đón nhiệt tình và chu đáo từ các vị chủ nhà. Buổi tối, ngay trước hôm đoàn về Việt Nam, Lan Anh - cô gái phiên dịch tiếng Hàn đưa đoàn tranh thủ đi mua quà cho người thân. Lúc đó, Seoul đã khá muộn và trời bỗng nhiên mưa, lạnh hơn. Vị chủ cửa hàng khi hỏi thăm và biết Lan Anh mua quà về Việt Nam lập tức bớt hẳn cho cô nửa số tiền đáng ra phải trả. Chủ hàng còn giục cô mau về nghỉ kẻo lạnh. Ngay sau đó, trên taxi trở về Go Goong, Lan Anh lại được người lái xe ân cần hỏi thăm: "Sao cô lại về muộn lúc trời mưa lạnh như vậy?". Khi được biết lý do, lái xe lập tức cho dừng đồng hồ xe để bớt tiền cho cô gái Việt Nam xinh xắn và nói tiếng Hàn rất hay. Những nụ cười khi gặp mặt, những quan tâm nho nhỏ đó đã khiến cho khách phương xa cảm nhận được sự gần gũi và sự chia sẻ từ tấm lòng người Seoul.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.